Hội nghị Công bố Chiến lược phát triển và Quy hoạch ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam: Thẳng thắn để đi đến thống nhất

Không khí hội nghị được đánh giá là “nóng”, căng và thẳng thắn. Nóng là sự sốt sắng tham gia của hơn 150 doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp ô tô, là 3 vấn đề nóng hổi nhất đối với sự phát triển củ

“Nóng” và thẳng thắn

Hội nghị Công bố Chiến lược phát triển và quy hoạch ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/8 đã kéo dài hơn 3 giờ. Và để đảm bảo chương trình không kéo sang buổi chiều, ban tổ chức đã phải cắt bỏ phần giải lao. Sau phần thuyết trình 2 Quyết định 1168 và 1211 của TS. Dương Đình Giám và ông Nguyễn Mạnh Quân, đại diện cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các nhà quản lý, giới chuyên gia đã dành toàn bộ thời gian còn lại trao đổi, thảo luận thẳng thắn về thực trạng và con đường phía trước của ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam.

Có đến hơn 10 vấn đề được đem ra mổ xẻ, từ chính sách thuế, phí, dòng xe được ưu đãi, điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất ô tô và doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tỷ lệ nội địa hóa cho đến tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về các sản phẩm linh kiện, phụ tùng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ vay vốn, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng giao thông...

Không khí hội nghị được đánh giá là nóng, căng và thẳng thắn. Nóng là sự sốt sắng tham gia của hơn 150 doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp ô tô, là 3 vấn đề nóng hổi nhất đối với sự phát triển của ngành gồm thị trường, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng giao thông liên tiếp được đặt trên bàn nghị sự. Căng là cách nhìn nhận đôi khi khá khác biệt giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với doanh nghiệp nhập khẩu; giữa doanh nghiệp sản xuất ô tô với doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng. Thẳng thắn là sự trao đổi trực tiếp, không né tránh giữa doanh nghiệp và nhà quản lý về mọi vấn đề; kể cả những chuyện mà trước đây thường được coi là “nhạy cảm” như sự hoài nghi về tính khả thi của bản Chiến lược hay Quy hoạch.

Thời điểm của đột phá

Sức nóng của Hội nghị cho thấy ảnh hưởng của ngành công nghiệp ô tô đối với nền kinh tế là rất lớn. Bởi nó là tổ hợp của rất nhiều ngành quan trọng khác như: cơ khí, vật liệu, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, hóa chất… Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi ngành này phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành khác.

Nhưng có một điều khá ngạc nhiên là từ nhiều năm nay, năm nào cũng có vài ba cuộc hội thảo được tổ chức xoay quanh chủ đề phát triển công nghiệp ô tô. Thế nhưng cho đến tận khi Hội nghị Công bố Chiến lược và Quy hoạch vừa qua, vẫn còn những cái nhìn cảm tính, lấy xe du lịch là đại diện cho ngành công nghiệp ô tô, từ đó đánh giá Bản Quy hoạch ngành Ô tô đến 2010 trước đây là thất bại.

TS. Dương Đình Giám đã giải thích rất cặn kẽ rằng, số đông chúng ta đang quên mất rằng, công nghiệp ô tô không chỉ là sản xuất xe du lịch mà còn sản xuất nhiều loại hình phương tiện vô cùng quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh tế và cá thể. Đó là xe tải, xe chuyên dụng, xe chở khách (từ 10 chỗ ngồi trở lên) với tỷ lệ nội địa hóa đã đạt tới khoảng 50%, thậm chí trên 50%. Đây là sự thành công rất lớn của các doanh nghiệp trong nước như Trường Hải hay Vinaxuki.

Có thể tổng kết 3 cái “được” của công nghiệp ô tô nước ta: Có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; Đã bắt đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ; Doanh nghiệp trong ngành đóng góp nguồn thu đáng kể vào ngân sách nhà nước với bình quân hơn 1 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, nút thắt nhất hiện nay là dung lượng thị trường, với khoảng trên 100 ngàn xe mỗi năm, trong khi Thái Lan, Indonesia đã vượt ngưỡng 1 triệu xe, và chỉ còn 4 năm để chúng ta đưa thuế suất nhập khẩu về 0% - 5% vào năm 2018. Hai số liệu về sản lượng và thời gian hội nhập cho ta hình dung đầy đủ hơn sức ép đang đè nặng lên ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Nhưng thật vui mừng, vào phút chót của Hội nghị lần này, câu hỏi: Có làm được (phát triển ngành ô tô) không? đã không xuất hiện, chỉ còn một vế nữa của câu hỏi: Có kịp không?

