Kinh doanh du lịch qua điện ảnh

Điện ảnh chính là một kênh quan trọng và hiệu quả để quảng bá du lịch. Với những địa danh nổi tiếng như Tràng An, vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Việt Nam đang được xem là phim trường mới có sức hấ

Kênh quảng bá hiệu quả

Nói điện ảnh là kênh quảng bá “vàng” cho du lịch quả không sai. Đây là cách phát triển du lịch rất quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thực tế cho thấy, việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh đã giúp nhiều quốc gia hái được trái ngọt. Rõ nét nhất là Hàn Quốc. Sau 10 năm kiên định theo mục tiêu biến điện ảnh thành ngành công nghiệp giải trí số 1, họ đã tạo được hiệu ứng “Xem phim Hàn, dùng đồ Hàn, đi du lịch Hàn” ở nhiều quốc gia khác.

Sự thành công của bộ phim sẽ góp phần thu hút khách du lịch tới các địa điểm đã xuất hiện trong phim, bởi đây là một xu hướng du lịch rất được du khách nước ngoài ưa thích. Đơn cử, khi hai bộ phim Tomb Raider (2001) và Mama Mia! (2008) thành công vang dội trên toàn cầu, khách du lịch ùn ùn kéo đến đền Angkor Wat ở Campuchia và một số hòn đảo ở Hi Lạp - nơi có những cảnh quay trong phim để khám phá. Tại Newzealand, số khách du lịch quốc tế tăng vọt chỉ sau 6 tháng bộ phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” được trình chiếu. Những bối cảnh đẹp mê hồn trong phim đã thật sự biến New Zealand thành địa điểm du lịch "phải đến một lần trong đời" đối với không ít khán giả. Theo khảo sát của cơ quan du lịch Newzeland, hơn 13% khách du lịch cho biết, những cảnh quay đẹp trên phim chính là lý do đưa họ tới đất nước này.

Ngôi nhà trong “Chuyện của Pao”

Việt Nam cũng đã có rất nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến quay, như "Đông Dương", "Người tình", rồi "Người Mỹ trầm lặng". Những cái tên này đã đem lại hiệu ứng nhất định cho ngành Du lịch Việt, tuy mới chỉ là những bước khởi đầu. Ở thời điểm sau khi phim “Đông Dương” được công chiếu, hầu hết khách du lịch từ Mỹ và các nước châu Âu thăm vịnh Hạ Long đều đề nghị ghé thăm phim trường Vụng Oản của bộ phim. Thậm chí, nhiều người còn không ngại bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để đặt được phòng 208 của Khách sạn Hạ Long 1 mà ngôi sao của bộ phim - Catherine đã ở...

Vào tháng 5/2015, chương trình Good Morning America do Đài Truyền hình ABC (Mỹ) thực hiện đã khiến hơn 6 triệu lượt người xem trực tiếp choáng váng, ngỡ ngàng vì vẻ kỳ vĩ của hang Én - Sơn Đoòng. Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, sau khi chương trình phát sóng, du lịch Sơn Đoòng ngày một phát triển, lượng khách đến tăng rõ rệt.

Hùng vĩ hang Sơn Đoòng

Từ những hiệu ứng trên, khi thông tin bộ phim bom tấn "Kong: Skull Island” của hãng phim Legendary Pictures (Mỹ) chọn một số địa danh như Vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình của Việt Nam là địa điểm để thực hiện những cảnh quay quan trọng, thì nhiều người tin rằng với vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí này sẽ mang lại làn gió mới cho ngành Du lịch. Với số tiền đầu tư lên đến 190 triệu USD (gần 4.200 tỷ đồng), được phát hành trên toàn cầu, “Kong: Skull Island” được kỳ vọng sẽ gây tiếng vang khi ra mắt khán giả vào năm sau. Và sự thành công của bộ phim sẽ góp phần thu hút khách du lịch tới các địa điểm đã xuất hiện trong phim.

Jordan Vogt Roberts - Đạo diễn phim Kong - Skull Island:

“Việt Nam thực sự rất tuyệt và đặc biệt. Khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng và siêu thực mà người Mỹ tưởng như không có trên thế giới. Và khi chúng tôi đưa vào phim, khán giả sẽ phải thốt lên rằng: “Wow, tuyệt đẹp, chúng tôi muốn đến đó”. Đó là hiệu ứng mà chúng tôi muốn có được ở bộ phim này”.

