Người quyết liệt với cải cách hành chính

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự đoán, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Khóa XIV, đầu tháng 5 năm 2016, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tinh thần chỉ đạo điều hành của Chính phủ mới là tập trung vào kiến tạo phát triển, phục vụ người dân doanh nghiệp.

Tinh thần đó lan tỏa đến các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Giải phóng sức sản xuất đã trở thành tinh thần chủ đạo của toàn ngành khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Công Thương tháng 5 năm 2016 tại 3 điểm đầu cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Theo sát chân ông tại các hội nghị, họp giao ban hay xuống làm việc trực tiếp tại đơn vị mới cảm nhận và hình dung phần nào sự quyết liệt của một người đang chạy đua với thời gian để bắt kịp những cơ hội mở hướng đột phá cho ngành, cho xã hội.

Có lẽ trong số các tân bộ trưởng của Chính phủ nhiệm kì này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là người chịu áp lực nặng nề nhất, từ giá dầu thô giảm sâu; những thị trường xuất khẩu chính của nước ta đang chật vật thoát ra khỏi vũng lầy giảm phát; sự cạnh tranh gay gắt về giá, về nguồn cung ở những mặt hàng có thế mạnh nước ta như nông sản, dệt may… đến những bất cập nội tại của ngành như công tác cán bộ, những dự án quy mô nghìn tỷ đang gặp khó khăn, những quy định vấp phải sự phản ứng nhiều chiều của doanh nghiệp…

Trong muôn ngàn khó khăn cấp tập từ bên trong và bên ngoài, ông chọn cải cách hành chính (CCHC) làm khâu đột phá. Lần đầu tiên chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến (tháng 5 năm 2016) trên cương vị tư lệnh ngành, ông đã chỉ ra 5 nhiệm vụ đến cuối năm, trong đó có tới 3 nhiệm vụ liên quan tới CCHC. Đó là: Quyết liệt CCHC; đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng như các đề án, chiến lược, quy hoạch; tập trung đánh giá hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thời gian qua.

Trong CCHC, ông đưa ra 2 thước đo khi nhấn mạnh: “Cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công Thương mà còn phải đo bằng sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp”. “Thứ hạng” là phải thực hiện tốt 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần, theo chuẩn “form” mà Bộ Nội vụ đã dày công soạn thảo, thể hiện sự chuyên nghiệp của tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, thước đo thứ hai “sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp” là đích đến của mọi cuộc CCHC.

Thước đo thứ hai là hoàn toàn cần thiết, bởi trong thực tế, có khi cơ quan công quyền thực hiện chuẩn “form” một cách cứng nhắc, cũng sẽ khiến người dân, doanh nghiệp không thực sự cảm thấy hài lòng. Việc thực hiện cùng lúc 2 thước đo, giúp cho bộ máy hành chính và công chức tăng cường tương tác với người dân và doanh nghiệp hơn trong thực thi công vụ.

Với thước đo thứ hai, những tháng cuối năm 2016, nhiều qui định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính đã được Bộ Công Thương dỡ bỏ, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cụ thể như: Bãi bỏ Thông tư 20, quy định xe mới chỉ được phép bán cho người tiêu dùng khi kèm theo chế độ bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất; Bãi bỏ Thông tư 37 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may; Sửa đổi quy định về khai báo hóa chất tại Thông tư 40; Ban hành Thông tư 24/2016/TT-BCT quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; Ban hành Thông tư 36 thay thế Thông tư 07 năm 2012; theo đó đã bãi bỏ những qui định bất hợp lý, không còn phù hợp như quy định cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng cho từng lô hàng nhập khẩu, chỉ định tổ chức kiểm nghiệm. Đầu năm 2017, ông ký bãi bỏ Quyết định số 6139 năm 2013 quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo.

Tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, ông yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chức năng đi thẳng vào những vấn đề cụ thể để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó khơi dậy và mở rộng năng lực sản xuất trong nước, khơi thông thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Ở một hội nghị, khi một số liệu báo cáo được đưa ra, hiện đã có bao nhiêu tỉnh phủ sóng 100% cây xăng có bán xăng E5, bao nhiêu tỉnh phủ sóng 50%... ông đã dùng quyền của chủ tọa cắt ngang rằng, sự hiện hữu của các cây xăng E5 không xác thực bằng chuyện có bao nhiêu lít xăng E5 được bán ra thị trường, và yêu cầu đơn vị chức năng liên quan phải đi thực địa kiểm tra.

Cũng chuyện xăng E5, một vấn đề khác được nêu lên, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn, ông “sốt ruột” đặt câu hỏi, ngoài “chuyện công thức” ra, có câu chuyện về thị trường hay không? Và cũng yêu cầu đơn vị liên quan kiểm tra lại.

