Nông nghiệp Việt Nam thu hút mạnh các nhà đầu tư Nhật Bản

Trong diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản - Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp”, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã mang các sản phẩm đặc trưng của mình như tỏi đen, rau củ quả sấy khô, mì gói… sang

Ngày 15/2/2017, tại thủ đô Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam đã tổ chức diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp Nhật Bản -Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp”. Tại diễn đàn, 20 doanh nghiệp Nhật Bản và 80 doanh nghiệp Việt Nam (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã có buổi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã mang các sản phẩm đặc trưng của mình như tỏi đen, rau củ quả sấy khô, mì gói… sang để giới thiệu và tìm đối tác tại Việt Nam.

Ông Hiroshi Chishima, Phó trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam, nhận định ngành nông nghiệp Việt Nam đang phát triển nhưng quy mô chủ yếu vừa và nhỏ, hộ gia đình. Trong khi đó, nông nghiệp công nghệ cao có nhiều triển vọng phát triển khi được tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, gói tín dụng.

Hợp tác với Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm...

Tại diễn đàn, ông Tomoyose, Tùy viên Nông nghiệp của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến ngành nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam. “Chúng tôi thấy ngành nông nghiệp Việt Nam có quá nhiều tiềm năng, ít nhất 3 thế mạnh lớn. Thứ nhất, Việt Nam có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời cho sản xuất nông nghiệp, với nhiều loại nông sản khác nhau. Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi để kết nối với các thị trường tiêu dùng lớn, như ASEAN và Trung Quốc. Đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là một điều quan trọng về chiến lược và kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Đây cũng là điểm mấu chốt khiến doanh nghiệp Nhật Bản để mắt tới Việt Nam“, ông Tomoyose phân tích.

Ông Nguyễn Anh Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng: “Cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản phát triển thì doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ kinh nghiệm làm nông nghiệp của Nhật Bản. Trong đó có kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm tìm kiếm thị trường, phân phối sản phẩm cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp...”.

Không những vậy, giá thành của các sản phẩm nông nghiệp cũng cao hơn khi hai bên hợp tác, chuyển giao công nghệ (ảnh sưu tầm)

Bên cạnh đó, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cũng chia sẻ: “Nông nghiệp công nghệ cao đang là lĩnh vực được Chính phủ tập trung tạo điều kiện thuận lợi phát triển. Mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo dành gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chính vì vậy, nông nghiệp là lĩnh vực còn rất nhiều cơ hội hợp tác đầu tư”.

Trước đó, trong buổi Công bố “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật bản tại Việt Nam”, ông Atsusuke Kawada Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cũng cho biết,dự án nông nghiệp do các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh phía Bắc từ Mộc Châu (Sơn La) đến vùng nông nghiệp công nghệ cao như Lâm Đồng hay các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

“Nhật Bản đã quyết định đẩy mạnh các dự án đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, vì Việt Nam cũng là nước thành viên TPP, với tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn…”, ông Atsusuke Kawada nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam ông Hiroshi Chishima cho biết: “Số lượng doanh nghiệp hay các dự án của Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhiều. Việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong đó có Nhật Bản vẫn gặp nhiều khó khăn về đất đai (giải phóng mặt bằng, cấp đất), thủ tục hành chính. Do đó, để số lượng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam tăng lên thì cần giải quyết các vấn đề về đất và đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục hành chính”.

Chia sẻ về những khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Danh Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nông nghiệp miền Trung cho rằng, vốn không phải nút thắt của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mà đất đai mới là yếu tố then chốt. Nếu không có diện tích đất đủ lớn thì doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô và tìm kiếm các đối tác lớn hơn. Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

“Bên cạnh đó, Nhật Bản là một thị trường nông nghiệp tiên tiến vì vậy, họ có quy chuẩn rất gắt gao về chất lượng, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng ta cần cải thiện các điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những quy chuẩn mà đối tác Nhật Bản đưa ra”, ông Nhân cho biết.


Hoàng Hòa