Cần nắm bắt cơ hội

Chúng ta vẫn nói đến việc quảng bá hình ảnh đất nước qua những bộ phim nước ngoài nhưng trên thực tế, trước đây những nhà làm phim trong nước cũng đã có những bộ phim với những hình ảnh đẹp, tạo được hiệu ứng thu hút du khách đến khám phá bối cảnh. Phim “Chuyện của Pao” - (đạo diễn Ngô Quang Hải) được coi là mốc son đối với du lịch bởi lẽ chỉ một thời gian ngắn sau khi công chiếu, cao nguyên đá Hà Giang vốn bình yên và trầm lặng bỗng hút khách. Ngôi nhà của Pao với những cây đào cổ thụ lấp ló bên hàng rào đá xám như trong chuyện cổ tích trở thành điểm dừng chân của du khách khi đến với vùng đất tuyệt đẹp này. Hay như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ thực sự trở thành hiện tượng với 3, 4 suất chiếu mỗi ngày, doanh thu hơn 100 tỉ đồng. Rất nhiều khán giả trong nước ngỡ ngàng trước những cảnh quay tuyệt đẹp ở Phú Yên và đã bày tỏ ý muốn đến vùng đất của những cảnh đẹp trong phim. Điều này một lần nữa khẳng định, đôi khi chỉ qua một bộ phim hay, khả năng quảng bá du lịch lớn hơn bất kỳ một chương trình quảng cáo tốn kém nào.

Danh thắng Tràng An - Ninh Bình

Nhưng có một thực tế, đó là những địa danh được quay trong phim chỉ “sốt" cùng thời điểm phát hành bộ phim, hoặc là trước đó, khi nhà sản xuất hoặc nhà tài trợ muốn quảng cáo cho bộ phim. “Hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ từng gây hiện tượng “cháy” các phòng vé, nhưng khi cơn sốt "Hoa vàng cỏ xanh" lắng xuống thì dường như lại kéo theo cả lượng khách du lịch đến với Phú Yên. Cùng với đó, có thể điểm danh những điểm đến khác như một Cao nguyên đá khoe sắc trong "Chuyện của Pao", một hồ Ba Bể đẹp huyền ảo trong Hạt mưa rơi bao lâu, hay nét văn hóa Nam bộ đậm đặc trong "Mùa len trâu" giữa mênh mang mùa nước nổi… chỉ sau một thời gian, lượng khách đến đây cũng thưa dần cùng sự “hạ nhiệt” của bộ phim.

Frederick Ferrer Nhà báo Pháp

“Ở Pháp, quảng bá du lịch qua điện ảnh vô cùng quan trọng và thực tế cũng ghi nhận lượng khách gia tăng khi điện ảnh và du lịch có sự gắn kết với nhau. Tôi nghĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều này vì các bạn có một đất nước xinh đẹp, những con người dễ mến và lịch sử hào hùng. Nếu trong các bộ phim nêu bật được tất cả những điều tuyệt vời này, đó chính là một lời mời thuyết phục nhất để những du khách quốc tế đến với đất nước của các bạn”.


Làm sao để duy trì ổn định lượng du khách đến Việt Nam sau cơn sốt của các bộ phim bom tấn là một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Bài học từ thành công lớn của ngành du lịch New Zealand sau loạt phim bom tấn “Chúa tể những chiếc nhẫn” đó là việc các nhà tiếp thị đã ráo riết khai thác cái gọi là “ngành du lịch điện ảnh”. Các loại hình dịch vụ ăn theo như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phục vụ ăn uống, thậm chí các công ty du lịch còn cung cấp dịch vụ trải nghiệm cảm giác mạnh giống các nhân vật trong phim, nở rộ ngày càng nhiều. Bên cạnh mỗi phim bom tấn là một hoặc rất nhiều chiến dịch quảng bá tiềm năng.

Các bộ phim Hàn Quốc theo làn sóng Hallyu đổ bộ và thống lĩnh màn ảnh nhỏ của nhiều quốc gia châu Á, góp phần đưa nhiều địa điểm du lịch đẹp của Hàn Quốc ra nước ngoài. Các nhà làm du lịch của họ cũng rất khéo léo khai thác các bối cảnh phim vào du lịch chẳng hạn như dựng tượng nhân vật nam nữ chính phim “Bản tình ca mùa đông” tại đảo Nami, cung cấp dịch vụ đạp xe đôi dọc con đường Ngân Hạnh bắt chước theo hành động lãng mạn của cặp đôi của phim… Nhờ thế, đảo Nami đã thu hút 2 - 3 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Kỳ vĩ ruộng bậc thang - Hà Giang

Người Thái và người Campuchia không "ăn may" với "The Man with the Golden Gun hay Tomb Raider", mà họ có kế hoạch đầu tư bài bản vào Phuket hay Angkor Wat trong nhiều năm ròng. Việc Hollywood đến quay ở Việt Nam là cơ hội lớn nhưng không phải là tất cả. Không phải chỉ một vài cảnh quay là hình ảnh Việt Nam ngay lập tức gây ấn tượng. Điện ảnh là con đường hiệu quả nhất để quảng bá du lịch, nhưng để đạt được hiệu quả thì bản thân ngành du lịch cũng phải chủ động khai thác, cần phải có những chiến lược quảng bá rộng rãi và dài hơi. Hiện tại, Quảng Bình đã lên kế hoạch dựng tượng King Kong và giữ lại phim trường nhằm làm điểm nhấn du lịch, đó là một việc nên làm.