Mắc lỡm anh chàng dân tộc mưu sinh bằng 7 nghề

Anh chàng H'mông đã làm tôi mắc lỡm với 7 nghề mưu sinh, nhưng anh đã đã cho tôi bài học ngàn vàng

Không biết duyên nợ thế nào nhưng chừng 5-6 lần tôi đi chơi, đi công tác Điện Biên, lần nào cũng vào mùa Ban nở, khoảng giữa tháng 3. Hoa Ban thì ở các huyện phía Tây Nghệ An, hay ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội cũng có, nhưng Ban Điện Biên mới đúng thật là hoa Ban. Tôi có hai lý do để tin vào chuyện đó.

Thứ nhất, hoa Ban ở Hà Nội, người Điện Biên bảo đấy là hoa móng bò, còn gọi là hoa Ban đỏ. Cánh và nhụy có màu tím đỏ.


                                                           Hoa Ban đỏ bên Bờ Hồ, Hà Nội

Ban ở miền Tây Nghệ An cánh hoa trắng, nhưng nhụy màu tím

                                                    Hoa Ban miền Tây Nghệ An

Chỉ có Ban Điện Biên mới thực là hoa Ban trắng, từ cánh đến nhụy một màu tinh khôi.

Thứ hai, cái màu trắng tinh khôi của Ban Điện Biên có tích có tuồng hẳn hoi.Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na. Trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum. Nhưng cha nàng chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường.

Không chịu, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng.

Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân làng liền gọi là hoa Ban và coi đây là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ.

Với tôi, phải là Ban Điện Biên, phải là cánh và nhụy trắng muốt tinh khôi mới đúng thật là nàng Ban; mới đúng thật là tình yêu của nàng Ban.

                                                                   Ban Trắng Điện Biên

Giữa tháng 3 năm nay, một cách ngẫu nhiên, tôi và bạn gái lên Điện Biên chơi, không chỉ đúng mùa Ban nở, mà còn đúng mùa Lễ hội hoa Ban Điện Biên lần thứ V.

Mọi người bảo, cái đặc sắc của Ban Điện Biên là trắng tinh khôi. Vào buổi sớm mai, đứng dưới rặng cây Ban, khi lá đã rụng hết, chỉ còn những cánh Ban hòa vào màn sương trong suốt, xếp từng lớp, từng lớp, đan kín vòm cây, ta mới cảm nhận được sự thanh tao, tinh khiết của tình yêu nàng Ban dành cho chàng Khum dường như còn lãng đãng đâu đây. Và cặp đôi nào chụp hình dưới rặng Ban ấy, sẽ được nàng Ban thổi bùng mối tình của họ đủ sức đi cùng trời cuối đất.

Cái thứ truyền thuyết hư hư thực thực này chắc chẳng mấy người tin, nhưng bao giờ cũng có sức hút mãnh liệt với những đôi lứa đang yêu. Chúng tôi mải miết đi tìm một khung hình như thế, nhưng đâu dễ tìm ra một rặng Ban rụng hết lá, hoa trắng đan kín vòm, hòa quyện với sương sớm?

Loanh quanh thế nào chúng tôi “lạc” vào hàng cây Ban trắng như mơ, nhưng dưới một gốc cây là anh thợ cắt tóc có “quả” tóc đặc trưng của người H’mông đang tọa lạc. Biết rằng, khó có thể “điều” anh chàng này đi chỗ khác, tôi đành làm quen bằng cách xin… cắt tóc. Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu để bày tỏ sự thân thiện thì anh chàng H’mông đã mở máy liên hồi kỳ trận: “Anh gặp tôi lúc này là may lắm, chứ bình thường ra buổi sáng tôi không bao giờ cắt tóc”.

Chưa kịp giả bộ ngạc nhiên thì anh chàng tiếp tục mở máy: “Nhà tôi ở Mường Ẳng. 4 giờ sáng tôi thức dậy. Đầu tiên là bắc nồi rượu, cho lợn ăn; tiếp đến tắm cho mấy con mi (chim họa mi); rồi quay ra chăm sóc hơn 10 đàn ong trong vườn. Đến 9-10 giờ sáng tôi vác cuốc lên nương xới đỗ tương; thừa thời gian thì ra đồng làm cỏ lúa…”.

