Năm 1980, nhà tôi chuyển từ khu tập thể ngoại thành về phố, cách Hồ Gươm khoảng non 1 cây số về phía Nam, muốn đi ra công viên Lê Nin (nay là công viên Thống Nhất), bến xe khách, ga Hàng Cỏ, hồ Thiền Quang, rạp xiếc, rạp Tháng 8, Kim Đồng, rạp Mê Linh hay Đại Nam đều trong khoảng 1-2 cây số. Thời ấy, như thế là trung tâm, tiện nghi lắm. Hồi còn Pháp thuộc, cư dân của phố chủ yếu gồm tư sản, công chức, tư chức, thương gia hạng trung trở lên. Đến khi gia đình tôi chuyển về, họ vẫn giữ được nếp sinh hoạt phong lưu, cách biệt với xã hội dù cố gắng giấu kín. Những năm sau này, danh sách phong lưu được bổ sung thêm các gia đình có người đi tàu viễn dương, làm đại sứ quán nước ngoài, có cửa hàng buôn bán Chợ Trời hay trên phố (tức thuộc về 36 phố phường cũ của Hà Nội…).

Những năm đó, phố vắng vẻ, tĩnh lặng. Có thể đếm được những thời khắc sôi động nhất trong ngày nhờ lịch hoạt động đều đặn của Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) bên kia đường Nguyễn Du. Sáng cứ 7 giờ 30, kẻng gõ keng keng báo hiệu bắt đầu 8 tiếng vàng ngọc; 10 giờ sáng cán bộ công nhân viên Tổng cục ra hành lang tập thể dục theo điều khiển trên loa; chiều 4 giờ rưỡi lại kẻng tan tầm, tất cả cứ rào rào lên một chút rồi sự êm ả lại bao trùm, nếu không tính thêm tiếng còi báo 12 giờ từ nóc Nhà hát lớn. Sát với tường rào của Tổng cục là mái tôn của nhà xe, thỉnh thoảng tối khuya, bất chợt thấy tiếng động ầm ầm như mưa đá, tiếng quát đuổi, rồi chân người chạy rình rịch như bắt cướp. Nguyên nhân vì yên vắng quá nên đám choai choai rỗi việc đâm thèm cái gì khuấy động, lấy gạch đá chọi bổng qua tường cho lăn ầm ầm trên mái tôn, bảo vệ Tổng cục lại được phen hô hét, đuổi bắt. Đến mức xung quanh nhà tôi ở có câu hỏi đáp thành quen tai: Cái gì mà kinh thế? À chúng nó ném đá bên Tổng cục.

Mà vắng thật. Đến mức những sáng rét mướt, nằm trong chăn ấm ao ước giá được nghỉ học nghe thoang thoảng tiếng còi tàu, tiếng người lao xao ở phía ga Hàng Cỏ vọng lại; hay tiếng leng keng xe điện chuyến sớm từ phố Huế. Phố chỉ thoát cái không khí ngái ngủ, thực sự rộn ràng vào dịp nghỉ hè, không phải đi học thêm học nếm gì, trẻ con trong phố náo nức với những "Mùa" của riêng tuổi hiếu động, nghịch ngợm: mùa đánh quay, mùa cá chọi, mùa đánh đáo ăn xổ số, mùa chun (chơi gảy chun vòng), mùa bi ve và những trò đuổi bắt, trốn tìm, đánh nhau bất tận từ sáng đến đêm.

Phố thức khuya vì cữ 11-12 giờ khuya nước khỏe (cả ngày chỉ ri rỉ hoặc không chảy), tranh thủ hứng rồi xách, gánh đổ vào phi trữ, nhà có điều kiện thì xách máy bơm, ống cao su ra đấu nối đường ống chính hút thẳng vào bể nhà mình. Nếu là mùa hè nóng nực thì kéo ra vỉa hè tranh thủ tắm gội. Nhưng phần hấp dẫn nhất của lũ trẻ chúng tôi là nghe các anh lớn "đấu hót" những chuyện ganh đua chơi bời, ăn uống, tán gái… Rồi nhà ai trong phố giàu "ngầm" trông ăn mặc xoàng xoàng nhưng sáng nào cũng phở hoặc bánh mì patê, nhà nào vừa mua được ti vi vỏ đỏ, con gái nhà bà Y. xấu thế nhưng có người yêu đi hẳn xe lơ (xe đạp pơ-giô) đến đón, nhà X. ở đoạn giáp Trần Nhân Tông "ki bo" ông bố khoán con mỗi bữa chỉ được ăn 3 miếng đậu phụ kho… được đem ra thì thụt mổ xẻ, thêm dấm thêm ớt cho xôm. Mải mê lắm có khi đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ.

