Hồi ức bếp

Xây nhà không thể thiếu dựng thêm góc bếp, từ xưa tới nay, góc bếp tuy nhỏ bé nhưng là nơi thắp lửa của cả gia đình. Qua các thời kì, bếp Việt cũng dần thay đổi, từ đắp đất, mái tranh đơn sơ giản dị t

 Ở vùng Kinh Bắc xưa, căn nhà ba gian hai chái thường dành phần nhỏ bên hông cho góc bếp. Bếp cũng chia làm hai gian, một để cái tủ chạn, các dụng cụ sơ chế lương thực như nong, nia, giần, sàng với vài cái nẹp nhỏ kẹp dao, móc nồi; gian còn lại đặt bếp, chứa ít rạ hay củi khô. 



Khu bếp đầu thế kỉ 20 đơn sơ, vật liệu chủ yếu là tre nứa gỗ và đất nung


Cái chạn bát nhiều ngăn là vật dụng không thể thiếu

Việc bếp núc thường do phụ nữ đảm nhiệm, người ta cũng đánh giá cái nết của người phụ nữ qua công việc ấy, "xem trong bếp, biết nết đàn bà". Bếp đun ngày xưa là những ông đầu rau. Đầu rau gồm ba hòn đất nặn hình khum, đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun. Bếp củi ngày xưa khói nhòe cả hai hốc mắt, cái nồi, cái xoong nào cũng đen xì muội khói, nhưng tuổi thơ lũ trẻ lại chỉ trực hóng khói bếp ấy bay lên, báo hiệu giờ ăn đã kề cận, là về lấp ló bên hông nhà đoán xem mẹ đang nấu món gì.


"Xem trong bếp, biết nết đàn bà"


Bếp đun ngày xưa là những ông đầu rau. Đầu rau gồm ba hòn đất nặn hình khum, đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun


Dần dần, bếp kiềng bằng sắt thay thế cho ba ông đầu rau đắp đất


Thời chiến tranh thiếu thốn, hay khi cần bếp "dã chiến", bếp chỉ là mấy viên gạch xếp cao...

Cho đến những năm 60, 70 của thế kỉ trước, nông dân Bắc Bộ chủ yếu vẫn dùng rạ làm chất đốt, còn rơm thì để làm thức ăn cho trâu, bò. Khi đó, ông đầu rau khá phổ biến. Cũng có nhà không đun bếp bằng ba ông đầu rau mà dùng bếp kiềng. Loại bếp kiềng có ưu điểm là gọn nhẹ hơn ba ông đầu rau nhưng về cấu trúc thì cũng mô phỏng kiểu vị trí của ba ông đầu rau. Đến khi thiếu rạ, người ta có thể dùng củi để đun. Bếp không đơn giản chỉ là nơi đun nấu, chuẩn bị thức ăn. Bếp còn là nơi cả nhà đoàn tụ đầm ấm sau một ngày lao động mệt nhọc.


Gian bếp thời kỳ giữa thế kỷ 20 đã có sự thay đổi vật liệu xi măng, sắt đã được đưa vào


Bếp dầu...


...hay bếp điện Liên Xô là hình ảnh gắn với trí thức thị thành thời đầu đổi mới

Thời mậu dịch, những chiếc bếp dầu, bếp điện Liên Xô bắt đầu xuất hiện ở các vùng thị thành. Bếp dầu hôi rình, bếp điện có cái dây lò xo đỏ ửng là niềm tự hào của tầng lớp trí thức một thời.


Bếp ga, vật dụng xa xỉ những năm cuối thập niên 90

Xã hội qua thời bao cấp, kinh tế thị trường cũng kéo mức sống vì thế mà đi lên, người dân đã có bếp ga lửa xanh ngút, "đít" nồi chẳng còn ám tí muội than, bồ hóng nào. Sau nữa, bếp đã chẳng còn lửa, những chiếc bếp hồng ngoại, bếp điện từ, đặt âm đặt dương bóng loáng, phẳng lì trong gian bếp tinh tươm. Cái chạn bát đóng gỗ, bọc lưới với bốn cái chân cọc mỏng manh cũng không còn, thay vào đó là vô vàn lựa chọn giữa những tủ bếp treo cao, cũng từ gỗ nhưng cầu kì cao cấp, hoặc làm từ kim loại tiên tiến. 


Căn bếp hiện đại hào nhoáng, tinh tươm.

Căn bếp đơn sơ với củi đốt, tro trấu chỉ còn lác đác ở các vùng quê nghèo, những ông đầu rau bằng đất chỉ còn trong khu phục dựng. Nhưng những người "muôn năm cũ" vẫn nhớ mãi về một thời bếp lửa khói cay, nơi tuổi thơ đứng đầu hồi, nơi tuổi thanh xuân thiếu nữ vùi mình trong góc bếp...


Rời xa sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống mới, nhiều người lại thấy ấm áp thoải mái với không gian bếp xưa