Ngộ độc rượu methanol: Tứ bề thiệt hại

Tại buổi tọa đàm "Ngộ độc rượu Methanol thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Bia- Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức sáng 23/3 ở Hà Nội, các tham luận đều cho thấy chúng ta đã đủ luật, song cách phố

Tọa đàm được tổ chức nhằm tích cực triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn thực phẩm với sản phẩm rượu tại Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2017 và của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu tại Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14 tháng 3 năm 2017 và góp phần nâng cao nhận thức nhằm ngăn chặn mối đe dọa đối với sức khỏe người tiêu dùng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất chân chính.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Aroma - đơn vị sản xuất rượu Vodka Men cho biết, mặc dù từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất và kinh doanh rượu, trong đó có quy định toàn bộ rượu sản xuất và tiêu thụ trong nước (bao gồm cả sản phẩm của các làng nghề, các hợp tác xã, các tổ chức và cá nhân sản xuất rượu thủ công) phải được dán tem và đăng ký công bố hợp quy về chất lượng. Song đến nay, con số đáng “khủng” 80% lượng rượu được tiêu thụ trên thị trường không được dán tem thuế đã cho thấy cần phải có những chính sách, quy định theo kịp cuộc sống hơn nữa. 80% lượng rượu tiêu thụ trôi nổi cũng đồng nghĩa với việc có một lượng rượu rất “khủng” đang không được kiểm soát chất lượng, cũng như Nhà nước thất thu một khoản tiền thuế rất lớn

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 thừa nhận, sự phối hợp giữa các bộ ngành vẫn chưa chặt chẽ. Ông Hùng cũng khẳng định trong việc quản lý rượu, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý thị trường mà còn là của cả Bộ Công Thương, Bộ Y tế vì các cơ quan này đều có thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt, trách nhiệm quản lý, giám sát của người đứng đầu chính quyền cơ sở là rất lớn, ông Hùng nhấn mạnh.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho rằng, hệ thống chính sách, quy định của pháp luật về ATTP và sản xuất kinh doanh rượu ở nước ta đã có tương đối đầy đủ, vấn đề là thực hiện ra sao. Cụ thể, theo Luật ATTP, rượu thuộc nhóm hàng hóa được nhà nước hạn chế kinh doanh, không khuyến khích sản xuất kinh doanh. Hoạt động sản xuất kinh doanh rượu là sản xuất kinh doanh có điều kiện, vì nó là thực phẩm liên quan đến sức khỏe con người.

“Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Cũng theo luật, rượu là sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được đăng lý bản công bố hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận… Như vậy, nếu cơ sở sản xuất rượu không có giấy phép, lại không có công bố hợp quy thì vi phạm pháp luật tới 2 lần” – TS Nguyễn Phú Cường phân tích.

Cũng theo ông Cường, theo quy định pháp luật, tất cả các sản phẩm rượu đều bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm, thành phần cấu tạo, định lượng sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, giấy tiếp nhận công bố hợp quy… Đối với rượu nhập khẩu, bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra, theo Nghị định 94 của Chính phủ thì muốn sản xuất kinh doanh rượu phải theo quy hoạch và có kiểm soát.

“Trước hết, cần hiểu rõ, methanol không được định nghĩa là rượu, đây chỉ là một thành phần gây hại không mong muốn có thể có trong rượu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ngộ độc rượu là do cồn công nghiệp, không phải do rượu tự nấu. Vì thế, vai trò chính là phải từ chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền bảo, ngăn chặn các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh rượu để bảo vệ người tiêu dùng” – ông Cường nói.

Rõ ràng, từ xưa đến nay, người dân vẫn có thói quen uống rượu nấu như vậy tại sao không ngộ độc methanol như tình trạng gần đây, nguyên nhân chính là do rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào chứ không phải cứ rượu tự nấu là gây ngộ độc. Vì thế, các đại biểu cho rằng điều cấp bách trước mắt là phải quản lý được cồn công nghiệp hoặc chí ít cũng phải có giải pháp tạm thời như bắt buộc cồn công nghiệp phải pha màu xanh để không thể cho vào rượu được.