Cuối cùng anh chàng giải thích, 18 năm nay rồi, tôi chỉ cắt tóc dưới hàng Ban này vào buổi chiều thôi. Nhưng hôm qua, thằng cu em sinh viên đang học ở Trường Cao đẳng nghề Điện Biên đến nhà tôi chơi. Nó bảo, em nhớ Mường Ẳng mình quá, em nhớ ruộng, nhớ nương, nhớ đàn ong… Đấy, đại loại luyên thuyên một hồi rồi thủ thỉ: “Anh ơi, cho em làm công việc của người con trai Mường Ẳng mình đi, cứ ròng rã học thế này em đến chết mất”. Thế nên sáng nay rỗi việc tôi mới ra đây cắt tóc đấy chứ.

Tôi hỏi, thế tức là anh làm tới 7 nghề? Làm ruộng, làm màu, nấu rượu, nuôi lợn, nuôi chim, nuôi ong, cắt tóc? Trời ơi, nói về nghề thì tôi làm tới hơn 10 nghề ấy chứ - anh chàng kêu lên. Trước kia tôi còn nuôi chó săn, rèn lưỡi cày, nòng súng, rồi làm yên cương ngựa, đan hom bắt cá… Nói rồi anh phô hàm răng bàn cuốc ra với khách, cười rất tươi: Bây giờ thì không kham nổi nữa, chỉ còn giữ 7 nghề thôi.

Một anh chàng tuổi chưa quá 35 đã trải qua tới hơn 10 nghề mưu sinh! Chúng tôi sốc tới mức quên cả chụp hình, quên cả khung cảnh hàng Ban trắng muốt như mơ. Lững thững trở về khách sạn, quãng đường hơn 3 cây số ấy, cả hai chẳng ai nói với ai câu nào.

Buổi tối, ngồi ở sảnh buôn chuyện với bà chủ khách sạn về anh chàng cắt tóc mưu sinh bằng 7 nghề, bà phá lên cười: Cái bố cắt tóc ở gần đồi Him Lam chứ gì? Bố ấy “Văn” đấy, mà còn “Văn Cao” nữa là đằng khác (ý nói là chém gió thành thần đấy).

Cả 2 thêm một phen choáng váng. Tất cả ấn tượng về những người dân tộc chất phác, thật thà giờ không còn đúng? Giá trị đạo đức, chuẩn mực xã hội đã đảo lộn?

Về đến Hà Nội, tôi làm một việc không tiền khoáng hậu, và biết nói thế nào nhỉ, nó khác rất xa với lứa tuổi đôi mươi của tôi: dành hẳn một ngày để suy nghĩ về câu chuyện này trên bình diện… triết lý.

Phán xét chúng trên bình diện triết lý là bởi, trái với cảm giác bị mắc lỡm, tôi vẫn thấy anh chàng H’mông đó có một cái gì trong sáng, ngộ nghĩnh, dù anh chàng đã “Văn Cao” với tôi.

Thực ra thì rất công phu, nào đọc tài liệu, nào hỏi chuyện chuyên gia xã hội học, rồi tham vấn người lớn tuổi, nhưng nói tóm gọn lại là, cái chất “Văn” hay “Văn Cao” ấy đều bàng bạc trong mỗi chúng ta.

Ở cơ quan chẳng hạn, dù vô tình hay cố ý, ta đều có thiên hướng phô ra những mặt dễ coi nhất của mình; và nếu không che dấu, thì ít nhất ta cũng âm thầm lờ đi, tránh đề cập tới những mặt tiêu cực của mình.

Những thói quen xấu chỉ bộc lộ ra ở gia đình, bởi một lẽ rất đơn giản, chỉ những người thân (bố, mẹ, vợ chồng, con cái) mới chịu đựng được.

Thế nên người ta mới nói, gia đình là nơi trú ẩn cuối cùng trước những cơn bão. Anh chàng H’mông làm tôi mắc lỡm, nhưng anh đã dạy tôi ít nhất một điều: Hãy trân trọng, vì bạn không thể tìm ra nơi nào bình an hơn gia đình.


Nguyễn Văn