1. Chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở nhiều nơi trên thế giới

Năm 2016 chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy ở những quốc gia khác nhau, điển hình là ông Rodrigo Duterte đắc cử Tổng thống Philippines hồi tháng 5/2016 nhờ những chính sách dân túy với phát ngôn mạnh mẽ “Tôi chỉ có một ông chủ duy nhất là nhân dân Philippines”.

Xu hướng này cũng đang có những ảnh hưởng nhất định đến chính trị tại châu Âu và Hoa Kỳ. Đồng thời, đây cũng được coi là “điểm tựa” cho hàng loạt chính sách bảo hộ thương mại sẽ được đưa ra trong thời gian tới.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte: “Tôi chỉ có một ông chủ duy nhất là nhân dân Philippines”.

2. Người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu

Ngày 23/6/2016, sau cuộc trưng cầu dân ý, 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Anh lúc bấy giờ, ông David Cameron cũng từ chức và bà Theresa May lên thay. Bà Theresa May hứa rằng sẽ thực hiện Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để hoàn thành việc rời khỏi EU trước ngày 31/3/2017.

Ngày 3/11/2016, Tòa Thượng thẩm Anh đã ra phán quyết rằng Quốc hội nước này phải bỏ phiếu để xem xét có hay không bắt đầu tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Ngay lập tức Chính phủ Anh trong ngày 3/11/2016 đã tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của Tòa án tối cao Anh. Ngày 4/11/2016, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, thời hạn chót tháng 3/2017 khởi động các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu "vẫn không thay đổi" bất chấp phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh. Nếu Chính phủ Anh thành công trong việc kháng cáo phán quyết của Tòa Thượng thẩm, tiến trình Brexit sẽ được khởi động từ tháng 3/2017 như đã định. Nếu thất bại, Brexit sẽ không xảy ra. Song điều này được cho là khó xảy ra bởi nguyện vọng của phần đông cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, tiến trình “rời đi” của London được cho là sẽ kéo dài và phức tạp hơn dự kiến nhiều.

Brexit đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc giữa các cử tri nước Anh. Đại đa số cử tri trẻ tuổi tại Anh chọn ở lại EU với mong muốn có cơ hội đi lại, giao lưu, làm việc thuận tiện hơn. Trong khi đó, cử tri trung niên và cao tuổi chọn rời EU với mong muốn đưa nước Anh trở lại “những ngày xa xưa ấy”.

3. Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu căng thẳng hơn trong năm 2016

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu đã nhức nhối từ năm 2016 và càng trở nên căng thẳng hơn trong năm 2016. Từ tháng 2/2016, "tuyến đường Balkan" nối từ Hy Lạp đến Đức - con đường mà hàng trăm ngàn người di cư vẫn đi vào năm ngoái bị đóng cửa làm vỡ tan niềm hy vọng của nhiều di cư.

Một tháng sau đó, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận ngăn chặn dòng di cư đến châu Âu, đạt được thành công trong việc giảm số người vượt qua Biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tuy nhiên, dòng di cư tới Ý qua biển Địa Trung Hải vẫn đạt mức kỷ lục, và ít nhất 4.700 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

Ở Pháp, trại tị nạn "Rừng Calais" nổi tiếng gần cảng Calais cuối cùng cũng đóng cửa vào tháng 10, di dời khoảng 7.000 người ở đây vào các khu tập trung mới để thực hiện các thủ tục tiếp nhận hoặc trục xuất họ.

Thuyền chở người tị nạn được cảnh sát biển Italy cứu giúp trên biển Địa Trung Hải, trung bình mỗi thuyền tị nạn chở từ 100 đến 250 người (Nguồn: Internet)

4. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc gia nhập rổ tiền tệ của IMF

Ngày 01/10/2016, Trung Quốc đón mừng sự kiện đồng nhân dân tệ (NDT) chính thức gia nhập rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sánh ngang cùng với các đồng tiền mạnh khác như Đô la Mỹ, Euro, Yên Nhật và Bảng Anh, với quyền số sau đây: USD chiếm 41,73%, Euro (30,93%), NDT (10,92%), Yên Nhật (8,33%) và Bảng Anh (8,09%). Như vậy đồng NDT đứng thứ 3 về quyền số khi tính đồng SDR, cho thấy tương quan lực lượng rõ nét giữa các đồng tiền này trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Sự kiện này cũng gây ra những phản ứng khác nhau trên thị trường quốc tế… Đây là những loại tiền tệ các nước có thể nhận được thông qua các khoản vay của IMF.

