Những vị khách của Bác Hồ trong Tết Bính Tuất 70 năm trước

Trong cái Tết Nguyên Đán đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tết Bính Tuất năm 1946, có nhiều vị khách quốc tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời thăm, tiếp kiến hay viết thư trao đổi. Qua đó, chú

Tối 30 Tết, ngày 1/2/1946, Người đi thăm, chúc Tết một số gia đình nghèo, gia đình nhân sĩ, trí thức, gia đình công chức, rồi đến thăm chúc tết Cố vấn Vĩnh Thụy ở đường Trần Hưng Đạo. Có một vị khách đặc biệt là người nước ngoài đầu tiên - Nhà báo Harold R. Isaacs của Tạp chí Newsweek - được Bác mời sang thăm rồi đích thân dẫn đi du Xuân trong đêm Giao thừa, đón Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Năm 1933, R. Isaacs chính là người chắp nối với Chernov, phóng viên Hãng thông tấn TASS, và thông qua hàng loạt sự giúp sức, bảo trợ của bạn bè quốc tế, gồm Paul V. Couturier (thành viên Đảng Xã hội Pháp), Tống Khánh Linh, nhà văn Lỗ Tấn... đã giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi cạm bẫy của mật vụ Pháp giăng ra ở Thượng Hải, đi sang Liên Xô trong một chuyến tàu hàng. Vì vậy, chỉ ngay sau ngày Độc lập vài tháng, nhân dịp năm mới, Bác Hồ, thông qua những người bạn Mỹ thuộc nhóm OSS, đã có thư mời R. Isaacs sang thăm Việt Nam.

Trên đường về Bắc bộ phủ, theo lời kể lại của R. Isaacs, không khí đoàn tụ, ấm cúng ngày tết của mấy gia đình ấy đã làm cho Người xúc động, trở nên trầm ngâm, lặng lẽ. R. Isaacs gặng hỏi mãi Người về gia đình, Người mới cho biết: “Tôi hiện không có gia đình, không có gì hết…”.

Ngày mồng Một Tết Bính Tuất, Người đến thăm thương, bệnh binh Pháp tại Bệnh viện Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108) và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức). Ngày mồng Ba Tết, Người thăm “Phiên chợ mười ngày” tổ chức tại Chùa Láng. Trong buổi gặp gỡ với đông đảo nhân dân mít tinh, Người nói về ý nghĩa của “Ngày Nam bộ kháng chiến”, biểu dương nhân dân Hà Nội đã tích cực ủng hộ đồng bào Nam bộ chống Pháp.

Hai sự kiện trên cho thấy, mặc dù thấu hiểu và khéo léo tuyên truyền cho toàn dân cảnh giác trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhưng Người vẫn giữ cách ứng xử nhân văn, khoan hòa với quân lính Pháp.

Ngày mồng Bảy Tết, tiếp viên tướng Pháp, R. Xalăng ở Bắc bộ Phủ, Người mềm dẻo bày tỏ thiện chí: “Ngài hãy tin ở tôi. Phần lớn người Đông Dương không bài Pháp. Rất tiếc là, những sự kiện ở Nam bộ và thái độ của Chính phủ Pháp đang khơi cái hố giữa các ngài và chúng tôi...”. Nhưng khi tướng R. Xalăng đề nghị “để quân đội Pháp vào lập lại trật tự” cho Việt Nam, Người thẳng thừng bác bỏ.

Trước khi chia tay, Người khẳng định lập trường trước sau như một của ta: “Chúng tôi muốn có quan hệ rất nhiều về kinh tế với Pháp. Chúng tôi muốn có những quan hệ rộng lớn nữa về văn hóa. Chúng tôi muốn có những cán bộ chuyên viên kỹ thuật người Pháp trên mọi lĩnh vực. Nhưng chúng tôi phải là chủ nhân trên đất nước chúng tôi...”.

Ngày hôm sau, Người tiếp L.Capuyt, đại biểu phái tả trong Đảng xã hội Pháp đến thăm. Người nêu rõ quan điểm của Việt Nam là kiên trì tránh mọi sự đụng độ với nước Pháp mới và kêu gọi Pháp hãy hiểu mong muốn của Người là “để đất nước Việt Nam, đàn ông và đàn bà được làm những công dân tự do”.

Ngày Rằm tháng Giêng, Người có cuộc gặp gỡ với J.Xanhtơny để thảo luận tiếp về những vấn đề chính trị để đi tới Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3. Hai bên đã đồng ý dùng chữ “Chính phủ tự quyết” thay cho chữ “tự do của Chính phủ” và “tự do trong Liên hiệp Pháp”.

Cùng ngày, Người gửi thư đến Tổng thống Mỹ H. Truman cảm ơn Tổng thống và nhân dân Mỹ “về sự quan tâm có lợi cho các dân tộc thuộc địa mà các đại diện của Ngài tại tổ chức Liên hợp quốc đã bày tỏ”.

Trong dịp Tết Bính Tuất 1946 ấy, Người còn có nhiều hoạt động liên quan đến cá nhân và tổ chức quốc tế, như: Gặp tướng Lơcléc, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Viễn Đông để trao đổi về một cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Pháp; gửi Công hàm tới Chính phủ các nước Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh, vạch rõ âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp đối với Việt Nam; gửi Lời cảm ơn tới nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số, kiều bào ở Lào, Xiêm, Trung Quốc và các đoàn thể đã gửi điện, thư và quà chúc Tết Người...

Những vị khách quốc tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời thăm, tiếp kiến hay viết thư trao đổi trong dịp Tết Bính Tuất 70 năm về trước đó, giúp chúng ta đã phần nào hình dung được trí tuệ mẫn tiệp và trái tim yêu thương, chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hiểu được phần nào vì sao trong suốt cuộc đời làm Cách mạng của mình, Bác Hồ lại có nhiều bạn bè thân thiết đến thế.