Năm mới, bàn chuyện gỡ khó cho kinh tế tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân đã đạt được nhiều thành tự đáng ghi nhận và có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều “rào cản”, khó khăn đặt ra đối với sự phát triển của khu vực kinh tế này.Thực tế nêu trên đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ để “gỡ khó” cho kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân, thành công và những điểm yếu

Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, để khu vực này thực sự là một động lực quan trọng phát triển kinh tế đã được đặt ra như một nhiệm vụ trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam những năm gần đây. Nỗ lực chính sách cùng với quyết tâm thực hiện của Chính phủ trong thời gian gần đây đã mang đến những những kết quả khá tích cực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đó, trong những năm gần đây, nhận thức về vai trò và vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam ngày càng rõ ràng hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách được hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của các nhân và tổ chức được thể chế hóa và được bảo vệ theo pháp luật; kinh tế tư nhân được tự do cạnh tranh và đối xử bình đẳng hơn theo pháp luật với các thành phần kinh tế khác…

Nhờ vậy, khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh và có đóng góp ngày càng lớn trong huy động các nguồn lực xã hội cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP từ 7,4% năm 2015 đã tăng lên 7,8% GDP năm 2016.Đóng góp của khu vực tư nhân, bao gồm cả cá thể trong GDP đạt khoảng 40%, là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.

Hình 1: Tỷ trọng GDP theo thành phần kinh tế, 2011-2016

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó, so với các thành phần kinh tế khác, khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có khu vực kinh tế tư nhân) có tốc độ tăng năng suất lao động ổn định hơn, xung quanh mức 4,8%-5,8% vào năm 2015, 2016. Đồng thời, tốc độ tạo việc làm của khu vực này được giữ ở mức khá ổn định, có xu hướng gia tăng. Hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước (trong đó có khu vực kinh tế tư nhân) là khá tốt. Xét theo thành phần kinh tế, thì hệ số sử dụng vốn của khu vực kinh tế nhà nước là cao nhất (10,26) gần gấp đôi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (5,72) và khu vực ngoài nhà nước (6,41).

Một điểm đáng chú ý làdoanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh về số lượng và hoạt động rộng khắp trên các ngành, lĩnh vực. Bước đầu hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Liên tiếp trong những năm gần đây, khu vực tư nhân có số doanh nghiệp thành lập mới cao, năm 2016 là 100.100 doanh nghiệp, năm 2017 dự kiến đạt 125.000 doanh nghiệp. Số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký mở rộng sản xuất cũng tăng.

Hình 2: Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký 2011-2017

Nguồn: Cục đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tự tính vốn theo giá 2010.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể là khung khổ pháp lý và các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển vẫn chưa đồng bộ và bất cập, nhiều quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện hiệu quả, nhất là các chính sách về tiếp cận nguồn lực (vốn, tín dụng, đất đai, khoa học và công nghệ), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách về lao động, tiền lương... Quyền tự do kinh doanh và sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác chưa thực sự được đảm bảo, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận các cơ hội kinh doanh.

Một điểm yếu nữa là khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình và cá thể, phần lớn doanh nghiệp của tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Theo thống kê, trên 90% doanh nghiệp có mức vốn dưới 1 tỷ đồng. Mặt khác, kinh tế tư nhân có cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, khoảng 81% là hoạt động thương mại và dịch vụ nhỏ, lẻ phục vụ người tiêu dùng; phần còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, hoạt động sản xuất chủ yếu ở khâu gia công, lắp ráp, mang lại ít giá trị gia tăng. Năng lực liên kết và năng lực hội nhập quốc tế của doanh nghiệp tư nhân còn nhiều yếu kém.

Thống kê cho thấy, về số lượng doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ trong top 500 doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, về quy mô trong nền kinh tế, vai trò khu vực kinh tế tư nhân không có sự cải thiện trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất từ năm 2007 đến nay.So với các khu vực kinh tế khác, khu vực DN tư nhân trong nước còn có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế, tỷ suất lợi nhuận thấp, chủ yếu do khả năng tiếp cận các yếu tố đầu vào và cơ hội kinh doanh. Do đó, khu vực này cần được tạo điều kiện tố hơn để phát triển.

Hình 3: Tỷ trọng doanh thu trong Top 500 doanh nghiệp lớn của Việt Nam

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục thống kê

Giải pháp “gỡ khó” cho khu vực tư nhân

Có thể thấy, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, dù đã phát triển năng động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng đang đứng trước những khó khăn phát triển mà họ không thể tự vượt qua. Để thúc đẩy khu vực này phát triển và có sức cạnh tranh toàn cầu, cần có những giải pháp mang tính đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Theo đó, trong năm mới 2018 và những năm tới, cần thực hiện một số định hướng chính sách ưu tiên phát triển khu vực tư nhân.

Trước mắt, sớm thể chế hóa đẩy đủ quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, nhất là trong cạnh tranh và tiếp cận các nguồn lực, các yếu tố sản xuất (vốn, đất đai,...), cơ hội kinh doanh, tham gia thị trường.

Đồng thời, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân trong những ngành, lĩnh vực, địa bàn mà pháp luật không cấm. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ gia định, cá nhân chuyển đổi sang kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp.Để “nâng tầm” cho doanh nghiệp tư nhân, Việt Nam cần chú trọng thu hút các dự án có công nghệ cao, các doanh nghiệp lớn với yêu cầu chuyển giao và lan tỏa về năng lực quản trị, công nghệ hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, chú trọng hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động..

Cùng với việc gỡ bỏ các “rào cản” cho khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiến hành thoái vốn nhà nước một cách thực chất và trên quy mô rộng khỏi các doanh nghiệp nhà nước đã được xác định thuộc diện Nhà nước không cần giữ vốn chi phối. Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nước thông qua góp vốn, mua cổ phần... Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và tạo điều kiện cho kinh tế tế tư tham gia cung cấp dịch vụ công. Đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ nguồn lực phát triển.


TS. Đinh Trọng Thắng, ThS. Nguyễn Văn Tùng