Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mở rộng hoạt động kinh doanh

“Trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng”.

Đây là thông tin được ông Atsusuke Kawada Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết trong buổi công bố “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam” tại Hà Nội vào sáng 14/2/2017.

Theo ông Atsusuke Kawada, khoảng 88% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là tăng trưởng doanh thu và Việt Nam có khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao trong công nghiệp phi chế tạo.

Cũng theo ông Atsusuke Kawada, kết quả của cuộc khảo sát này dựa trên kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 10 – 11/2016 của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương. Trong đó, có 1,285 doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam và 639 doanh nghiệp có câu trả lời hợp lệ.

Ông Atsusuke Kawada Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội khẳng định, Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng

Theo khảo sát của JETRO, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản trả lời có lãi chiếm trên 60% với 62,8% (tăng 4,0% điểm so với năm trước). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp thì trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia ciing xuất khẩu (EPE) và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu (Non EPE) trả lời có lãi lần lượt là khoảng 59% và 62%.

Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang được cải thiện, Việt Nam xếp thứ 4 trên tổng số 15 quốc gia về “Tình hình chính trị xã hội ổn định”, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao “Quy mô thị trường, tính tăng trưởng”, “Chi phí nhân công rẻ” của Việt Nam.

Tuy nhiên, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng "Chi phí nhân công tăng cao" (58,5%), khoảng 40% doanh nghiệp nhận thấy "Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện" (44,4%) và "Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp" (41,8%) là vấn đề rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 15 quốc gia có "ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém, chưa phát triển" với 34,9% ý kiến doanh nghiệp.

Cầu Nhật Tân - biểu tượng quan hệ gắn bó Việt Nam - Nhật Bản (ảnh sưu tầm)

Trả lời báo chí về vấn đề trong năm 2016, Nhật Bản đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam nhưng đa số là những dự án thấp, quy mô nhỏ, ông Atsusuke Kawada cho rằng, kể từ năm 2011, nền kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là việc suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến vốn đầu tư của nước này vào Việt Nam bị suy giảm. Trong năm 2014, Nhật Bản đầu tư 436 dự án và trong năm 2016 Nhật Bản có tới 549 dự án đầu tư Việt Nam. Đây là con số lớn trong số các nhà đầu tư nước ngoài. Con số này cho thấy Nhật Bản rất coi trọng thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, “Những năm gần đây, số lượng dự án của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên so với trước kia. Văn phòng JETRO đã bận rộn hơn nhiều, thường xuyên nhận được đề nghị tư vấn đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Atsusuke Kawada chia sẻ thêm.


Hoàng Hòa