Hội thảo khởi động "Chương trình hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam"

Ngày 15/4/2015, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen đồng chủ trì Hội thảo khởi động Chương trình “Hỗ tr

Năng lượng bền vững là một trong hai lĩnh vực trọng tâm trong Hợp tác Phát triển của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020. Hội thảo này nhằm chính thức khởi động chương trình hợp tác của EU và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và thống nhất phương thức triển khai cho các chương trình hợp tác này bằng việc ký kết "Biên bản thông qua về cách thức triển khai việc tăng cường hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng bền vững".

Đến năm 2020: Đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Ngành năng lượng giữ vai trò cốt yếu cho quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng của Việt Nam. Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và dành ưu tiên cao cho các nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310 - 320 triệu TOE vào năm 2050; phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% vào năm 2020.

Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Franz Jessenn

Ông Franz Jessenn, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam chia sẻ: "Hội thảo lần này, chúng ta đang đánh dấu việc khởi động chính thức về sự hợp tác của chương trình EU - Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Chúng tôi đang có kế hoạch hỗ trợ đầy tham vọng mà sẽ sử dụng phần lớn nguồn tài chính của chúng tôi cho giai đoạn 2014 - 2020, lên tới 400 triệu Euro viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Chương trình của chúng tôi sẽ được định hướng theo các nguyên tắc chung trong chính sách phát triển tại EU như đã nêu trong Chương trình Vì sự thay đổi của EU, bao gồm: Một là, việc thiết lập một mối quan hệ đối tác thực sự giữa EU và Việt Nam. Hai là, quyền sở hữu được coi là một điều kiện cần thiết cho tất cả các hoạt động. Ba là, Liên minh châu Âu cam kết sẽ chỉ thúc đẩy và hỗ trợ những chính sách phù hợp và nhất quán với chính sách nội bộ của mình. Cuối cùng, EU tuân thủ các nguyên tắc của Chương trình hiệu quả viện trợ và do đó, sẽ tìm hiểu kỹ về khả năng sử dụng các thủ tục nhà nước để triển khai chương trình".

Việt Nam sẽ là một nước nhập khẩu năng lượng

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Mặc dù Việt Nam hiện đang là một nước xuất khẩu năng lượng (xuất khẩu sang Lào, Campuchia), nhưng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ là một nước nhập khẩu ròng, dự kiến nhập khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, các khoản đầu tư lớn, cải cách thị trường năng lượng là cần thiết để đáp ứng được các nhu cầu trong tương lai, đồng thời duy trì việc tiếp cận cho mọi đối tượng ở mức giá phải chăng, giảm thiểu lượng khí thải carbon và sự tác động đến môi trường của Ngành. Việt Nam cần sự hỗ trợ để cải thiện việc hoạch định chiến lược phát triển ngành năng lượng, quy hoạch năng lượng, xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh để cải thiện hiệu quả và năng suất của ngành năng lượng, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và TKNL, Tổng cục Năng lượng Trịnh Quốc Vũ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: hiện nay Việt Nam vẫn đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng. Song, về lâu dài, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu bởi nguồn năng lượng ngày càng cạn kiệt.

Ông Trịnh Quốc Vũ cũng giới thiệu tổng quan về hiện trạng sử dụng năng lượng ở Việt Nam. Theo đó, những khó khăn, thách thức trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam bao gồm: hạn chế về nguồn ngân sách và nhân lực trong khi Chương trình phải thực hiện trên phạm vi rộng và đa dạng trong nhiều ngành nghề, từ trung ương tới địa phương; Doanh nghiệp hạn chế về vốn hoặc khó tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng; Nhận thức về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp nói chung vẫn còn hạn chế và chưa được ưu tiên trong mục tiêu hoạt động, các doanh nghiệp còn chưa thực hiện theo các yêu cầu của Luật cũng như các chế độ báo cáo bắt buộc.

 

Một số tham luận của các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các tổ chức thuộc khu vực tư nhân và EU được trình bày tại Hội thảo tập trung chia sẻ thông tin về hiện trạng chung, các thách thức cũng như các hỗ trợ cần thiết để thực hiện những chương trình, chính sách và chiến lược quan trọng của Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng. Hội thảo cũng thảo luận về các thách thức mà khu vực tư nhân gặp phải cũng như tầm nhìn của họ, các công cụ và phương thức tài trợ của EU nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các muc tiêu năng lượng bền vững của mình.

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hy vọng: Chương trình "Hỗ trợ của Liên minh châu Âu cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam" hỗ trợ cho Bộ Công Thương sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện hiệu quả sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam, gia tăng tỷ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng sản xuất và mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng tin cậy và bền vững.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo