1.Chính xác thì mùa thu của miền Bắc (tính từ Bắc Trung bộ đổ ra) và Hà Nội bắt đầu từ khi nào. Lịch Tây đơn giản, cứ theo số mà tính: gồm tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Nhưng thời tiết từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 10, thậm chí lân sang cả nửa tháng 11, Hà Nội về cơ bản nắng nóng, oi bức. Chỉ ít năm thời tiết thuận hòa, từ giữa tháng 9 Dương lịch đã có những đợt không khí lạnh yếu, đem theo mưa và ít ngày mát mẻ. Phải đến cuối tháng 10, sau đợt gió mùa đông bắc cường độ mạnh đầu tiên, Hà Nội mới được thực sự đón nắng hanh, rét khô.

Trước khi có đợt gió mùa đông bắc cường độ mạnh đầu tiên, người có bệnh mạn tính như xương khớp, hen suyễn, tim phổi nhiều lúc cảm thấy chết còn sướng hơn vì thời tiết ở Hà Nội vật vã như bà đẻ chuyển dạ: oi bức, ngột ngạt, âm âm. Tiếp đến là những cơn mưa xối xả, kéo dài có khi tới 3-4 ngày, như trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm 2008 là một ví dụ. Khi mưa ngớt, gió bắt đầu réo ào ào, không gian chợt được làm loãng ra, hơi thở sâu hơn. Đặc trưng những đợt không khí lạnh đầu mùa từ Xi-bia tràn qua lục địa Trung Quốc thẳng xuống nước ta theo hướng Bắc Nam là khô, lạnh nhưng lại làm tầng bình lưu cao lên - trời quang mây nên khắp Bắc bộ và Hà Nội nắng đẹp từ sáng đến chiều. Đến chiều nắng tắt thì lạnh dần và giá rét nửa khuya về sáng. Hình thái thời tiết ấy ổn định trong vòng hơn một tháng (năm nhiều thì hai). Đó có thể coi như món quà của mẹ thiên nhiên đền bù cho mọi người cả năm bận rộn, bon chen mệt nhoài.

Sáng thức dậy, không khí nhẹ bẫng, cái hơi giá của ban mai dần được nắng sớm xua tan. Những người chỉ biết đến mùa thu ở xứ nào ôn đới xa xôi qua báo chí, truyền hình có thể cảm nhận trực tiếp cái lạnh se sắt hòa quyện với nắng ấm lan dần từ mái nhà, ngọn cây xuống vỉa hè, mặt đường. Ai cũng thấy như nhẹ nhõm, phơi phới hơn; những bực bội, cau có ở nơi đất chật người đông cũng dịu bớt. Va chạm giao thông hay bát phở, bát bún hôm nay có bị quá tay mì chính vẫn cứ có lý do để tha thứ.

2.Và cứ thành lệ, cứ khi "gió heo may đã về" là không ít người bạn cùng lớn lên từ thời chơi đáo, bắn bi ở vỉa hè Hà Nội nay đã đi làm ăn, định cư ở xa của tôi lại "pót lên phây" những hình ảnh tưởng chừng xưa như phố Phái. Một nhành bàng lá đỏ nổi bật trên khuôn cửa cũ kỹ sót lại từ thời thuộc địa, một mảng tường rêu phong, một bóng hàng rong đạp xe tần tảo trong nắng sớm, mái ngói âm dương phố cổ… Tóm lại những thứ cũ kỹ, bất tiện vốn dĩ nom rất nhếch nhác trong nắng hè hay mưa phùn ẩm ướt cuối xuân đều được cái không khí cuối thu đầu đông phủ lên một ánh sáng huyền ảo. Những hình ảnh ấy cũng chả có gì mới và độc đáo vì được khai thác từ văn chương, nhạc họa đến mòn ra nhưng vẫn hấp dẫn lạ kỳ với những người chưa từng đến Hà Nội và khiến người từng có những thời khắc gắn bó với Hà Nội nao lòng. Trang "phây" của một anh bạn nay đã định cư ở Anh cảm khái về thời trai trẻ, khi mới biết yêu lang thang qua những phố chiều Hà Nội với tấm hình có lời dẫn “lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu” nhận được hàng trăm "còm" khá thổn thức. Thậm chí có cô còn rưng rưng ôi lãng mạn thế, giá em được đến với mùa thu Hà Nội chỉ một lần trong đời. Có một nick khác ở đâu chui vào chọc ghẹo là không cần đến với mùa thu Hà Nội đâu, chỉ cần đến với anh một lần cũng lãng mạn lắm. Thế là diễn đàn lại được dịp xôn xao đưa đẩy hết chuyện nọ xọ chuyện kia.

3.Khuôn cửa sổ của ngôi nhà tôi ở được đời chủ trước xây cách đây hơn 20 năm có chấn song hoa sắt được thiết kế không theo một gu thẩm mỹ nào. Mặc dù cứ vài năm lại được tu sửa, sơn phết lại nhưng khung gỗ phía ngoài của nó vẫn cứ bạc đi, ở những điểm tiếp giáp của hoa sắt vì được hàn dối nên lâu dần bong tróc thành ra có chỗ móp lại. Thế nhưng đây lại là góc yêu thích của con trai tôi. Vì trông ra khoảng vườn nhỏ nên cửa sổ thỉnh thoảng thành chỗ nghỉ chân của chuồn chuồn, ong, xén tóc… Mặc dù từ bé đã không hâm mộ gì côn trùng nhưng người nhà định xua đuổi hay quét là nó phản đối. Một buổi sáng mùa thu nắng đẹp và se lạnh, tôi thấy nó đem iPad ra chụp một cái mạng nhện óng ánh chăng ở góc cửa sổ. Nó triết lý: tại sao các họa sĩ không thể vẽ những thứ như thế này mà cứ đi tìm những đề tài hóc hiểm làm gì. Một người bạn nước ngoài của tôi khi nghe kể đã nói rằng có những họa sĩ vĩ đại như Rembrand, Vermeer chỉ tâm đắc với những đề tài quẩn quanh, quen thuộc với góc nhìn của họ. Nhưng đó lại là những kiệt tác nghệ thuật của nhân loại. Tôi không bình luận thêm về việc đó. Và không ngạc nhiên nếu mai đây con trai tôi lớn lên, rồi sẽ trưởng thành và đi lập nghiệp ở một nơi nào đó và rồi cũng giống như anh bạn đã kể ở trên, sẽ lại "pót lên phây" mỗi khi thời tiết sang mùa những cảm khái hoài niệm y chang. Thì có sao đâu, bởi trong tâm trí của nó, ánh nắng mùa thu trên cửa sổ tại ngôi nhà thơ ấu là cảm xúc hoàn toàn không vay mượn.

Thái Anh