Theo nhận định của IMF, quyết định này phản ánh ghi nhận của IMF đối với những tiến bộ trong việc cải cách tiền tệ, ngoại hối của Trung Quốc, các hệ thống tài chính, và thừa nhận những tiến bộ trong tự do hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng của thị trường tài chính của mình.

5. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc với sự đắc cử của ông Donald Trump

Chiến thắng ngoạn mục và bất ngờ của ông Donald Trump đã đánh dấu mốc quan trọng khi nước Mỹ sẽ có một vị Tổng thống đầu tiên xuất thân từ giới doanh nhân. Theo kế hoạch, ông Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2017 sau khi Tổng thống đương nhiệm Barack Obama mãn nhiệm.

Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã nhanh chóng nhận được những phản hồi từ khắp thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng hợp tác với ông Donald Trump nhằm phát triển một mối quan hệ Trung - Mỹ lâu dài, vững mạnh và ổn định vì lợi ích cơ bản của người dân hai nước cũng như kỳ vọng chung của cộng đồng toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ hy vọng sẽ hợp tác để đưa quan hệ Nga - Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, cũng như để giải quyết các vấn đề quốc tế và tìm kiếm những câu trả lời hiệu quả cho các thách thức an ninh toàn cầu hiện nay. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp riêng với ôngDonald Trump và nhấn mạnh Mỹ và Nhật Bản là những đồng minh không thể lay chuyển dựa trên những giá trị chung như tự do, dân chủ, các quyền cơ bản của con người và pháp luật.

Sau nửa đầu năm tăng trưởng khá mờ nhạt, kinh tế Mỹ sôi động hơn trong quí III/2016 và được dự báo sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2016. Chi tiêu dùng đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ với khẩu hiệu tranh cử “Hãy làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa” . (Nguồn: wsj.com)

6. OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng lần đầu sau 15 năm

Các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 10/12/2016 đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2001 nhằm xoa dịu tình trạng dư thừa nguồn cung sau hơn hai năm giá dầu thấp, vốn đã gây áp lực lên ngân sách chính phủ và châm ngòi cho những bất ổn tại một số quốc gia.

Theo thỏa thuận, các nhà sản xuất dầu mỏ ngoài khối OPEC đã nhất trí giảm sản lượng 558.000 thùng dầu mỗi ngày. Con số này mặc dù vẫn thấp hơn mức mục tiêu đề ra ban đầu là 600.000 thùng/ngày song vẫn là mức lớn nhất được ghi nhận tại các quốc gia ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ. Trong đó, Nga sẽ cắt giảm 300.000 thùng/ngày.

Lần đầu tiên sau 15 năm, các nước thành viên khối OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác (Nguồn: cnn.com)

7. Thông điệp liên bang lần thứ 13 của ông Putin: Quyết tâm vực dậy nền kinh tế Nga

Chiến tranh lạnh với Phương Tây có thể sẽ chưa sớm chấm dứt khi cả hai phía đều chưa có động thái nhượng bộ. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lệnh cấm với một số mặt hàng thực phẩm phương Tây có lợi cho kinh tế Nga và do đó nên được duy trì “lâu nhất có thể”. Theo ông Putin, các lệnh cấm cũng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với các sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp hơn có mặt nhiều hơn trên thị trường. Điện Kremlin đã áp đặt lệnh cấm vận với sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và nguyên liệu thô của EU sau khi Brussels thông qua các lệnh cấm vận chống Nga năm 2014. Kể từ thời điểm đó đến nay, hai phía đã nhiều lần mở rộng và gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau.

Chiều 01/12/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc thông điệp liên bang trước Quốc hội. Đây là thông điệp liên bang thứ 23 trong lịch sử hiện đại nước Nga và là thông điệp thứ 13 của ông Putin, đặc biệt khi tập trung vào các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại, nhất là việc vực dậy nền kinh tế Nga. Đặc biệt, Tổng thống Putin thể hiện sự lạc quan lớn vào sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Nga trong năm 2017.

Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Về cơ bản nền kinh tế Nga bắt đầu hồi sinh, cơ cấu kinh tế từng bước thay đổi, và vẫn đang dịch chuyển đúng hướng, theo xu thế ngày càng tốt lên”.

8. EU kéo dài lệnh trừng phạt Nga đến giữa năm 2017

Ngày 15/12/2016, tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của lãnh đạo 28 nước thành viên EU trong năm 2016 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước đã đi đến nhất trí gia tăng các biện pháp chống lại Nga.

