Những yêu cầu đối với chính sách điều hành gạo năm 2015

Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, phát triển bền vững, nhiều yêu cầu chính sách được đặt ra nhằm đối phó với khó khăn, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đồn

Đối với xuất khẩu

Với cách tiếp cận từ thị trường, hiện nay, Việt Nam đang chiếm ưu thế ở phân khúc thị trường gạo trắng thường, trong khi chưa phát triển các phân khúc thị trường có tiềm năng bao gồm gạo đồ, gạo thơm và gạo Japonica,… Gạo thơm có thị trường rộng lớn tại Trung Quốc, châu Phi. Gạo Japonica có thị trường chính tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Gạo đồ, có đặc tính thời gian nấu ngắn, dễ chuẩn bị và bảo quản, được ưa chuộng tại Nam Á, Trung Đông, Nam Mỹ, ngày càng phổ biến tại châu Âu, Mỹ, Canada và châu Phi. Phát triển sản xuất và thương mại các loại gạo này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường, xứng đáng với tiềm năng và lợi thế sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, hai nhóm giải pháp về sản xuất và thị trường được đặt ra:

Về sản xuất, tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại một số vùng chuyên canh phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là tại ĐBSCL. Tùy từng nhóm thị trường, xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, thị hiếu chung và ổn định nhất của thị trường đó; trong vùng chuyên canh, tăng quy mô sản xuất, xây dựng lại đồng ruộng, cải tiến hệ thống thủy lợi để sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn. Sử dụng hệ thống giống, kỹ thuật và quy trình canh tác, hệ thống chế biến, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn môi trường - xã hội tại từng vùng chuyên canh đáp ứng yêu cầu từng nhóm thị trường. Đối với các giống lúa thơm, phát triển sản xuất tại đất lúa chất lượng tốt và quy mô sản xuất bình quân hộ lớn tại ĐBSCL. Đối với gạo đồ, hỗ trợ tín dụng dài hạn, khuyến khích nhập khẩu công nghệ để các nhà chế biến nội phát triển hệ thống chế biến cho gạo đồ, thực hiện các chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài vào sản xuất - chế biến gạo đồ để nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn chế biến gạo nội địa. Đối với chủng loại gạo Japonica, đây là hướng đi để đến các thị trường cao cấp hơn, nhưng loại lúa này hạn chế về khu vực trồng nên cần nghiên cứu, quy hoạch và phát triển các vùng chuyên canh đặc biệt phù hợp cho sản xuất.

Định hướng xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho sự phát triển bền vững của xuất khẩu gạo đã được thể hiện rõ nét và bắt đầu trở thành tín hiệu cho thị trường. Ngay từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tiếp sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 606/QĐ-BCT ngày 21/01/2015 về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó quy mô vùng nguyên liệu sẽ tương ứng với thành tích xuất khẩu như sau:

Thành tích xuất khẩu (nghìn tấn/ha)

Quy mô (ha)

Năm đầu

Từ năm thứ 2 trở đi

<50

500

Mỗi năm tăng 300ha

50-100

800

500

100-200

1.200

800

>200

2.000

1.500

Tuy nhiên, làm thế nào để hiện thực hóa các quy định này lại là một bài toán lớn mà lời giải cần đến sự huy động nguồn lực rất lớn cả về đất, tài chính và nhân lực, với sự phối hợp của nhiều bộ, ban ngành và các địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu.

Về phát triển thị trường xuất khẩu, nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin và kết nối thị trường, hoàn thiện chuỗi cung ứng. Xu hướng khai thác cơ hội từ những thị trường trung chuyển và là nơi tập trung của các công ty quốc tế, công ty đa quốc gia như Hồng Kông, Singapore là một hướng đi mới cần khai thác.

Cụ thể, chính sách với từng phân khúc sản phẩm và thị trường như sau: Đối với chủng loại truyền thống là gạo trắng thường, cần tiếp tục tăng tỷ trọng loại gạo chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng loại gạo trên 15% tấm, tiếp cận các khách hàng có nhu cầu gạo chất lượng cao và hệ thống bán lẻ tại thị trường nhập khẩu. Đối với chủng loại gạo thơm, đa dạng hóa thị trường, xây dựng thương hiệu gạo thơm Việt Nam và phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu. Đối với chủng loại gạo đồ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu. Đối với gạo Japonica, do thị trường chính là khu vực Bắc Á và Mỹ, là những thị trường có rào cản thuế và kỹ thuật cao đối với lúa gạo nên cần có chiến lược nghiên cứu và phát triển thị trường tốt trước khi liên kết sản xuất với nông dân nhằm đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Xây dựng các chương trình nhằm khai thác hiệu quả của các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gạo phát triển thị trường mới. Ví dụ nếu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết, ngành gạo sẽ được hưởng lợi lớn hơn vì đối thủ cạnh tranh lớn hiện nay của Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu gạo là Thái Lan và Ấn Độ không tham gia đàm phán, do đó Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong xuất khẩu gạo nội khối TPP. Ngoại trừ Singapore và Malaysia đang là hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu sang 9 nước còn lại trong TPP hiện chỉ chiếm 1,6% nhu cầu nhập khẩu gạo của các quốc gia này, nên vẫn còn dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Khi tham gia TPP, thuế đối với gạo Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này có thể giảm từ 17 - 20% hiện nay xuống còn 0%, nên khả năng cạnh tranh với gạo từ Thái Lan và Ấn Độ là rất lớn.

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp có liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính, cánh đồng liên kết, cánh đồng mẫu lớn, đáp ứng tiêu chuẩn kinh doanh - xuất khẩu lúa gạo. Đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm gạo Việt Nam có thương hiệu trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Đối với thị trường trong nước

Người tiêu dùng thành thị ngày càng có xu hướng tiêu dùng gạo ít hơn nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, có nguồn gốc xuất xứ, được đóng gói và đảm bảo an toàn thực phẩm. Họ cũng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn, bên cạnh các sản phẩm gạo trong nước thì gần đây, người tiêu dùng đã tiêu thụ nhiều hơn các loại gạo chất lượng cao nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan, Lào, Campuchia. Do đó rất cần xây dựng các kênh phân phối hiện đại, hiệu quả để tạo chỗ đứng vững chắc cho thị trường gạo Việt Nam trước nguy cơ thâm nhập ngày càng cao của các loại gạo nhập khẩu; hình thành các trung tâm, chợ bán buôn tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, có phương tiện để phân loại gạo đưa vào các phân khúc thị trường khác nhau gồm (i) Nhóm gạo đặc sản, (ii) Nhóm gạo chất lượng trung bình, (iii) Nhóm gạo phục vụ cho chế biến. Những ưu đãi, hỗ trợ cho các nhà kinh doanh gạo trong nước để cải thiện chất lượng và hệ thống phân phối cũng hết sức cần thiết, một mặt vì lợi ích của chính người tiêu dùng, mặt khác không bỏ ngỏ thị trường nội địa trước nguy cơ thâm nhập của gạo nhập khẩu.


Bảo Linh