Nói đến thức đêm ở phố thì không thể thiếu món ăn vặt bán rao. Nhưng lúc bấy giờ, nhà tôi rất ít ăn quà. Những tảo tần của mẹ chỉ dành dụm gói ghém vào 3 bữa ăn chính. Sáng sớm ra, 2 cái bếp dầu lên lửa xanh um, nồi cơm, chảo rau xào với lạc rang mặn, xông xênh nữa có thịt hoặc cá kho lèn chặt rồi đi học, đi làm. Trưa hoặc chiều cũng thế. Đôi khi có thêm kẹo bánh, phát cho hai anh em tôi theo khẩu phần để ăn dè được lâu, hoặc nồi chè đậu đen cải thiện. Nếp sinh hoạt ấy khác nhiều với dân phố, nếu không nói là hơi "quê". Có những nhà không giàu hơn gia đình tôi, nhưng họ khéo xoay sở đổi chác, vài ngày có đĩa bánh trôi hoặc bữa bún chả, đêm khuya mỗi người nắm xôi khúc. Thành thử tôi thường hóng là chính. Biến cái thèm nhạt thành quy ước đoán định thời gian, ví dụ lời rao kéo dài và có cung bậc lên xuống đột ngột "Ai cháo đậu xanh đơơơ……" của một bác gái có giọng nói giống tiếng sành vỡ gắn với nghỉ hè, "... dày giò nàoooo..." rơi vào chiều chủ nhật, hay nghe lách cách líp xe đạp với tiếng rao bánh khúc là đêm đã khuya lắm.

Rồi theo biến thiên của thời gian, sự thay đổi của phố diễn ra không ồn ã choáng ngợp, nhưng nghiến ngẩm sâu sắc đến độ mỗi ngày lại thấy khác nhiều lắm. Vào một thời êm ả, có lúc gia đình tôi được mang biếu những chùm nhãn, chùm vải đầu mùa. Hay tôi có thể sang nhà khác xem nhờ ti vi và nằm ngủ quên ở đó đến khi hết chương trình. Hoặc thằng em tôi được ăn theo đi biển cùng gia đình hàng xóm liền mấy ngày nhẹ như không. Và cái Tết cuối cùng các gia đình cùng số nhà tôi ở còn gói chung bánh chưng hình như vào năm 1982 thì phải. Rồi dần dần, bước vào giai đoạn đổi mới, kinh tế thị trường, những tranh chấp, va chạm giữa cùng phố, cùng xóm bắt đầu nảy sinh khi từng mét vuông của khoảng sân chung hay mỗi đoạn vỉa hè trở thành mục tiêu chiếm cứ của người này người khác. Sau những xô xát, có khi trầm trọng, qua tổ dân phố hay công an phường, mọi chuyện được dàn xếp ổn thỏa, bề ngoài vui vẻ nói cười nhưng ai cũng hiểu rõ ràng mọi sự không thể còn như trước.

Sau khi cùng gia đình chuyển đi nơi khác, tôi rất ít quay trở lại phố. Nguyên nhân vì trong những năm sau đó, do không biết tin, bận bịu nên tôi không phúng viếng đám hiếu của vài gia đình gần với nhà tôi ở ngày trước. Sự bất cẩn ấy khiến tôi đâm ra ngại ngần khi giáp mặt. Một lý do khác, phố không đón người hồn hậu như khi ta về quê. Đôi lần tôi đến ăn ở quán vốn trước đây là số nhà hàng xóm. Bác chủ nhà đang mải việc nên hỏi tôi bình thản "…lâu mới thấy đến, ăn gì…". Lâu sau quay lại, thấy cả số nhà đã dọn đi hết vì một người ở nơi khác đến mua lại toàn bộ.


