Kết quả sản xuất kinh doanh của Dệt May Việt Nam sẽ rơi vào 6 tháng cuối năm

Một số đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh tốt trong 6 tháng 2015 là: Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ, Tổng CTCP May Việt Tiến, Tổng CTCP Phong Phú, Tổng Công ty May 10 – CTCP, Tổng công ty Đức Giang – CT
Toàn cảnh buổi Họp báo Công bố Kết quả sản xuất kinh doanh
6 tháng đầu năm 2015 của Vinatex

Cả năm kim ngạch xuất khẩu vẫn có thể đạt mục tiêu 27- 27,5 tỷ USD

Do đặc thù ngành Dệt May kết quả sản xuất kinh doanh chủ yếu sẽ rơi vào những tháng cuối năm vì thế 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đạt 19.599 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 45% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt 730 tỷ đồng, tăng 1% so với 2014, đạt 48,6% kế hoạch năm. Tổng KNXK trong 6 tháng đầu năm ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ 2014 và bằng 44,6% kế hoạch năm 2015.

Tuy nhiên tại cuộc họp báo Công bố Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 được Vinatex tổ chức vào chiều ngày 19/6/2015, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Vinatex khẳng định: Cả năm 2015, đơn vị vẫn có thể đạt được mục tiêu đề ra là 27-27,5 tỷ USD tổng KNXK.

Báo cáo tại buổi họp báo, ông Trần Việt- Trưởng Ban Tổng hợp pháp chế Vinatex, cho biết xuất khẩu Dệt May Việt nam trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Trong đó các mặt hàng áo suit nam, nữ, áo khoác nam, nữ, sơ mi nam, quần áo trẻ em… tăng trưởng tốt, hàng Dệt May Việt Nam xuất sang EU tăng trưởng nhanh và ổn định trong vài năm trở lại đây.

Đối với 2 thị trường Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1,3 và 1 tỷ USD, lần lượt tăng 9% và 11% so với cùng kỳ 2014. Tại 2 thị trường này, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu Dệt May lớn thứ 2, sau Trung Quốc với tốc độ mở rộng thị phần hàng năm đạt 2%.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược hợp tác phát triển cùng Vinatex

Trước đó vào ngày 16/6/2015 trong buổi làm việc về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 tại Vinatex, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đã đánh giá cao các hoạt động của đơn vị, đặc biệt ngay sau thời gian CPH đã có nhiều thay đổi tích cực. Các dự án đầu tư, phương thức mở rộng khai thác thị trường kinh doanh được triển khai bài bản, thể hiện tính chuyên nghiệp, các số liệu ngành được cập nhật nhanh, sát thực và hiệu quả hơn. Tư duy kinh doanh của Tập đoàn được hoạch định chiến lược và nhạy bén. Cụ thể Vinatex đã thực hiện kế hoạch tạo chuỗi cung ứng: Sơi – Dệt – Nhuộm – May tại 2 trung tâm đầu tầu kinh tế là phía Nam và phía Bắc.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã có buổi làm việc trực tiếp
 với Vinatex về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, đồng thời
tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cho doanh nghiệp

Từ những tín hiệu tốt trong các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của Vinatex, các đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong nước đã tin tưởng và kỳ vọng vào việc bắt tay hợp tác đầu tư. Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2014, Vinatex cũng đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với hai nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID). Và mới đây vào ngày 18/6/2015, Viantex cũng đã chính thức ký kết hợp tác phát triển với Vietbank (Ngân hàng Việt Nam Thương Tín). Với sự hợp tác này sẽ tạo ra dòng tiền quan trọng cho xuất khẩu, đầu tư. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Vinatex đầu tư một nhà máy mới, đó là nhà máy may, kéo sợi hoặc dệt nhuộm phủ khắp cả nước. Ngoài sức lan tỏa thương hiệu, văn hóa Vinatex, chiến lược này cũng giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giảm áp lực lao động cho các thành phố lớn.

Cơ hội Dệt May với các hiệp định FTA

Về tình các hiệp định FTA, được biết ngày 5/5/2015, đại diện Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết hiệp định VKFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc), mở ra nhiều cơ hội tiềm năng phát triển ngành Dệt May cho 2 nước vì đại bộ phận các dòng thuế đều giảm về mức 0%. Quy tắc xuất xứ (QTXX) dệt may của VKFTA, theo kỳ vọng của Hiệp hội Dệt May và Vinatex sẽ áp dụng quy tắc “Cắt & May” (Quy tắc chuyển đổi dòng thuế Change of Tariff Headings – CTH). Tuy nhiên cho tới nay các nội dung cụ thể của hiệp định vẫn chưa được công bố, Vinatex đang kiến nghị Bộ Công Thương sớm cho phép công bố để doanh nghiệp có cơ sở tham khảo và triển khai.

Về Hiệp định VCUFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu) nếu có hiệu lực thì nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang LMHQ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi, đặc biệt là những mặt hàng có KNXK nhiều như áo khoác nam/bé trai, nữ/bé gái, chất liệu sơ sợi nhân tạo, áo len chui đầu dệt kim, bộ suit nam/bé trai, áp phong nam/bé trai… Trước đó, ngày 29/05/2015, tại Kazakhstan, đại diện các bên đã chính thức ký kết hiệp định này, đây là tiền đề thúc đẩy quan hệ giữa Việt nam và Nga cùng các nươc trong liên minh. Dự kiến năm đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Dệt May Việt Nam sang LMHQ Nga – Belarus – Kazakhstan sẽ tăng trên 50%, tăng trưởng một vài năm sau đó có thể đạt 20%, trong vòng 3-5 năm Việt Nam sẽ vươn lên thành 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu vào thị trương này, ngang hàng với đối thủ cạnh tranh như Bangladesh và Ấn Độ.

Về Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP, kỳ vọng sẽ kết thúc đàm phán vào trong năm 2015 và đi vào thực hiện trong năm 2016. Trước đó Phiên đám phán gần nhất của Hiệp định diễn ra tại Hawaii, Hoa Kỳ vào tháng 3/2015, được Thượng viện Mỹ thông qua “quyền đám phán nhanh” sẽ tạo điều kiện cho Mỹ sớm kết thúc đám phán TPP. Hiện một số dòng thuế tiêu biểu mà Việt Nam đang xuất khẩu có kim ngạch lớn, nhưng chịu thuế xuất cao vào thị trường Mỹ, sẽ được hưởng lợi tốt khi TPP có hiệu lực như áo len chui đầu phụ nữ/bé gái, quần nữ/bé gái – nam/bé trai dệt thoi,chất liệu bông (đang chịu áp thuế mức từ 16,5 - 16,6%), áo len chui đầu sơ nhân tạo (mức áp thuế là 32%).

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã mạnh dạn bắt tay cùng Vinatex hợp tác phát triển đầu tư
(Trong ảnh là Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Vinatex và Vietbank được diễn ra hôm 18/6/2015)

Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp Hội Dệt May Việt Nam cùng với Vinatex đang thám vấn với Đoàn đàm phán để Bản chào thuế thuận lợi nhất cho Việt Nam và cũng đề nghị phía EU cân nhắc thêm việc linh hoạt về quy tắc xuất xứ.