Khơi dòng cho xăng E5

Từ ngày 1/12/2015, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xăng sinh học E5 được bán rộng rãi trên thị trường cả nước (tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg). Ngày 31/8/2015, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 23/CT

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 trong tổng số 22 đầu mối nhập khẩu tổ chức kinh doanh xăng E5 gồm Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro. Cụ thể, Petrolimex có 330 cửa hàng trong tổng số hơn 2.200 cửa hàng trực thuộc; PV Oil có 329 cửa hàng trong tổng số hơn 500 và Saigon Petro có 7 cửa hàng trên tổng số 10 cửa hàng trực thuộc. Khảo sát tại hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cho thấy tỷ lệ cửa hàng có bán xăng E5 còn rất thấp. Tại Hà Nội, mới có 89 cửa hàng, ở TP. Hồ Chí Minh mới có 53. Những cửa hàng còn lại chỉ bán xăng RON92 và RON95 cùng nhiều loại dầu khác.

Việc phải có một nguồn vốn lớn để xây mới, mở rộng, đầu tư thêm bể chứa, cột bơm xăng E5 khiến doanh nghiệp sợ nhất khi chấp nhận chuyển đổi từ bán xăng RON92 sang xăng E5, trong đó, việc mở rộng mặt bằng cửa hàng bán xăng, dầu tại các thành phố, đô thị lớn là khó khăn cực kỳ lớn. Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong, song, dù đã chấp nhận đầu tư, nhưng những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được thống nhất và đồng bộ đã làm họ đơn độc, xăng E5 vì vậy chưa được thị trường thực sự đón nhận.

Cơ quan quản lý nhà nước chưa công bố cách tính giá cơ sở với xăng E5. Hiện, trong thời gian thí điểm, xăng E5 đang được tạm tính giá cơ sở như với xăng khoáng, nhưng khi triển khai bán rộng rãi trên phạm vi cả nước, cách tính giá cơ sở như vậy không còn phù hợp.

Về chính sách thuế, phí đối với xăng E5 còn chưa hợp lý, khiến giá xăng E5 bán đến tay người tiêu dùng chỉ thấp hơn xăng khoáng RON92 khoảng 500 đồng/lít, không đủ sức hấp dẫn với cả người bán lẫn người mua. Để hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng, một số địa phương đã chỉ đạo ngừng lưu thông xăng RON92 trên địa bàn, nhưng đây là mệnh lệnh hành chính, không phù hợp quy luật thị trường. Do vậy khó lòng tồn tại lâu.

Ngoài ra, giá cồn sinh học E100 sản xuất trong nước để phục vụ việc phối trộn thành xăng E5 chưa được quản lý một cách bài bản. Hiện, có quá ít doanh nghiệp sản xuất cồn sinh học E100, hình thành sự độc quyền, chưa tạo được môi trường cạnh tranh đúng nghĩa, giúp các doanh nghiệp đầu mối có thêm lựa chọn. Mặt khác, sản lượng cồn sinh học E100 sản xuất trong nước chưa nhiều, khi tổ chức bán rộng rãi, sẽ khó có đủ để phối trộn. Thời gian gần đây giá xăng, dầu thế giới đang ở mức thấp, khiến giá thành cồn sinh học E100 và xăng E5 sản xuất trong nước còn cao hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu.

Xăng E5 thân thiện, có lợi cả về môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng và là xu hướng tiêu dùng tất yếu của xã hội hiện đại. Sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học, thay thế dần xăng khoáng là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, xăng E5 cần có một dòng chảy thích hợp và cơ chế thích đáng, kịp thời theo xu thế và quy luật thị trường, đạt được đồng thuận cao của các chủ thể liên quan, có như vậy mới mang lại hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế như mong muốn. Hiện nay, đối với dòng chảy xăng E5, việc nóng vội là không nên. Ngược lại, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đầy đủ các yếu tố, từng bước một rồi mới tiến hành triển khai đại trà, tránh lúng túng, bị động và cũng để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của chính sách quản lý.

Kinh nghiệm từ các nước: Bắt buộc sử dụng xăng sinh học

Nhận thấy những lợi ích ưu việt của việc sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH), nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển xăng sinh học từ thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Tại các nước phát triển NLSH thành công như Mỹ và Brazil, thời gian đầu khi đưa NLSH ra thị trường, Chính phủ đều không công bố tỷ lệ phối trộn ethanol vào xăng, coi ethanol chỉ là một loại phụ gia xăng, không phải là một loại nhiên liệu mới hoàn toàn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, ethanol cũng chỉ là một chất phụ gia làm tăng hàm lượng ô-xy trong xăng nên không cần thiết phải công bố cho người tiêu dùng biết tỷ lệ phối trộn là bao nhiêu, bởi thực tế, người tiêu dùng chỉ cần biết xăng đạt tiêu chuẩn, an toàn với người sử dụng..

Năm 2005, chính phủ Mỹ đã thông qua một đạo luật về tỷ lệ phối trộn ethanol bắt buộc vào xăng thông thường. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu sẽ được phân bổ chỉ tiêu cố định thường niên về tỷ lệ phối trộn, nếu không tuân thủ sẽ phải chịu mức phạt rất cao. Hiện nay, Mỹ là nhà xuất khẩu ethanol lớn nhất thế giới, và tỷ lệ phối trộn ethanol trung bình trên cả nước Mỹ là 8-8,5%. Ở Brazil, sản xuất ethanol từ đường, có giá rất rẻ và được phối trộn hàng loạt. Họ cũng không công bố tỷ lệ % ethanol và người tiêu dùng hoàn toàn không biết chỉ số ethanol cụ thể trong xăng sinh học. Brazil không quy định tỷ lệ bắt buộc phối trộn ethanol, nhưng quy định tối thiểu 25%, và các công ty có thể tăng lên 26% hoặc cao hơn nữa. Còn ở Thái Lan, hiện nay, NLSH là lựa chọn duy nhất cho người tiêu dùng. Điều này đã giúp chính phủ Thái Lan tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD/năm do không cần phải duy trì chương trình trợ giá cho NLSH khi để song song cùng lưu hành xăng sinh học và xăng truyền thống. Hiện Thái Lan chiếm 71% tổng sản lượng sử dụng ethanol toàn thế giới.