Trên bàn chủ tọa, Thứ trưởng Lê Dương Quang, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Dương Đình Giám đều khẳng định chúng ta có đủ lực lượng và công cụ giúp ngành công nghiệp ô tô hội nhập tốt vào năm 2018. 4 năm là ngắn, chính vì thế đây là thời điểm phải có những đột phá mà Chiến lược và Quy hoạch đã thể hiện được.

Các chuyên gia tổng kết rằng, 3 điều kiện để phát triển công nghiệp ô tô ở Việt Nam là dung lượng thị trường, công nghiệp phụ trợ và hạ tầng giao thông, thì Chiến lược và Quy hoạch lần này đều đưa ra được những điều kiện cần và đủ để tạo bước đột phá. Trước hết với dung lượng thị trường, trong khi chúng ta không thể “đua” với Thái Lan hay Indonesia về tổng sản lượng xe thì Quy hoạch chọn điểm đột phá là ưu tiên phát triển một số dòng sản phẩm gồm xe tải, xe khách hạng trung, xe hơi dưới 10 chỗ và xe chuyên dụng.

Quy hoạch mới cho công nghiệp ô tô Việt Nam được coi là văn bản pháp lý quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, Quy hoạch đề xuất hình thành lập một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, lần đầu tiên 2 bản Quy hoạch và Chiến lược đưa ra quan điểm “phát triển công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông” - một nút thắt mà 20 năm nay chúng ta vẫn ngập ngừng, đôi khi có những chính sách hạn chế phát triển ô tô do lo ngại hạ tầng giao thông không đáp ứng được.

Nhất quán

Mặc dù vậy, điểm đột phá bao trùm mà cả 2 bản Chiến lược, Quy hoạch lần này đều thể hiện là “thực hiện nhất quán hệ thống chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10 năm”. Đây là điều vô cùng hệ trọng, vì trong 20 năm, không nhất quán trong chính sách được nhận diện là nhân tố hàng đầu cản trở sự phát triển của ngành siêu công nghiệp này.

Đầu năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổ chức rà soát, phân tích thực trạng của ngành công nghiệp ô tô; trong đó, làm rõ kết quả thực hiện những nội dung trong “Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010”.

Kết quả rà soát cho thấy, những khiếm khuyết của bản “Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010” hoặc chỉ là tiểu tiết, hoặc do thời gian, còn nhân tố chính, là hệ thống chính sách không đồng bộ, nhất là sự “đá nhau” về các chính sách liên quan đến thị trường ô tô, đến ngành công nghiệp ô tô.

Từ khoảng giữa những năm 2000, khi thị trường ôtô bắt đầu phát triển mạnh thì cũng là lúc mâu thuẫn giữa nhu cầu mở rộng thị trường với chính sách hạn chế tiêu dùng ô tô, mà biểu hiện dễ thấy là chính sách thuế, trở nên rõ nét.

Ngành Giao thông Vận tải và Tài chính đã đề xuất thu thêm và tăng thu một số loại lệ phí ô tô như trước bạ, sử dụng đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ cá nhân (đã dừng theo Nghị quyết 02 của Chính phủ)… Các đề xuất này được đưa ra với nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có mục tiêu giảm tải cho hạ tầng giao thông và tăng nguồn thu ngân sách.

Nhưng do tăng thuế đánh vào ô tô, tiêu dùng trì trệ kéo theo thu ngân sách giảm. Đến lúc đó Tổng cục Hải quan lại đề xuất nới bớt điều kiện cho ô tô nhập khẩu nhằm tăng thu ngân sách. Đề xuất này đã làm cho các nhà sản xuất ô tô trong nước mất ăn mất ngủ.

Thực trạng trên cho thấy, chính sách không đồng bộ khiến cho các nhà sản xuất bất an, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển công nghiệp ô tô như thế nào. Do đó, “thực hiện nhất quán hệ thống chính sách đã và sẽ ban hành trong thời gian tối thiểu 10 năm” mà bản Chiến lược cũng như Quy hoạch đưa ra là bước đột phá toàn diện, đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng từ năm 2018.