Khi “núi chẳng còn đôi”

Trong một chia sẻ khiến ai cũng thấy ngậm ngùi tôi đã nhìn ra một giá trị đích thực. Đó là tình yêu, sự trân trọng sự sống, biết ơn những gì cuộc đời đã mang lại cho ta.

“Tôi đã phẫu thuật cắt 1 bên ngực trái để chữa ung thư vú giai đoạn 2. Mỗi lần gần chồng tôi rất mặc cảm. Chỉ cần anh ấy rờ tay vào gần chỗ đó đã đủ làm tôi giật mình co rúm người hoặc quay lưng lại. Tôi không dám đi bơi hoặc tắm biển, mặc đồ thì suốt ngày loay hoay sợ rớt cái vú giả bằng silicon ra ngoài,… Liệu tôi có còn hấp dẫn được chồng? Tôi phải làm sao với một bên ngực phẳng lì, sẹo rúm ró của mình, hết bao nhiêu tiền tôi cũng chịu”.
Người bác sĩ tâm lý đã nói thế này: “Có một điều chắc chắn rằng: được sống, dù phải mất một bên ngực, còn hạnh phúc hơn gấp nhiều lần bị chết đi cùng với khối u ấy, phải không chị?”.

Rồi chờ cho chị bớt tuyệt vọng, bác sĩ nói tiếp: Thời gian qua người chồng đã giúp vợ mình vượt qua được căn bệnh ung thư quái ác, hãy nhờ ông xã tiếp tục giúp vợ vượt qua những lo lắng, sợ hãi sau mổ.Cặp ngực có thể “một mất một còn” nhưng bạn vẫn là người phụ nữ anh ấy đã chọn làm vợ và tôi chắc là anh ấy vẫn rất yêu vợ. Tận hưởng niềm vui chăn gối với người bạn đời là một phần quan trọng trong quá trình hồi phục sau mổ.

Ngẫm lại tôi thấy, quả thật, người phụ nữ còn rất nhiều “báu vật”, không chỉ riêng gì bộ ngực để tạo sức hút. Bạn có thể thực hiện nhiều cách “làm mới mình” như sắm chiếc váy ngủ kín đáo ở phần ngực nhưng lại để “lộ mục tiêu” ở cặp đùi, cắt một kiểu tóc mới phù hợp với gương mặt mình, làm làn da tỏa mùi thơm nhẹ nhàng...
Bạn phải cảm nhận được sức sống từ cơ thể mình và thấy yêu chính mình trước đã. Hãy dịu dàng với bản thân, giàu sáng kiến và sẵn sàng yêu chồng. Đồng thời cứ đơn sơ mở lòng chia sẻ với chàng về nỗi mặc cảm và những lo âu của mình. Sau tất cả những gì mà vợ chồng bạn đã trải qua, hẳn là anh ấy mừng vì bạn đã thoát chết và luôn sẵn sàng nâng đỡ vợ.

Hãy khéo léo “đòi” chồng khởi động lâu hơn ở những vùng khác ngoài bộ ngực (những cái ôm xiết chặt, sự vuốt ve ở cổ, tóc, eo lưng…). Khi tâm trạng đã bớt “cảnh giác”, bạn có thể chủ động “châm dầu” vào các hoạt động làm cho cuộc yêu của cả hai hào hứng hơn, đừng quên giọng nói và tiếng thở xúc động là thứ “vũ khí” hỗ trợ cuộc yêu của vợ chồng thêm mặn mà.

Lời khuyên của chuyên gia

Trước kia, chị em thường "ngụy trang" bằng cách chọn áo ngực có đệm mút dày (nói vui rằng: thôi thì... "xôi" ít, "lá" nhiều!) và tránh xa loại áo khoét cổ sâu. Ngày nay, các bác sĩ có thể “đắp” phần ngực thiếu cho chị em bằng chính các phần khác trên cơ thể họ: Hoặc là lấy vạt da cơ lưng đưa lên ngực, ca mổ này tất nhiên sẽ để lại một vết sẹo ở lưng. Phổ biến nhất là lấy phần da và mỡ thừa ở vùng nây bụng đưa lên vú, với kỹ thuật khá phức tạp đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có tay nghề cao.
Ca mổ này (không coi là phẫu thuật thẩm mỹ, vì thế giá cả tính như mổ điều trị bệnh) có thể tiến hành ngay sau khi mổ cắt khối u nếu sức khỏe bệnh nhân cho phép hoặc để sau vẫn được.

Tái tạo vú thành công giúp nhiều chị em tự tin, xoá đi mặc cảm về sự “khiếm khuyết” trên cơ thể mình. Ngay từ bây giờ bạn nên thường xuyên massage vùng ngực để vùng da này mềm mại, thuận lợi cho việc phẫu thuật thẩm mỹ sau này.
Quá trình “làm ngực” thường phải tiến hành hai lần. Lần đầu, các bác sĩ sẽ tạo hình bầu ngực, cố định về độ lớn, vị trí. Khoảng 3-6 tháng sau, sẽ tạo hình quầng và núm vú, đồng thời điều chỉnh sự tương xứng giữa hai quả “núi đôi”.
Ca phẫu thuật phục hồi được dáng vẻ bên ngoài bầu ngực, giúp chị em không phải sử dụng áo ngực silicon gây bất tiện trong sinh hoạt. Nói nhỏ với bạn: “món quà” này chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ và tâm lý, chứ không có chức năng tiết sữa cho bé bú đâu nha.



Hải Lan