Kinh tế Việt Nam năm 2015: Dịch vụ phát triển kinh doanh

Ngày 13/4/2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh n

Trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tổng sản phẩm trong nước tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% do Chính phủ đề ra.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký VCCI, niên giám Thống kê năm 2014 cho thấy số lượng các doanh nghiệp dịch vụ tăng lên đáng kể, từ 94.206 đến 300.768 trong giai đoạn 2007-2015, chiếm 68,35% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong tổng số hơn 52,7 triệu lao động trong nền kinh tế, khu vực dịch vụ có khoảng 17,1 triệu, chiếm 32,43% tổng số việc làm. Điều này phần nào cho thấy sự phổ biến và gia tăng tầm quan trọng của doanh nghiệp dịch vụ đối với nền kinh tế.

Toàn cảnh buổi công bố

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó đáng lưu ý là số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã tăng 22,4% so với năm 2014. Cụ thể, có 15.649 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký. Trong khi đó, số doanh nghiệp tái hoạt động chỉ đạt 21.506, tăng 39,5% so với năm 2014.

Lý giải về tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn của các doanh nghiệp trong năm 2015, TS. Phạm Thị Thu Hằng cho biết: “Lý do chính là các doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ càng không có đủ nguồn nhân lực, lại không thuê dịch vụ bên ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng lãnh đạo, kiến thức kinh doanh. Hoạt động của doanh nghiệp trở nên không chuyên nghiệp và không hiệu quả. Hơn nữa, chất lượng của các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh chưa tốt khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà sử dụng, dẫn đến tỷ lệ lớn từ 60%-80% các doanh nghiệp không biết, hoặc biết nhưng không sử dụng”.

TS. Phạm Thị Thu Hằng cho biết: các doanh nghiệp có quy mô nhỏ gặp nhiều khó khăn

Tại Lễ công bố, VCCI cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện tốc độ tăng trưởng trong kinh doanh và hạn chế những rủi ro như: Cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp, phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát triển lợi thế cạnh tranh của từng địa phương và của quốc gia; tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; xây dựng các thể chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu của thị trường, bằng cách đa dạng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa, hình thành chuỗi cung ứng, tạo lập thị trường cạnh tranh…

Các doanh nghiệp cần quan tâm và thường xuyên cập nhật các chính sách của Chính phủ để tận dụng sự hỗ trợ, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp; tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư bằng chiến lược kinh doanh, chú trọng việc cân đối dòng tiền, xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải có sự thay đổi từ cách phát triển dịch vụ theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đó. Nhà nước cần có những chính sách hợp lý để tạo cho thị trường hoạt động, tăng hiệu lực thực thi pháp luật và niềm tin của doanh nghiệp. “Nhà nước là chất xúc tác để thị trường vận động thay vì làm thay công việc của các doanh nghiệp dịch vụ phát triển kinh doanh”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Hoàng Hòa