Theo đó EU sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính của Nga tới ngày 31/7/2017. Theo đó EU cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Crimea và mọi hoạt động đầu tư vào bán đảo này, cấm hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng như cấm xuất khẩu một số hàng hóa và dịch vụ cho Crimea.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014. Mỹ, EU cùng với các đồng minh cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhắm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Trong nội bộ các nước thành viên EU cũng đang có những bất đồng về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt Nga hay không. Một số nước thành viên EU đang muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để hạn chế những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Theo nhận định của các chuyên gia, không có quá nhiều quan ngại đối với tăng trưởng của khu vực EU trong năm 2017 nếu chính sách tiền tệ vẫn theo hướng hỗ trợ nền kinh tế, thị trường lao động cải thiện và chính sách tài khóa được nới lỏng hơn. Tuy nhiên chủ nghĩa dân túy có thể tác động lớn đến kết quả các cuộc bầu cử quan trọng tại khu vực này vào năm 2017 và biết đâu, có thể làm thay đổi diện mạo EU trong thời gian tới.

9. Những biến động lớn tại châu Mỹ La tinh

Tháng 7 năm nay, Peru bầu cựu Bộ trưởng Kinh tế Pedro Pablo Kuczynski, người theo đường lối cánh hữu làm Tổng thống.

Một tháng sau đó, Brazil cũng đặt dấu chấm hết cho 13 năm lãnh đạo của phe cánh tả bằng việc luận tội Tổng thống Dilma Rousseff với các cáo buộc liên quan vụ tham nhũng khổng lồ Petrobras. Phó Tổng thống Michel Temer đã lên thay thế bà Rousseff.

Ở Venezuela, những người phản đối Tổng thống Nicolas Maduro huy động hơn một triệu người xuống đường biểu tình hồi đầu tháng 9 nhằm gây áp lực đòi ông Maduro phải từ chức.

Thông điệp “bức tường biên giới Mỹ - Mexico” của chính quyền ông Donald Trump dù được đánh giá là “khó khả thi” nhưng sẽ vẫn tác động lớn đến các chính sách đối ngoại mới với các nước châu Mỹ la tinh. Về cơ bản, sẽ có những thay đổi không nhỏ về vấn đề nhập cư, việc làm, thương mại giữa các nước phía Nam châu Mỹ và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, bất ổn chính trị tại khu vực này có thể khiến các điều kiện kinh tế, xã hội trở nên khó lường hơn.

10. Chính sách tiền tệ mở rộng đã tới hạn

Chính sách tiền tệ mở rộng đã tới hạn trong năm 2016 và sẽ đổi chiều trong năm 2017. 8 năm áp dụng chính sách tiền tệ lỏng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) diễn ra đến nay có thể sẽ chấm dứt trong năm 2017, với tổng giá trị phát hành của 4 Ngân hàng Trung ương lớn nhất trên thế giới đã lên tới 18 nghìn tỷ USD, chủ yếu ở dạng trái phiếu Chính phủ. Trong khi các gói nới lỏng định lượng (QE) đã thành công trong việc duy trì thanh khoản ngắn hạn cho các thị trường, nó cũng dẫn đến những hệ lụy lớn về áp lực nợ và đầu cơ, kết quả là Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu đều chuẩn bị tăng lãi suất.

Ngày 14/12/2016, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm và dự tính sẽ có ba lần tăng tương tự trong năm 2017.

Bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong một phiên thảo luận về lãi suất đồng USD (Nguồn: Bloomberg)

Dự báo năm 2017

Năm 2016 các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, vương quốc Anh và nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Trung Quốc đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Năm 2017, kinh tế thế giới được dự báo khả quan hơn với trợ lực từ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) dự báo tại châu Á, kinh tế Nhật Bản có thể tăng trưởng 1% năm 2017, cao hơn so với mức dự kiến 0,7% trước đó. Năm 2018, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này dự kiến tăng trưởng 0,8%. OECD cũng khuyến cáo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức trên 2%. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 6,4% năm 2017, cao hơn so với mức 6,2% dự đoán trước đó. Nếu kinh tế Mỹ có thể hưởng lợi từ chính sách tăng cường chi tiêu công và cắt giảm thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,3% năm 2017, cao hơn mức dự kiến tăng 2,1% trước đó.

Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tăng trưởng 1,6% năm 2017 và 1,7% năm 2018. Đáng chú ý kinh tế Vương quốc Anh dự kiến tăng trưởng 1,2% năm 2017, cao hơn con số ước tính 1% trước đó, và 1% năm 2018.