Nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh

Với mong muốn lồng ghép bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngày 18/10/2016, tại Hà N

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: “Lâu nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN), đặc biệt là DNVVN do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do qui mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về DNVVN do nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Theo Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” do Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) thực hiện: Các DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ điều hành 1/4 số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ (43,4% so với 36%). Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt, trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, các nguồn lực và cơ hội tham gia các mạng lưới. Thêm vào đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp. Hơn nữa, Luật pháp Việt Nam hiện vẫn chưa có định nghĩa chính thức về DNNVV do phụ nữ làm chủ, gây trở ngại cho quá trình hướng tới mục tiêu thực hiện Chiến lược Bình đẳng Giới Quốc gia 2011 - 2020.

Báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, ở Việt Nam hiện nay, DNNVV chiếm gần 98% trong tổng số doanh nghiệp, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, khối DNNVV đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, thu hút hơn 5 triệu việc làm và đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm. Trong đó, các doanh nghiệp do nữ lãnh đạo đã có những đóng góp quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ, lao động khuyết tật thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ và tiến bộ xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: Hội thảo này rất có ý nghĩa vì chúng ta thúc đẩy việc lồng ghép bình đẳng giới vào một luật điều chỉnh các đối tượng DNVVN, trong đó phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

“Thành công của VCCI là đã giúp cho phụ nữ lồng ghép được bình đẳng giới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên doanh nghiệp do nữ làm chủ có nhiều bất lợi hơn so với nam giới. Bài toán đặt ra là làm sao để thúc đẩy được doanh nghiệp do nữ làm chủ phát triển trong thời gian tới. “Hy vọng, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ đi đúng hướng để hỗ trợ DNVNN, hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ” - ông Lợi nói.

Tại Hội thảo nhiều đại biểu đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét luật hóa các chương trình hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ. Bên cạnh đó, cần tập trung các thông tin về nguồn lực và các cơ hội vào một số đầu mối để doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có thể dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra cần hỗ trợ xây dựng mạng lưới kinh doanh và xúc tiến thương mại, quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp cho phụ nữ…

Bà Mai Thị Thùy - Chủ tịch HAWASME chia sẻ: Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội thì cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh. Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau. Nhiều quốc gia có luật pháp, quy định và những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như Luật Hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao nhất nếu Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra một khái niệm rõ ràng về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và có những điều luật cụ thể đề cập đến nhu cầu đặc biệt của họ.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam khẳng định: “Hơn lúc nào hết, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng được cả hệ thống chính trị quan tâm. Việc đưa các nội dung hỗ trợ DNNVV do nữ làm chủ vào Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết. Thứ nhất là vì những đóng góp thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này - khu vực kinh tế mới nổi; thứ hai là các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại. “Đầu tư cho phụ nữ, tháo gỡ các rào cản” là chiếc chìa khoá cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia”.

Bà Ngô Hồng Điệp - chuyên gia về giới của Sáng kiến Hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân Vùng Mê Kông nhận xét: “Sự thành công của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam chính là chìa khóa mở ra những tiềm năng đất nước. Những kinh nghiệm quốc tế và thông tin từ tham vấn với các hiệp hội nữ doanh nhân có thể giúp điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhất với lợi ích quốc gia, các nữ chủ doanh nghiệp và cả nền kinh tế’’.

“Đây là cuộc thảo luận rất kịp thời khi Quốc hội sẽ cân nhắc, xem xét dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV trong kỳ họp tháng 10 này. Hiện nay, dự thảo Luật chưa đề cập đến các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Những ý kiến của các hội nữ doanh nhân sẽ được Quốc hội cân nhắc cẩn trọng” - ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.