Hoàng Su Phì - Giấc mơ cuối cùng

Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó “Để tả một ngôi nhà có thể bắt đầu từ bậc thềm, để tả một vùng đất có thể bắt đầu từ những con đường dẫn đến nơi ấy”. Tôi biết kể gì về Hoàng Su Phì cuối thu ẩm ướt và se

Nếu như đường lên cao nguyên đá là sự tương phản giữa mặt đường nóng và tường đá lạnh, càng đi càng thấy cằn khô thì đường về Hoàng Su Phì lại hồn nhiên và đơn giản, mướt mát màu xanh của rừng cây và đồng lúa. Bạn hiền nói rằng Hoàng Su Phì thời điểm này không có gì, rừng, núi, ruộng bậc thang… tất cả chẳng khác chi quê nhà chúng ta hết. Tôi biết thế nên nào có trông mong mình sẽ bị choáng ngợp chẳng nỡ cất bước đi, tôi tìm đến nơi này cũng là bởi một lời hò hẹn. Mà chẳng biết người ấy có đúng hẹn không?

Buổi trưa mờ mịt sương bay trên đèo Cổng Trời tôi nào có trông chờ điều bất ngờ gì ở đây đâu, vậy mà thiên nhiên vẫn khoản đãi chúng tôi thế này. Vỡ òa trong ngỡ ngàng, xe đang đà lên dốc nên không dừng lại được, tôi chỉ còn biết liều mạng với sự sống còn của cái máy ảnh. Đi giữa một biển mây, linh hồn cứ trôi bồng bềnh trong thể xác. Sương lạnh như hơi thở mát lành của tự do, đẫm đầy trong từng nếp áo, chờn vờn trên má và vỗ về trái tim nhiều thương tổn. Tưởng như con đường không có đích đến, tưởng như mình có thể đi mãi như thế.

Rồi bỗng chạnh lòng, nhớ Đà Lạt vô biên

Đi nhiều nhưng chỉ một vài nơi khiến tôi nặng lòng thương nhớ. Tôi đã dự định về Đà Lạt mùa hoa cúc quỳ này, vậy mà khi chuẩn bị mua vé máy bay lại bị mủi lòng bởi lời năn nỉ của một người: “Đợi tôi ở Hoàng Su Phì”. Tôi đợi cậu qua bao nhiêu mùa hoa rồi, cậu đã bao giờ đếm hay chưa, lần nào thở dài hủy lịch tôi cũng tự dặn lòng đây là lần cuối. Rồi chỉ cần một câu nói của cậu thôi là tất cả lại đổi thay. Ai bảo trái tim đàn bà sinh ra từ nước làm chi, ai khiến cậu cứ làm tôi điêu đứng nhiều đến thế, để tôi lúc nào cũng ăm ắp cảm giác muốn được gặp, được nhìn, được ở bên cậu đến vậy, bất chấp mọi sự cách xa. Giữa biển mây ngày hôm ấy, giả dụ bạn đồng hành của tôi là cậu, giả dụ cậu xúi dại tôi “Nhảy đi”, có lẽ tôi nhảy thật.

Thế nên chúng tôi đã đi xuyên mây trời để thấy một trưa cuối thu đùng đục mây xám, gió thổi hắt hiu làm bạc thêm những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Mùa vàng chỉ còn rớt rơi trên những bó lúa gặt muộn xếp ven bờ, không gian đặc quánh với hai màu xanh nâu, có lúc khiến tôi ngột ngạt gần như không thở nổi.

Có lẽ nào Hoàng Su Phì buồn đến thế?

Ăn qua quít bữa trưa muộn trên đèo vắng, đang cố nuốt miếng bánh mì nguội ngắt nguội ngơ thì chúng tôi trông thấy một người đàn ông chở ba cái rọ nâu nâu vàng vàng đang ì ạch bò lên dốc từ khúc quanh phía xa. Cậu em chỉ: “Nhìn kìa, ba con lợn nên ông í không lên nổi dốc chị ạ”. Tôi sống chết cãi rằng ba cái rọ ấy không phải chở lợn đâu, là bao tải đựng ngô khoai hay gì đó đại loại thế. Đoán già đoán non mãi, người đàn ông ấy đi từ xa đến gần, tới khi hai đứa nhìn rõ được thứ gì đang được cột phía sau xe thì rủ nhau bò lăn ra cười. Có lẽ ông ấy thấy lạ lắm khi thấy trên đỉnh dốc có hai đứa dở hơi vừa nhìn mình vừa cười sằng sặc.

Đoán xem ông ấy chở gì? Thúng và mủng, trời ạ.

Tràng cười ấy đã phần nào giải tỏa tâm trạng ủ ê cứ bám riết theo tôi kể từ khi bắt đầu cuộc hành trình. Cười xong tôi bỗng chạnh lòng. Chỉ thúng và mủng thôi, vậy mà sao trông nặng nhọc thế? Liệu người đàn ông ấy nghĩ gì trong lòng mà lê lết đến vậy trong khi chỉ chở nhẹ hều mấy bao tải đồ đan lát?

Thông Nguyên, Hồ Thầu, Vinh Quang đón tôi với những khung cảnh thân quen như được trở về nhà. Không phải mùa du lịch nên cảnh quan giản đơn đến mức đôi khi khiến người ta thấy nhàm chán, chỉ có những con đường đầy thử thách vớt vát lại chút hứng khởi mà thôi. Cũng kể từ chiều hôm đó, tôi biết mình trót yêu những con đường Hà Giang mất rồi. Thứ tình yêu không đến vội vàng và dễ dãi, chẳng hề ngọt ngào nồng nàn mà đầy mạo hiểm và gian nan, ấy thế mà kẻ lang thang cứ liêu xiêu rồi ngã lòng lúc nào không biết. Người phụ nữ đẹp trong mắt kẻ si tình, đường quanh co đẹp trong tim kẻ lang thang, đúng không?

Đêm Vinh Quang buồn hiu hắt, đa số người dân núp trong nhà trốn cái giá lạnh đầu mùa. Tôi lang thang qua bao con đường có tên và không tên của thị trấn, cuối cùng dừng lại ở một hàng ngô nướng trước cổng kho bạc huyện. Liệu ngày mai người ấy có giữ lời hứa đến với tôi không? Hay chỉ hết ngày mai thôi, tất cả những bình yên và thanh thản này sẽ chỉ còn là ký ức. “Người ta chỉ sợ biệt ly khi lòng người thay đổi”, tôi cứ lấn bấn trong những nỗi sợ mơ hồ, bây giờ nặng lòng với Hà Giang thế này nhưng biết đâu mai kia trở lại chút duyên tình cũng đã phôi phai theo gió bụi đường trường. Tôi thắt lòng nghĩ tới ngày mai. Thế nên vội vàng nói, vội vàng đi, vội vàng vạch ra bao nhiêu dự định cho ngày mai cuối cùng nếu chẳng may người ấy không tới. Mà liệu rằng, đó có phải là ngày mai cuối cùng?

Trước cửa nhà khách nơi tôi lưu lại hôm ấy có một con suối rộng, nước cuộn chảy sục sôi bất kể ngày đêm. Vọng qua cánh cửa sổ khép chặt, tiếng suối cồn cào như tiếng mưa rào, tôi mở “Phố mùa đông” (Bảo Chấn sáng tác, Lê Hiếu trình bày) và ngủ quên khi nào chẳng hay. “Mai tôi sẽ rời xa núi đồi, sẽ mang theo hương đêm ngày cũ.

Để tôi mơ, một lần cuối này thôi nhé!

Miny