Lý Sơn ngày điện sáng

Trong giây phút lịch sử: 9h50’ ngày 28/9/2014, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thực hiện nghi thức Khánh thành Dự án cấp điện lưới cho Đảo Lý Sơn, niềm vui vỡ òa! Chính thức được thành lập vào

Trong giây phút mà niềm hân hoan ngập tràn từ khóe mắt đến con tim mỗi người dân, ai thấu hiểu đều không thể không nhớ lại chặng đường dài câu chuyện cấp điện cho đảo Lý Sơn của Tổng công ty Điện lực miền Trung bằng hệ thống cáp ngầm vượt biển, để thấy rõ hơn sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và ngành Điện trong việc “giải cơn khát điện” trên hòn đảo thân yêu này.

Những ngày đầu, huyện đảo Lý Sơn là vùng “trắng” điện. Gia đình nào có điều kiện lắm cũng chỉ có thể sắm được chiếc bình ắc-quy sạc điện thắp sáng bóng đèn quả ớt ăn cơm tối xong là tắt! Thiếu điện thì lấy gì làm tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội? Đau đáu lắm, ngành Điện và chính quyền đã quyết tâm tìm giải pháp cấp điện cho Lý Sơn. Và sau 4 năm loay hoay, năm 1997, công trình điện đầu tiên được UBND tỉnh đầu tư gần 1 tỷ đồng được triển khai thực hiện trên hòn đảo bé nhỏ này gồm: 1 nhà máy điện với 1 tổ máy diesel phát điện FG Wilson P380; 1 trạm biến áp và lưới điện phân phối gần 8km đường dây các loại. Thế là Lý Sơn đã có điện, nhưng chỉ ở đảo Lớn tại xã An Vĩnh và An Hải. Còn đảo Bé thì chưa có, chỉ có điện chạy bằng năng lượng mặt trời mà thôi.

Điện lực Quảng Ngãi (nay là PC Quảng Ngãi) chính thức tiếp nhận và vận hành hệ thống cấp điện này vào ngày 01/01/2002. Năm 2005, PC Quảng Ngãi đầu tư bổ sung thêm 2 tổ máy phát điện diesel. Dù nỗ lực nhưng với công suất này, việc cấp điện cho đảo Lý Sơn chỉ đủ phục vụ “đêm có, đêm không”. Thậm chí “đêm có” thì cũng chỉ có 6 tiếng. Mãi đến cuối năm 2011 và giữa năm 2013, PC Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện 2 đợt bổ sung thêm cho Nhà máy Điện Lý Sơn 4 tổ máy SKODA 688kW thì điện ở Lý Sơn mới “đêm nào cũng có”.

Giá điện ở Lý Sơn khi đó khoảng 2.500 đồng/kWh đối với điện sinh hoạt trong nhân dân. Thế nhưng giá bán điện này vẫn thấp hơn giá thành sản xuất điện của PC Quảng Ngãi đến… 4,5 lần. Giá bán điện sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp hiện gần 11.200 đồng/kWh, bằng với giá thành sản xuất. Cao hơn các nơi khác nhiều lần như vậy nhưng thực tế tỉnh và ngành Điện phải bỏ ra bù lỗ khá lớn. Về phía tỉnh, mỗi năm ngân sách phải hỗ trợ bù lỗ cùng ngành Điện khoảng hơn 2 tỷ đồng. Còn ngành Điện phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng. Trước tình thế “lỗ nặng” này, nhiều phương án cấp điện cho đảo Lý Sơn đã được tính đến để thay thế cho việc chạy máy diesel cổ lỗ sĩ, thiếu hiệu quả này. Một số nhà đầu tư tiến hành khảo sát lập dự án cấp điện bằng các nguồn năng lượng như phong điện; kết hợp tuabin gió và máy phát diesel; điện gió - điện mặt trời - ắc-qui tích điện - diesel, kể cả việc đầu tư nhà máy nhiệt điện quy mô lớn... Tuy nhiên, các dự án này đều không khả thi do ưu điểm và hiệu quả không hơn nguồn điện diesel hiện nay.

Đến cuối năm 2012, Tổng công ty Điện lực miền Trung được giao làm chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Lý Sơn bằng hệ thống điện cáp ngầm. Dự án có vốn đầu tư trên 650 tỷ đồng, quy mô 26 km đường cáp ngầm dưới đáy biển, 8,7km đường dây trên không. Dự án được triển khai trên trạm đầu bờ là Bình Sơn. Còn Lý Sơn, Tổng công ty Điện lực miền Trung triển khai dự án “Cải tạo, nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn” với tổng vốn hơn 29 tỷ đồng, để đảm bảo sẵn sàng đủ lực tiếp nhận, vận hành, khai thác lưới điện cáp ngầm ra đảo. Điện cáp ngầm ra đảo hoàn thành sẽ khắc phục được toàn bộ những bất cập của việc cấp điện trên đảo Lý Sơn, cải thiện triệt để nguồn và lưới điện.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bấm nút chính thức đóng điện lưới quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn

Từ 9 giờ 30 phút ngày 15/9/2014, sau khi hoàn tất công tác nghiệm thu, tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển đã được đóng điện kỹ thuật thành công. Dòng điện quốc gia đầu tiên chảy về Lý Sơn kể từ thời điểm đó.

