Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các DNNVV

Lực lượng DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. DNNVV là nơi có nhiều sự sáng tạo, trí tuệ, tạo ra giá trị gia tăng mới cho đất nước, nền kinh tế.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trong Hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và kinh nghiệm từ Nhật Bản được tổ chức vào sáng 2/3/2017 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, hiện số lượng DNNVV ở Việt Nam khoảng 600.000 doanh nghiệp (DN), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp này chiếm 41% nguồn thu ngân sách, chiếm 78% lao động và đóng góp 49% GDP. Chính vì vậy, lực lượng DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. DNNVV là nơi có nhiều sự sáng tạo, trí tuệ, tạo ra giá trị gia tăng mới cho đất nước, nền kinh tế. Quan trọng hơn, là họ đang tạo ra tới hơn 70% công ăn việc làm cho xã hội.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng cho rằng, khối DNNVV đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, Hội thảo này nhằm trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hướng tới sự hợp tác, hỗ trợ các DNNVV một cách hữu hiệu hơn.

.


Tại Hội thảo, ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài thuộc Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) khẳng định “DNNVV luôn đóng vai trò quan trọng, được xác định là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản”.

Theo ông Hiroshi Arai, Nhật Bản là quốc gia sớm quan tâm, hình thành hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, ngay từ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn tập trung vào các nội dung thiết thực về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ, phương án tài chính…để có thể ra đời, hoạt động một cách hiệu quả.

Để hỗ trợ các DNNVV của Nhật Bản phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã trải qua 3 lần sửa đổi luật cơ bản về DNNVV, bao gồm: Luật cơ bản về DNNVV, Luật hiện đại hóa về DNNVV và Luật hướng dẫn DNNVV. Theo ông Hiroshi Arai, sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng...

Các chuyên gia Nhật Bản cũng nhận định rằng, nếu không có các DNNVV hoặc các đơn vị thuộc khu vực này hoạt động không tốt thì các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ không có chỗ dựa vững chắc. Đặc biệt, nếu DNNVV phát triển bền vững sẽ là nơi cung cấp việc làm, đối với người lớn tuổi, đối tượng làm việc bán thời gian,…

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích họ tập trung vào hoạt động cải tiến, sáng tạo; phát triển sản phẩm mới…

Nhìn vào thực tế của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản đánh giá, các DNNVV Việt Nam nhìn chung phát triển ở mức độ thấp, bộc lộ nhiều điểm yếu về năng lực quản lý, nhất là công nghệ và tình trạng thiếu vốn. Hiện, doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam mới chỉ được các DNNVV Việt Nam cung cấp 34% tổng nhu cầu về linh kiện và điều này đã gây khó khăn, thiếu chủ động cho doanh nghiệp Nhật Bản khi thực hiện mục tiêu nội địa hóa sản phẩm.

Để khắc phục những khó khăn hiện có của các DNNVV tại Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, Việt Nam cần hình thành hệ thống chính sách (hệ thống luật), cơ chế hỗ trợ DNNVV như : Hỗ trợ tài chính, tư vấn, hướng dẫn kinh doanh...

Bên cạnh đó, các DNNVV cần công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin hoạt động của mình, chủ động hợp tác hoặc kêu gọi sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi có nhu cầu, cố gắng thu xếp tài sản thế chấp khi muốn vay vốn ngân hàng, tăng cường tiếp nhận thông tin, tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia ...

Được biết, hiện  Bộ Kế hoạch và Đâu tư đã chuẩn bị, tiến tới trình Chính phủ Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp. Dự thảo gồm 4 chương, 40 điều với các quy định cụ thể nhằm hỗ trợ các DNNVV phát triển phù hợp với định hướng đổi mới mô hình, tăng trưởng và tham gia vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...


Hoàng Hòa