“Nóng” như bán hàng đa cấp

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện có rất nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác... Nếu không

Từ chuyện của Bộ trưởng

Ngày 6/9, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) ra quyết định rút giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. Trước đó, là hàng loạt công ty, bao gồm Con đường Việt, Tầm nhìn Đại Hưng 668, New Power Việt Nam, TNC, Trường Giang và MLM Việt Nam… cũng bị thu hồi giấy phép.

Nghị định số 42 quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Sau hơn 2 năm triển khai, các quy định hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, khiến loại hình kinh doanh này vốn được đánh giá cao ở nhiều nước trên thế giới, lại bị biến tướng tại Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. Tính đến nay có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận, và chấm dứt hiệu lực của Giấy chứng nhận.

Sức “nóng” của hiện trạng và các con số nói trên tiếp tục phả vào Hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 02/CT/BCT của Bộ Công Thương về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Sau khi nghe đại diện một số sở công thương phản ánh những bức xúc về bán hàng đa cấp trên địa bàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ rằng, đầu nhiệm kỳ, khoảng tháng 4 năm nay tại một cuộc họp tại TP. Hồ Chí Minh, một phóng viên đã nói với ông: “Nếu Bộ trưởng không nhìn nhận đúng bán hàng đa cấp bất chính và không xử lý được, thì Bộ trưởng và Bộ Công Thương sẽ không còn uy tín nào với người dân”. Lúc đó ông đã trả lời sẽ ghi nhận, xử lý và điều đó khiến ông rất trăn trở.

Trong quá trình chỉ đạo kiểm tra, xử lý những hành vi lừa đảo, bán hàng đa cấp biến tướng, ông và Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phụ trách lĩnh vực này, cũng như một số cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được không ít các cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa, mua chuộc.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kể lại rằng, lúc đầu, một số cơ quan báo chí nắm được những thông tin, chứng cứ vi phạm của công ty bán hàng đa cấp, nhưng khá e dè trong hợp tác cung cấp. Có người nói thẳng, có đưa (thông tin, chứng cứ) thì rồi các ông cũng cất vào ngăn kéo thôi.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bảo người thân của mình cũng bị lừa. Chủ yếu là doanh nghiệp ở các thành phố lớn đi lừa người ở các tỉnh khác. Người bị lừa chủ yếu là người lao động, sinh viên, người về hưu... Đáng sợ hơn, người tham gia vào mạng lưới đa cấp nếu bị thua thiệt cũng không dám tố cáo, ngược lại họ tìm cách lôi kéo những người khác vào mạng lưới để tìm cách thu lại khoản tiền đã mất.

Câu chuyện của Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và nhiều vị đại diện Sở Công Thương cho thấy cuộc đấu tranh chống bán hàng đa cấp bất chính, lừa đảo hết sức cam go, phức tạp.

Khắc phục Nghị định 42

Sự thực thì không phải Nghị định 42 không bao quát hết được những hành vi trục lợi có thể có của hoạt động bán hàng đa cấp. Song vấn đề mấu chốt làm “nóng” dư luận hiện nay chủ yếu đến từ bán hàng đa cấp bất chính. Tức là làm trái bản chất của loại hình kinh doanh này, có thể coi như một thứ biến tướng của bán hàng đa cấp.

Do Nghị định 42 chỉ phòng ngừa người ngay (bán hàng đa cấp chân chính) nên những kẻ lừa đảo núp dưới hình thức bán hàng đa cấp đã nghĩ ra muôn phương nghìn kế để đối phó với các cơ quan chức năng.

Cụ thể, việc quy định doanh nghiệp không cần có chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, thanh tra và kiểm tra. Doanh nghiệp có thể lập trụ sở tại tỉnh A, nhưng hoạt động chủ yếu lại ở các tỉnh khác nhằm tránh sự giám sát của cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, các hành vi vi phạm của các công ty bán hàng đa cấp hiện nay chủ yếu là: không thông báo các cơ quan quản lý khi sửa đổi giấy chứng nhận bán hàng đa cấp; không thông báo khi thực hiện hoạt động khuyến mại; không cung cấp đầy đủ thông tin cho người tham gia mạng lưới; tổ chức hội nghị, hội thảo không đúng nội dung thông báo...

Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng đối với bán hàng đa cấp, một số cá nhân, tổ chức đã chuyển sang các hình thức khác để tiếp tục huy động tài chính như kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn...

Tất cả đều có một đặc điểm chung là sử dụng mô hình đa cấp mà cụ thể là mô hình kim tự tháp để huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Kiểu kinh doanh này là kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm. Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội “kinh doanh trái phép” nên hiện nay vẫn chưa có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện.

Trước sự biến tướng của một số công ty bán hàng đa cấp nói trên, trong khi nghiên cứu, lấy ý kiến cho việc sửa đổi Nghị định 42, ngày 9/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Qua đó, chỉ đạo, phân công trách nhiệm của các đơn vị liên quan tăng cường, siết chặt hơn nữa đối với loại hình kinh doanh này.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn, sự ra đời của Chỉ thị 02 tạo bước ngoặt trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc tiếp tục phát triển, những doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc bán hàng đa cấp bị đào thải mạnh mẽ. Trong đó có 9 doanh nghiệp bị rút giấy phép hoạt động, 6 doanh nghiệp có Giấy chứng nhận bị chấm dứt hiệu lực, 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Số lượng người tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp từ gần 1,2 triệu người giảm xuống còn 500 ngàn người hiện nay.

Sự thành công của Chỉ thị 02 đến từ 3 “hơn” theo phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh. Đó là (i) Toàn diện hơn, không chỉ có kiểm tra xử lý, mà còn cả những chương trình đào tạo cho cán bộ, công chức trực tiếp quản lý bán hàng đa cấp tại địa phương; (ii) Gắn kết hơn, bao gồm cả liên kết ngang giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, giữa các đơn vị trong UBND cấp tỉnh, và liên kết dọc giữa trung ương và địa phương; và (iii) Công khai hơn, thông qua các trang website của Bộ, Cục Quản lý cạnh tranh và các cơ quan báo chí thuộc Bộ.

Đồng thời, chú trọng tương tác với các cơ quan truyền thông. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, trái với sự e dè của thời kỳ đầu, đến nay Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin hết sức tích cực từ phía các cơ quan báo chí, giúp Cục và Sở Công Thương có bằng chứng để bóc tách nhiều hành vi vi phạm của doanh nghiệp.

24 mảng cần sửa đổi

Mặc dù môi trường bán hàng đa cấp đã đi vào trật tự hơn sau triển khai Chỉ thị 02, song các đại biểu tại Hội nghị đều khẳng định phải sửa đổi Nghị định 42 để tạo ra những khung khổ pháp lý bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp đúng với bản chất của bán hàng đa cấp.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, hiện Vụ Pháp chế và các đơn vị hữu quan đang xem xét 24 mảng, vấn đề cần sửa đổi. Trong đó, quan trọng nhất là minh bạch thông tin, sau đó là các vấn đề liên quan đến địa bàn hoạt động (quy định nếu doanh nghiệp hoạt động ở đâu thì phải có báo cáo hoặc có văn phòng đại diện, chi nhánh ở đó), vấn đề phân cấp, phân quyền (tăng cường phân quyền quản lý cho địa phương), v.v...

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện có rất nhiều hiện tượng bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, huy động tài chính, thậm chí các hình thức biến tướng khác… Nếu không kịp thời nghe ý kiến từ dư luận, xã hội, tăng cường biện pháp quản lý thì chắc chắn nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, gây bất ổn xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cho dù bán hàng đa cấp hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý, song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng như nước ta.

Do đó, sau Hội nghị sơ kết này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý trong bán hàng đa cấp, và trong thời gian chờ đợi Nghị định sửa đổi ban hành, phải xem xét chặt chẽ việc cấp phép mới bán hàng đa cấp.