Ở các cuộc họp, hội nghị, ông cứ trở đi trở lại yêu cầu: lãnh đạo các đơn vị phải tập trung rà soát đánh giá về mặt thể chế; cũng như cơ chế chính sách. Tất cả mọi năng lực, nguồn lực của bộ máy hành chính phải hướng đến hoàn thiện môi trường kinh doanh; lấy phục vụ doanh nghiệp, người tiêu dùng là yêu cầu cao nhất.

Mặc dù sốt ruột, song ông biết rằng, bộ máy hành chính, cùng với “thói quen” vận hành của nó không ngày một ngày hai mà có. Vì thế, để tạo ra một quán tính mới, quán tính dựa trên triết lý kiến tạo, phát triển, ông không chỉ giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị mà còn chỉ đạo thống kê, đo lường khối lượng, tiến độ thực hiện. Tại một cuộc họp ngày 6 tháng 6, hẳn nhiều thủ trưởng đơn vị phải giật mình khi ông yêu cầu Cục trưởng Cục Thương mại điện tử thống kê số đơn vị đã thực hiện Quyết định 2226 (mới có hiệu lực 4 ngày trước đó) về sử dụng hệ thống xử lý văn bản điện tử (iMOIT), đồng thời nêu đích danh những đơn vị chưa thực hiện.

Đến nay, việc thống kê, đo lường đã trở thành nề nếp. Trong Báo cáo tổng kết công tác CCHC năm 2016 của Bộ Công Thương có 4 phụ lục, liệt kê 53 đầu mục/nhiệm vụ đã làm, chi tiết tới từng số phần trăm nhiệm vụ.

Thống kê, đo lường đi liền với rà soát, hệ thống hóa từng lĩnh vực của CCHC mà ông yêu cầu phải hướng tới phục vụ người dân, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, thống kê, đo lường đã gắn liền với rà soát, hệ thống hóa rồi, còn phải gắn với thông tin, tuyên truyền rộng rãi để công chúng rõ rằng, mục tiêu cuối cùng không phải là cắt giảm bao nhiêu thủ tục hành chính, mà là cần phải làm thế nào để các thủ tục hành chính Đơn giản - Phù hợp - Hiệu quả - Thuận tiện cho doanh nghiệp.

Thống kê, đo lường đi liền với đánh giá chất lượng CCHC của đơn vị và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Những ngày đầu trong tháng 12 vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ đã đi kiểm tra đánh giá 9 đơn vị. Việc đánh giá dựa trên cơ sở “thực làm” nên đã có sự chuyển biến tích cực. Thủ trưởng và công chức, viên chức các đơn vị đều thấm nhuần tư tưởng về bộ máy hành chính phục vụ, nên suốt nhiều tháng qua đã rà soát, hệ thống hóa các thủ tục hành chính để trình ông ký quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay.

Cùng với việc rà soát, cải cách thể chế, ông mạnh tay tinh giản bộ máy hành chính. Nhiều năm kinh qua các đơn vị công tác ở trung ương, địa phương, ông hiểu rằng, bộ máy hành chính không tinh gọn, mạnh mẽ, thông suốt, sẽ khó kiểm soát có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính hay cải cách tài chính công; bộ máy hành chính cồng kềnh cũng là rào cản đến công tác chỉ đạo, điều hành, đến nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, đến hiện đại hóa nền hành chính, v.v…

Bộ máy cồng kềnh của Bộ Công Thương là câu chuyện mang tính lịch sử. Bộ này được hợp nhất từ 8 bộ, bao gồm các Bộ: Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Cơ khí và Luyện kim, Năng lượng, Vật tư, Ngoại thương, Nội thương, Thương nghiệp, và có đến 32 trường đào tạo thuộc các bộ.

Giải quyết bài toán lịch sử này, ông đã ký quyết định lấy ý kiến về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trong Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công Thương từ 35 đầu mối hiện nay sẽ giảm xuống còn 28 đầu mối.

Việc sáp nhập các Vụ, Cục, Viện dẫn đến nơi này nơi kia có thể có những “tâm tư”, song điều quan trọng là thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi từ cục, vụ, viện, mọi người đã nhận thức được rằng, câu chuyện tinh giản bộ máy hành chính “nó sẽ như thế và nó phải như thế”.

Mục tiêu cải cách tổ chức bộ máy hành chính mà ông đưa ra không chỉ nhằm cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, mà còn hướng tới góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ Công Thương, và khẳng định: “Cải cách hành chính Bộ Công Thương làm tốt nhất. Số đầu mối giảm, biên chế giảm. Đặc biệt, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp được Bộ Công Thương làm hết sức tiến bộ và ấn tượng”.

Đánh giá của người đứng đầu Chính phủ có thể khiến ông rất vui, song những trăn trở thì chắc còn. Bởi lẽ, với bất cứ người thủ trưởng đơn vị nào, phía trước luôn có những mục tiêu đang vẫy gọi.