Phát biểu trong buổi lễ đầy ý nghĩa này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang có mặt ở đây, trên huyện đảo Lý Sơn, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Một lần nữa, chúng ta khẳng định rằng Tổ quốc ta, dân tộc ta, Đảng, Nhà nước ta mãi mãi ghi nhớ, biết ơn các thế hệ người Việt Nam đã anh dũng hi sinh xương máu và cả tính mạng của mình vì sự nghiệp độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Đội hùng binh Bắc Hải Hoàng Sa -Trường Sa sống mãi với Tổ quốc ta, dân tộc Việt Nam chúng ta”.

Người Lý Sơn hiền hòa, dễ mến, chất phác như cây hành cây tỏi - những đặc sản đặc trưng cho “vương quốc” này đã không thể giấu nổi niềm vui mừng, phấn khích khi có điện. Người đi như đang trảy hội, ai cũng tung tăng, hồ hởi hơn ngày thường rất nhiều. Với chất giọng Quảng Ngãi đặc trưng, ông Nguyễn Văn Nam (khu dân cư số 4, xã An Vĩnh) cười ngất ngây: “Mừng lắm con ơi, còn vui hơn là Tết nữa đó. Điện về ông được xem ti vi thoải mái, thời sự phim ảnh, biết được thế giới đang có chuyện chi chuyện chi, lại còn quạt gió thổi vù vù nữa chứ, mát gì đâu, sung sướng gì đâu!” Cứ sau mỗi câu “gì đâu” ông lại cười, nhắm tịt cả hai con mắt hằn đầy nếp thời gian. Đúng là trước niềm vui ai cũng như con trẻ.

Đối với bất kể ai đã từng là đứa trẻ ở trên bờ, đều không quên cảm giác của ngày xưa, mỗi khi mất điện buồn rầu, thất vọng đến thế nào, rồi bỗng điện lóe sáng tưng bừng khắp xóm, chiếc “súp van tơ” réo ầm ầm đòi tăng - giảm cường độ dòng điện. Niềm vui của cư dân đảo Lý Sơn hơn gấp trăm ngàn lần như vậy. Cảm giác của mỗi ngày dài sau lượt chờ điện đóng trở lại, lại ré lên sung sướng chạy khắp xóm để đến nhà có ti vi đen trắng xem phát hình đã tưởng sẽ là mãi mãi. Ngờ đâu giờ đây, những niềm vui đó đã trở thành kỷ niệm để nhớ về mỗi khi lòng cảm thấy thư thái, ấm áp. Không những vậy, người ở “vương quốc” tỏi còn đang biến rất nhiều những dự định, những kế hoạch làm ăn với dòng điện cao thế. Có người đang mở khách sạn, có người mở rộng kinh doanh hậu cần phục vụ nghề cá, có người tính đến chuyện làm du lịch…

Nhưng “sướng” nhất và hồn nhiên thụ hưởng nhất là những cây tỏi trên bao la, bát ngát trên những cánh đồng tỏi đang mơn mởn. Trước đây, để tưới tiêu người ta phải khệ nệ, vất vả mang vác máy nổ đi tưới. Từ khi có điện, hàng loạt hộ dân đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động. Chỉ cần kéo sập cầu dao là cả cánh đồng tung tóe nước, vạn vật tươi mới như cuộc đời sang trang, sướng con mắt mà đỡ đôi tay nhiều lắm.

Đảo Lý Sơn không có mùi mặn mòi đặc trưng của biển cả như ở Phú Quốc, Phan Thiết mà ở đâu trên đảo cũng có mùi hăng hăng, ngan ngát của tỏi, của hành tím - cái mùi không thể trộn lẫn vào đâu được. Ở đảo, núi non chiếm diện tích chủ yếu, đất đai ít nên người dân xứ đảo khai thác tối đa, tỏi và hành được trồng ở khắp nơi. Cả đảo diện tích trồng tỏi chiếm gần 300 ha. Không chỉ có những ruộng tỏi bao la mà trên đảo Lý Sơn bất cứ chỗ nào cũng được người dân tận dụng triệt để, một rẻo đất cũng được quây lại thành những mảnh vườn xinh xinh trồng tỏi; từng vạt đất nhỏ quanh nhà cũng trở thành những vườn tỏi. Đó là gì nếu không phải là hiện thân của sự tảo tần, chịu thương chịu khó, kiên cường bất khuất của những con người sinh ra từ trong gian lao, khó nhọc mà sức sống thì bất cùng bất diệt, bởi chỉ cần có đất thì rễ sẽ bám rất sâu!

Chào Lý Sơn khi con tàu quay mũi, những lá cờ đỏ sao vàng trên các nóc nhà vẫn tung bay phấp phới, kiêu hãnh và kiên trung như đất và người Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu vững vàng nơi đầu sóng.

Không chỉ có những ruộng tỏi bao la mà trên đảo Lý Sơn bất cứ chỗ nào cũng được người dân tận dụng triệt để, một rẻo đất cũng được quây lại thành những mảnh vườn xinh xinh trồng tỏi; từng vạt đất nhỏ quanh nhà cũng trở thành những vườn tỏi. Đó là gì nếu không phải là hiện thân của sự tảo tần, chịu thương chịu khó, kiên cường bất khuất của những con người sinh ra từ trong gian lao, khó nhọc mà sức sống thì bất cùng bất diệt, bởi chỉ cần có đất thì rễ sẽ bám rất sâu!