Tôi không nhớ nổi ngày còn ở đây, gia đình tôi có mối tình thân đặc biệt với nhà nào trong phố. Mặc dù mẹ tôi là một bác sĩ chuyên khoa nội nhi khá nổi từng điều trị thành công khắp lượt cho rất nhiều người, trong số đó có trường hợp cấp cứu bệnh hiểm nghèo. Cảm kích, rất trọng nể đấy, nhưng thân thiết chỉ mức độ. Sau khi chuyển đi, bố tôi vẫn tiếp tục về phường cũ lĩnh lương hưu một thời gian dài nữa. Ông kể lại, lần ấy gặp những hàng xóm một thời, có biết thêm thông tin về biến động trong một vài gia đình ở phố, nhưng cảm giác chung toát lên là sự rời rạc, chừng mực. Ngần ấy năm, hình như cũng không ai đến thăm gia đình tôi ở nơi ở mới chỉ cách phố cũ khoảng 15 phút đi xe máy. Gọi thế là sự hờ hững cũng không sai. Nhưng có một lần, tình cờ gặp lại một chị cùng phố cùng đi thăm người nhà nằm viện, chị rôm rả buôn chuyện về các nhân vật từng quen thuộc với tôi từ bé như thể tôi chưa bao giờ chuyển đi. Hay vài lần khác, bất chợt gặp tôi ở quán cà phê, một nhân vật ngày bé tôi coi là đàn anh đã kể lể về bệnh tật, con cái như thể đương nhiên tôi phải biết những diễn biến đó. Vậy có lẽ chính bản thân tôi không mặn mà mới đúng.

Điều này khác hẳn với những thâm tình cố kết mà tôi đã từng chứng kiến ở những khu tập thể có bạn bè cùng lứa. Họ là giáo viên của một trường, một viện, cán bộ của một bộ hay một cơ quan nào đó. Ngoài hàng xóm láng giềng, họ còn tình đồng nghiệp, đồng thời có thể là bạn chiến đấu, hay đồng hương cùng ra Hà Nội học tập, lập nghiệp. Từ cái gốc ấy, nếu xa cách rồi gặp lại thì sự vồ vập có thể hơi thái quá, nhưng đồng thời cũng đem cảm giác ấm áp, ít nhất cũng ở vẻ bề ngoài.

Hay như cậu em tôi hiện ở chung cư của quân đội. Những ngày cuối tuần, trong chung cư vẫn rất rộn ràng, rủ nhau đánh đụng thịt lợn "cắp nách", nhà này ở quê ra có thể mang biếu chục trứng, hay những thứ lẩm cẩm khác nhưng thành của quý ở Hà Nội trong thời buổi người ta hay nghi ngại thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh. Cậu em tôi còn tình nguyện nhận chuyên trách mua giúp rau sạch, măng và thịt cho những hộ ở cùng tầng vì có nguồn cung cấp tin cậy, giá cả phải chăng.

Môi trường sống thuần lành, quan hệ cộng đồng chặt chẽ, đậm đà kiểu như cậu em tôi được hưởng thụ chính là sợi dây kết nối, tạo dựng tình nghĩa không dễ có. Dù ghen tỵ nhưng ở một khía cạnh khác, tôi cũng cho rằng, phố dù không nồng hậu thì cũng là một phần đời của tôi, với ký ức còn lưu giữ. Vì thế, nhiều lúc tôi đã tự nhủ nếu có dịp trở về mà thấy phố không đợi ta thì đâu có phải điều gì quá bất ngờ. Viết đến đây, tôi liên tưởng đến ca từ của nhạc sĩ Phú Quang phỏng thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Anh đã là một chàng trai với màu tóc khác/Riêng năm tháng cuộc đời, vẫn như ngày xưa...". Và chợt bật cười với ý nghĩ thú vị rằng, ngộ được ra như thế là phải chăng tôi đã ít nhiều có được "bản lĩnh thị dân" không nhỉ?