Những bản sao nhạt nhẽo

Chẳng biết từ bao giờ, những lai căng nửa mùa đang làm méo mó đi nhiều văn hóa, tập tục gốc của Tây Nguyên.

Sự "sao chép" thiếu hiểu biết tưởng chừng như vô hại, nhưng người ta không biết rằng nó đang làm nhạt nhẽo dần đi những mảng màu nguyên thủy của vùng đất giàu bản sắc này.

Lam. Vốn dĩ nó là động từ, và xuất hiện ở miền núi phía Bắc, hình như là từ người Mường hoặc Tày. Nó là cách nấu của cái thời đồ đồng, đồ sắt, đồ nhôm… chưa xuất hiện. Người ta dùng ống nứa bánh tẻ, cho gạo vào lam thì thành cơm, cho thịt vào lam thì thành thịt nướng…

Và như thế "lam" là động từ, là một cách chế biến, gần như từ nấu của người Kinh, chứ nó không phải là danh từ để chỉ món cơm chúng ta thi thoảng được ăn như hiện nay, như một đặc sản.

Và nói thật, món cơm lam phía Bắc rất ngon. Bởi nó là gạo nếp nương, là ống nứa bánh tẻ rất thơm và mịn, khi tước ra để lại cái vỏ lụa trắng bong bao lấy thỏi cơm ngật ngưỡng nhìn đã muốn cắn.

Đồng bào Tây Nguyên cũng nấu cơm trong ống nứa như vậy, nhưng không gọi là lam, mà người Jrai gọi là "Asơi Brông", tức là vùi vào lửa, nếu nấu thịt chuột như thế thì lại là "Anhăm tơkuih Brông", "Anhăm Brông" là từ diễn tả một món ăn được nấu trong ống họ tre nứa (ở Tây Nguyên chủ yếu là Lồ ô chứ nứa rất ít...).

Người ta dùng ống nứa bánh tẻ, cho gạo vào lam thì thành cơm

Nhưng bây giờ từ cơm lam lại được người ta sử dụng thông dụng ở Tây Nguyên nhằm để chỉ món cơm nấu bằng ống nứa hoặc lồ ô và trở thành đặc sản du lịch. Có đến mấy nhà hàng gà nướng cơm lam đang trở nên rất HOT ở Pleiku và khắp Tây Nguyên. Một số nhà hàng khác thì có món dê nướng lồ ô, cũng là một cách "lam" vậy.

Người ta ồ ạt viết, ồ ạt gọi tên, ồ ạt tán thưởng cơm lam mà không biết lam là gì, cứ tưởng đấy là món đặc sản Tây Nguyên. Sở dĩ phía trên tôi nói cơm lam của người vùng núi phía bắc rất ngon, bởi cơm lam của người Tây Nguyên không thể ngon bằng. Bởi gạo dẻo của người Tây Nguyên không thơm và dẻo như nếp nương. Cái ống lồ ô cũng không thơm và dẻo như ống nứa.

Trong khi cơm lam phía Bắc chỉ cần dùng tay tước thì ăn cơm lam Tây Nguyên rất dễ đứt tay và miệng nếu dùng tay và miệng tước. Người ta phải cầm ống cơm đập rất mạnh vào cạnh bàn cho ống lò ô dập ra rồi tước, và như thế thì cơm không bao giờ còn nguyên thỏi. Bởi người Tây Nguyên có lam đâu, họ nướng gạo, đơn giản thế thôi.

Cũng như thế, bây giờ nhiều thứ ở Tây Nguyên đang bị hiểu sai, vô tình hay cố tình chả biết, nhưng rất tai hại.

Thấy người Tây Nguyên có nhà rông, thế là ồ ạt dự án nhà rông văn hóa cho Tây Nguyên, kết cục là, bây giờ gần như 100% nhà rông văn hóa ấy bỏ không, trong khi bà con vẫn không có nhà rông để dùng. Hàng nhiều tỉ đồng bay theo nóc nhà rông.

Nghe nói có "lễ hội đâm trâu" thế là nhiều người đề nghị phục dựng, nhiều người mang ra "làm lễ" giữa thanh thiên bạch nhật, trước hàng vạn người rất phản cảm. Trong khi thực tế, đâm trâu hoàn toàn không phải là lễ hội, mà nó chỉ là một thành tố của lễ hội. Cũng như cồng chiêng không phải là lễ hội mà nó cũng chỉ là một thành tố (quan trọng) của lễ hội.

Ngoài ra việc đưa đâm trâu (ăn trâu chính xác hơn) vào tham gia như một đặc sản du lịch sẽ gây phản ứng ngược, dù với tư cách người cầm bút tôi đã rất nhiều lần bảo vệ việc ăn trâu, rằng nó không dã man như khi người ta chứng kiến trước thanh thiên bạch nhật, con trâu bị đâm trước sự chứng kiến của hàng vạn người khi nó bị trói vào cây nêu.

Ăn trâu là hình thức dùng trâu để tạ ơn thần linh, và có rất nhiều hành xử rất nhân văn của con người với con trâu bị giết. Ví dụ đêm trước đấy, có một cái lễ khóc trâu, trước đấy nữa, những bó cỏ ngon nhất sẽ được dâng cho trâu. Còn khi hành lễ đâm trâu thì người ta làm trong lúc trời chưa sáng, chỉ có người già và thầy cúng.

Trong quá khứ đã vài lần người ta mang trâu ra đâm giữa sân vận động như một cách bảo vệ và phát huy bản sắc. Bảo vệ và phát huy đâu chả thấy, chỉ thấy sự ghê rợn.

Những cách hiểu máy móc, những áp đặt khiên cưỡng, cả những sự dốt nát và tham lam nữa, đang làm văn hóa Tây Nguyên xa dần cái gốc của nó.

Mà chả biết tại ai!