Khơi nguồn sức dân và tư duy vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh

75 năm trôi qua kể từ khi Bác về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam và đã 46 năm Người đi xa, nhưng tư tưởng đổi mới dựa trên sức lực chính mình của Người vẫn mãi là bài học kinh nghiệm quý b

Đem sức dân làm lợi cho dân

Tháng 8/1945, trong “Thư Tổng khởi nghĩa”, Người kêu gọi “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tư tưởng trên tiếp tục được Người vận dụng thành “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” được thể hiện rất rõ trong chính sách nền kinh tế nhiều thành phần. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11/1945, trong bài “Toàn dân kháng chiến” đăng trên Báo Cứu quốc, số 83, ngày 5/11/1945, Người kêu gọi: “Các nhà giàu có mau mau góp vốn lại mở các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sinh sản, lưu thông buôn bán”.

Sau này, đến Đại hội VI, Đảng ta đã trở lại với tư tưởng của Người từ hơn 40 năm trước với nhận thức cách mạng XHCN phải trải qua nhiều nấc thang của thời kỳ quá độ, đã đề ra chủ trương: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN”.

“Công việc gốc của Đảng”

Năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người giải thích rất dễ hiểu: "Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt". Năm 1949, Người viết bài báo "Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân". Bốn năm sau, trong bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan trung ương, ngày 6/2/1953, Người đã đưa ra luận điểm bất diệt: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nên cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ, không thay đổi là không đi đến đâu cả”.

Đối với Người, cách mạng là đổi mới và muốn sự nghiệp cách mạng thành công thì phải đổi mới từ khâu nòng cốt là cán bộ. Bởi vì theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Người dành rất nhiều công sức và trí lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng những “công bộc” của dân. Năm 1947, khi cuộc kháng chiến 9 năm đang ở thời điểm ác liệt nhất: giai đoạn cầm cự; bên cạnh việc Đảng, việc nước, Người vẫn tranh thủ hoàn thành cuốn “Sửa đổi lối làm việc”. Ngay sau khi xuất bản, cuốn sách lập tức trở thành tài liệu gối đầu giường của cán bộ đảng viên, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp đến cán bộ đảng viên bình thường.

Trong cuốn sách này, Người khẳng định: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định". Nhưng vì sao cách mạng rất chăm lo đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, mà chúng ta vẫn thiếu những cán bộ “miệng nói, tay làm, chân đi”? Người nhắc nhở: "Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài".

Người cũng giải thích vì sao những đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi. Nguyên nhân của sự việc là vì chúng ta không xét đến ngọn nguồn cơ bản: trách nhiệm và năng lực của những người thi hành chính sách, một điều rất đơn giản: "Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả".

Do đó, trong cuốn sách, Người dành ra hẳn Phần IV viết về cán bộ với 4 nội dung: Huấn luyện cán bộ; dạy cán bộ và dùng cán bộ; lựa chọn cán bộ; cách đối với cán bộ. Trong đó Người yêu cầu lãnh đạo phải khéo dùng cán bộ “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.

Và Người chỉ ra cách của người lãnh đạo đối với cán bộ gồm: i) Chỉ đạo - Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách dù sai lầm chút ít cũng không sợ. ii) Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra, nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ. iii) Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách "thuyết phục" giúp cho họ sửa chữa. Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là "cơ hội chủ nghĩa", đã "cảnh cáo", đã "tạm khai trừ". Những cách quá đáng như thế đều không đúng”.

Cho đến nay, “Sửa đổi lối làm việc” được thực tiễn chứng minh và mọi người thừa nhận rằng, cách mạng là đổi mới, và cái gốc của sự đổi mới phải bắt đầu từ đổi mới công tác tổ chức, đào tạo và sử dụng cán bộ.

75 năm trôi qua kể từ khi Người về Pác Bó trực tiếp chỉ đạo Cách mạng Việt Nam và đã 46 năm Người đi xa, nhưng tư tưởng đổi mới dựa trên sức lực chính mình của Người vẫn mãi là tư duy vượt thời gian và là bài học kinh nghiệm quý báu trong khơi nguồn sức dân nhằm mang lại hạnh phúc cho dân.


Trần Văn