Kịch bản thông thường được phá vỡ

Có lẽ lâu lắm rồi mới có một hội nghị mà kịch bản thông thường bị phá vỡ như Hội nghị Sơ kết đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu ti
Tự hào sản phẩm Việt

Bấy lâu nay, như luật bất thành văn trong các hội nghị, sau bài phát biểu khai mạc, báo cáo đánh giá của cơ quan chủ trì hội nghị, đến phần thảo luận, thì kịch bản thông thường là các đại biểu “vác” báo cáo lên đọc, tranh thủ “khoe” thành tích về đơn vị mình. Có lẽ vì thế mà tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngành cơ khí vào cuối tháng 4, trên bàn chủ tọa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khéo nhắc nhở các đại biểu rằng, thành tích các đơn vị có sẵn trong báo cáo rồi, nên tập trung vào 2 phần là giải pháp và kiến nghị thôi. Nhưng rồi như một quán tính, phần thành tích vẫn được đan cài vào trong bài phát biểu, đôi khi khá đậm đặc.

Tuy nhiên, tại Hội nghị ngày 19/8 lần này, kịch bản thông thường đã không xảy ra. Trên tay cánh báo giới chúng tôi có đầy đủ các báo cáo tham luận của các tập đoàn, các tổng công ty, nhưng khi lên phát biểu, các diễn giả không hề sử dụng. Các diễn giả đại diện cho PVN, Vinatex, hay TKV cũng không nhắc đến 71.000 tỷ đồng được ký kết trong hai năm qua giữa các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương, một con số mà ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Phó Trưởng BCĐ Trung ương Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá là rất ấn tượng.

Các diễn giả cũng không tranh thủ “công bố” những thỏa thuận chiến lược trong ngành và ngoài ngành; không nói đến những hợp đồng nghìn tỷ, trăm tỷ đơn vị mình giành được; không nói đến tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước tăng dần qua từng năm; không nhắc đến tỷ lệ thị phần giành được trên thị trường nội địa, cũng như tỷ lệ tồn kho ngày càng giảm…

Nhưng trên tất cả mọi con số là lòng tự hào về sản phẩm, là niềm tin vào sản phẩm của doanh nghiệp mình đang trở thành một nhân tố cấu thành trong chuỗi giá trị, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị bạn trong ngành Công Thương, cứ hiển hiện trên nét mặt diễn giả.

Làm tốt tinh thần “thỏa thuận”

Cách đây 2 năm, Bộ Công Thương tổ chức Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”. Tại Lễ ký kết ngày 9/10/2012, 16 tập đoàn, tổng công ty đã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm.

Qua hai năm, cái được nhất, cái thành công nhất là tất cả các đơn vị đều thống nhất rất cao về nhận thức của tinh thần “thỏa thuận”. Nghĩa là, các hợp đồng sử dụng sản phẩm của nhau đều được thực hiện theo nguyên tắc thị trường về giá cả, chất lượng cũng như chủng loại hàng hóa. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết một điều rất vui là sau 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không có doanh nghiệp hoặc tổ chức nước ngoài nào phàn nàn, bởi bản chất của nó là “cuộc vận động”, không vi phạm nguyên tắc tự do hóa thương mại của WTO.

Thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, về bản chất cũng tương tự như Cuộc vận động. Đơn vị nào cũng phải đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, giá cả, chủng loại hàng hóa khi cung ứng sản phẩm cho nhau.

Trên thực tế, việc còn thực hiện tốt hơn thế; thể hiện ở chỗ nếu có sự chênh lệch chất lượng thì các bên ngồi với nhau bàn cách để hỗ trợ, tháo gỡ, giảm giá thành cũng như chi phí sản xuất. Điển hình là việc tiêu thụ sản phẩm xơ sợi poloyester của Công ty cổ phần PVTEX. Thời gian trước đây, chất lượng sản phẩm chạy thử chưa đáp ứng được yêu cầu; kỹ năng chăm sóc khách hàng còn chưa tốt. Tuy nhiên, được sự góp ý thẳng thắn của các doanh nghiệp thuộc Vinatex, PVTEX đã có sự thay đổi rất lớn, chất lượng sản phẩm luôn giữ ở mức trên 90% loại A. Đầu tháng 8/2014, hai tập đoàn PVN và Vinatex đã ngồi với nhau với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ, và vấn đề tiêu thụ xơ sợi đã được giải quyết ổn thỏa trên tinh thần của lãnh đạo hai tập đoàn là “Dầu khí vì dệt may thì dệt may cũng phải vì dầu khí”.

Hướng đi thực chất, bền vững

Một điều thú vị nữa, khiến cho Hội nghị lần này có “bản sắc” rất riêng, khác với nhiều hội nghị trước đó là các diễn giả chia sẻ khó khăn rất nhiều, nhưng không theo hướng kêu ca hay phàn nàn, mà trên tinh thần hiến kế, đưa ra để cùng các đối tác bàn thảo, tháo gỡ. Đại diện PVN cho biết, hiện tập đoàn này đã có thể cuốn được ống thép, nhưng vẫn phải nhập thép tấm do thép trong nước không đạt tiêu chuẩn về độ mài mòn. Do đó, PVN rất muốn có quỹ khoa học công nghệ để đầu tư cho doanh nghiệp trong nước sản xuất theo đơn đặt hàng của nhau.

Mọi người đều cho đây là hướng đi khả thi, vì cách đây 2 năm, với sự vào cuộc của quỹ thuộc Bộ KH-CN, PV Shipyard đã đóng thành công giàn khoan tự nâng 90 mét nước mà không nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện được (chỉ có 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công), là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, là niềm tự hào của ngành Công Thương.

Thành công trong 2 năm qua và thành công của hội nghị cho thấy các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã tìm thấy nhu cầu thực sự của nhau; sự hợp tác với nhau vừa đặt trên nền tảng nguyên tắc thị trường, vừa chia sẻ trách nhiệm với nhau một cách thẳng thắn với tư cách là những đơn vị trong ngành, trong nước. Và do đó, có thể nói, đây là hướng đi thực chất, bền vững.


Hà Văn