Kênh bán lẻ hiện đại sẽ lấn sân kênh truyền thống

Năm 2014 được đánh giá là năm thị trường bán lẻ toàn cầu có sự thay đổi mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh mới này mang tới nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Tại Diễn đàn với chủ đề “Ngành bán lẻ trong kỷ nguyên mới: tầm nhìn và con đường thành công” vừa qua, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi theo hướng hiện đại, hội nhập với yêu cầu ngày càng cao và đa dạng hơn, không chỉ mua sắm bình dân, tiết kiệm mà còn mua sắm các mặt hàng cao cấp, xa xỉ. Đối tượng mua sắm cũng đa dạng hơn. Nếu như trước đây, đối tượng mua sắm chủ yếu là chị em phụ nữ thì gần đây đã có sự “lấn sân” của các “đấng mày râu”. Trong thời gian tới, bán lẻ hiện đại sẽ bùng nổ và là động lực phát triển của ngành bán lẻ Việt Nam.

Mô hình bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối năm 2013 cả nước mới chỉ có khoảng 724 siêu thị và 132 Trung tâm thương mại, 8.546 chợ các loại, khoảng 1 triệu cửa hàng quy mô nhỏ của hộ gia đình. Dự báo đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 đến 1.300 siêu thị, 180 Trung tâm thương mại và 157 Trung tâm mua sắm. Hình thức trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện nay sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng. Điển hình như các trung tâm thương mại lớn đang thu hút rất nhiều người đến mua sắm và giải trí.

Một hình thức mới được đánh giá đang phát triển tại Việt Nam là mô hình bán lẻ đa kênh Omni-Channel Retailing (OCR - mô hình tiếp thị và bán lẻ tất cả trong một. Với mô hình này, khách hàng có thể đến từ nhiều nguồn và xem thông tin bằng nhiều thiết bị khác nhau). Nghĩa là, các nhà bán lẻ sẽ tương tác với khách hàng qua tất cả các kênh có thể như trang web, cửa hàng thực, kios, thư trực tiếp và catalogue, trung tâm thoại, truyền thông xã hội, thiết bị di động, thiết bị chơi game, truyền hình, đồ gia dụng có kết nối internet,…

Có 81% nhà bán lẻ chuyên nghiệp biết cách tận dụng công nghệ để trải nghiệm tối đa cho người dùng, 84% khách hàng cho rằng nhà bán lẻ cần “kết nối” tốt hơn kênh mua sắm offline và online. Vì thế trong tương lai, ngành bán lẻ không vận động theo đường thẳng nữa (chỉ gồm khách hàng, cửa hàng và doanh thu) mà theo mô hình mạng lưới trong đó doanh thu được thu về từ nhiều nguồn mạng xã hội, cửa hàng, máy tính bảng, điện thoại di động

Bán lẻ trực tuyến bắt đầu khởi sắc

Bán lẻ trực tuyến là một trong các mô hình bán lẻ hiện đại đã xuất hiện ở Việt Nam từ một thập kỷ trước. Năm 2013 được xem là bước ngoặt đối với thương mại điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay xu hướng mua sắm thương mại điện tử và công nghệ hiện đại chỉ mới bắt đầu khởi sắc.

Nghiên cứu của Nielsen (tại 5 tỉnh thành phố) cho thấy tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam rất cao, năm 2012 là 30%, đến năm 2014 đã lên tới 52%. Việt Nam cũng là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN, và tăng trưởng người dùng Internet nhanh thứ 2 tại khu vực. Đây là những yếu tố giúp bán lẻ trực tuyến phát triển. Tuy nhiên theo đánh giá của Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khách hàng khu vực Miền Bắc, Nielsen Việt Nam, mua sắm trực tuyến còn gặp nhiều trở ngại như thói quen mua sắm của người Việt; người tiêu dùng chưa tin tưởng vào thương hiệu sản phẩm, thương hiệu bán lẻ; sự thiếu chủ động, chuyên nghiệp của nhà bán lẻ; độ an toàn thanh toán chưa cao…

Để bán lẻ trực tuyến từ tiềm năng trở thành hiện thực, các nhà bán lẻ Việt Nam cần tập trung quản lý ngành hàng và quan tâm đến khách hàng thân thiết để bắt kịp với xu hướng phát triển kênh bán hàng hiện đại trong khu vực. Tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế. Bên cạnh đó, gia tăng thị phần và phát triển khách hàng là mục đích thúc đẩy kết quả kinh doanh của nhà sản xuất.

Thanh Tâm