Một doanh nghiệp không thể có hai loại sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu

Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng trong giai đoạn năm 2015 - 2020, sẽ mở ra những định hướng mới nhằm tối đa hóa giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp tại địa phương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Thông tin trên do bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ tại Diễn đàn Xuất khẩu 2014 với chủ đề “Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu Việt Nam”, do Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức vào sáng ngày 12/9/2014 tại Trung tâm Hội nghị White Palace – TP. Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh
phát biểu khai mạc Diễn đàn XK 2014.

Cùng tham dự tại diễn đàn có TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, đại diện Lãnh đạo các Vụ thị trường: Châu Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương; Châu Phi – Tây Á – Nam Á, Cục Xúc tiến Thương mại, Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương. Đại diện Lãnh đạo các Sở Ban Ngành, Trung tâm xúc tiến, các Hội/Hiệp hội ngành hàng tại thành phố và các tỉnh thành phía Nam. Tổng Lãnh sự, Tham tán Thương mại các nước tại thành phố; Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Các tổ chức xúc tiến của nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh: AmCham, EuroCham, InCham, Jetro,…, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong và ngoài nước, các Tập đoàn doanh nghiệp lớn đến từ Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản…


TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Diễn đàn

Mục tiêu của diễn đàn nhằm tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu theo chiến lược xuất khẩu 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ qua các phiên thảo luận chuyên đề tương ứng các thị trường xuất khẩu quan trọng và tạo cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu kết nối, tiếp cận thông tin chính sách, kinh nghiệm từ các thương vụ nước ngoài, hội ngành nghề.

Ngoài ra, sẽ là nơi tạo cơ hội giao lưu, gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm đối tác tiềm năng, trưng bày, quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ đến các khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước; Cập nhật dự báo và định hướng thị trường xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn 2015 –2020, chiến lược đến năm 2030; Chia sẻ thông tin của các diễn giả có uy tín về chính sách, xu hướng xuất khẩu và những vấn đề cần lưu ý khi nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Ấn Độ, UAE; Trao đổi những thắc mắc, khó khăn, các quy định mới và cách tiếp cận thị trường có hiệu quả với các Tham tán.

Theo báo cáo tại diễn đàn, nhìn tổng thể, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan. Thế nhưng, hầu như chỉ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu ổn định.

  

Ông Satoshi Nakajima - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh

Xuất khẩu của cả nước tuy vẫn tăng trưởng, nhưng liên tiếp đối mặt với những khó khăn mới từ tình hình chính trị - kinh tế thế giới, từ rào cản thương mại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa của các nước gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp tăng sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu. Chính phủ và các bộ, ngành tích cực mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua tham gia các hiệp định song phương và đa phương về thương mại đã ký kết và đang đàm phán để ký kết trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, thành phố đã khẳng định vị thế là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng của Việt Nam.

Hàng năm, thành phố đóng góp trên 20% tổng sản phẩm quốc nội, khoảng 30% giá trị SXCN, khoảng 30% tổng thu ngân sách quốc gia và thu hút khoảng 35% tổng số dự án FDI của Việt Nam.

8 tháng đầu năm 2014, dù tình hình kinh tế - chính trị trong khu vực và trên thế giới có những diễn biến phức tạp. Nhưng kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, có hướng phát triển tích cực.

Về thị trường XK tính đến nay, thành phố đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo số liệu 8 tháng đầu năm 2014, khu vực châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch XK của thành phố, cụ thể là 54,67%, kế tiếp là khu vực châu Mỹ với tỷ trọng 23,01%, khu vực châu Âu với tỷ trọng là 18,89%, khu vực châu Phi là 1,95% và khu vực châu Đại Dương là 1,48%.

Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp và không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy SX KD, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường nội địa, mở rộng và đa dạng hóa thị trường XK như: Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; Chương trình kích cầu đầu tư giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, nâng giá trị gia tăng vào sản phẩm, đối thoại doanh nghiệp…

Lãnh đạo thành phố, kỳ vọng rằng, thông qua diễn đàn này, trong giai đoạn năm 2015 - 2020, sẽ mở ra những định hướng mới nhằm tối đa hóa giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp tại địa phương và các tỉnh, thành trong khu vực.
 

  Lễ ký kết hỗ trợ vốn giữa Vietinbank Chi nhánh Hồ Chí Minh với doanh nghiệp XK

Theo TS Trần Du Lịch Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, mặc dù chính sách kinh tế hướng vào XK, nhưng việc đầu tư của Nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập, chưa xem hoạt động này như một “chương trình quốc gia”, để đầu tư nguồn lực cần thiết.

 

Mục tiêu phát triển hướng về XK, nhưng không tách biệt với thị trường nội địa, nền ngoại thương của một quốc gia, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều, nên không có ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài. Một sản phẩm muốn cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài, trước hết nó có khả năng ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả. Một doanh nghiệp không thể có hai loại sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, mà chỉ có một - ông Lịch khẳng định.

Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản nhấn mạnh, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong giai đoạn gần đây, không chỉ ở cấp quốc gia, mà giao lưu giữa các địa phương của hai nước cũng đang được diễn ra sôi nổi.

Giao thương giữa hai nước luôn phát triển thuận lợi và gia tăng. Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam luôn duy trì được mức xuất siêu đối với Nhật Bản, năm 2013 Việt Nam xuất sang Nhật là 1.370 tỷ Yên và nhập khẩu từ Nhật là 1.160 tỷ Yên, xuất siêu đạt mức 200 tỷ Yên.

Các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản là; Dệt may, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ…, mặt hàng XK có triển vọng của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chính là nông thủy sản, tuy nhiên, để có thể đẩy mạnh được XK vào thị trường Nhật Bản, một trong những điểm mà Việt Nam cần lưu ý chính là vấn đề về vệ sinh ATTP.

Nhật Bản kỳ vọng mạnh mẽ vào vai trò dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế và phồn vinh của thế giới thông qua việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở cửa tự do thị trường thương mại giữa các đối tác thuộc khu vực Thái Bình Dương. Ông Nakajima Satoshi đã khẳng định tại diễn đàn.  
  

Toàn cảnh Diễn đàn XK 2014 tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong khuôn khổ của chương trình, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa ITPC với Vietinbank Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và ký kết hỗ trợ vốn giữa doanh nghiệp với Vietinbank Chi nhánh Hồ Chí Minh.