Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP

Trong 10 đối tác thương mại thuộc CPTPP, Việt Nam có trao đổi thương mại lớn nhất với Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 4 trong tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ buôn bán hàng hóa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2/2018, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 14,3% so với cùng kỳ 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chính đều có sự tăng trưởng khá là dệt may đạt 537 triệu USD; phương tiện vận tải đạt 365,2 triệu USD; máy móc thiết bị gần 259 triệu USD…

Ở lĩnh vực nhập khẩu, hết tháng 2, cả nước chi 2,705 tỷ USD nhập khẩu hàng từ Nhật Bản, tăng gần 17% so với 2 tháng đầu năm 2017. Mặt hàng nhập khẩu chính là máy móc, thiết bị với kim ngạch 675 triệu USD; kế đến là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện gần 392 triệu USD; sắt thép hơn 203 triệu USD… Như vậy, hết tháng 2 nước ta bị thâm hụt thương mại nhẹ (khoảng 5 triệu USD) từ Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong CPTPP

Ngay sau khi CPTPP được ký kết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một báo cáo về những lợi ích kinh tế và thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. WB cũng đưa ra đánh giá lạc quan khi cho rằng, Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập.

WB dự báo CPTPP giúp tăng trưởng đầu tư nước ngoài và kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động tại Việt Nam. Nhờ đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, WB cũng chỉ ra rằng, với CPTPP, mức thuế xuất nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường CPTPP sẽ giảm mạnh từ 1,7% xuống 0,2%.

Trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Đầu tư tăng nhờ các lợi ích tiềm năng của CPTPP có thể làm cho xuất khẩu ít phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hơn, thay vào đó sẽ dựa nhiều hơn vào chuỗi cung ứng trong nước để khắc phục các hạn chế của quy tắc xuất xứ.

Phản ứng này được WB cho là sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng, khuyến khích các công ty tư nhân trong nước hội nhập tích cực hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và do đó thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo dự báo của World Bank, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày so với kịch bản cơ sở.

Ông Sebastian Eckardt dự báo, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày so với kịch bản cơ sở

Mặc dù tất cả các nhóm thu nhập dự kiến sẽ được hưởng lợi, nhưng mức lợi ích đạt được sẽ cao hơn ở nhóm lao động trình độ cao thuộc top 60% nhóm phân bổ thu nhập cao nhất. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn vốn con người để tận dụng đầy đủ lợi ích từ Hiệp định.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế World Bank tại Việt Nam cho rằng, thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam.

“Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, đại diện World Bank nhận định.

Hạ Vũ