PGS gây dựng lòng tin thị trường

Gia nhập thị trường bằng một hướng đi mới (canh tác nông nghiệp không sử dụng hoá chất), được định danh là một hệ thống đảm bảo của các bên cùng tham gia, PGS đã làm gì để mở ra một lối đi riêng trên

Kỳ công xây dựng chuỗi giá trị

TCCT: Thưa bà, hiện trên thị trường có một số sản phẩm nông nghiệp được cấp Chứng nhận hữu cơ do Trưởng Ban điều phối PGS ký, vậy PGS là gì?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: PGS là viết tắt của Participatory Guarantee System có nghĩa là Hệ thống đảm bảo cùng tham gia. Là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, PGS chứng thực sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ (phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm thuận tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại hoá chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hoá chất cũng như các loại phân hoá học).

Trên thế giới, chứng nhận PGS được áp dụng tại các nước có nền nông nghiệp phát triển cũng như đang phát triển: Hoa Kỳ, Brazil, New Zealand, Philippines, Ấn Độ... Tại Việt Nam, PGS là hệ thống duy nhất chứng nhận chất lượng các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa.

TCCT: Hữu cơ là dòng sản phẩm tương đối hẹp ở nước ta, nơi mà sự an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát hiệu quả, và do đó, lằn ranh giới giữa thực phẩm an toàn/không an toàn còn chưa được minh định rõ ràng, PGS làm thế nào để thực phẩm hữu cơ chiếm một vị trí nhất định trong lòng người tiêu dùng?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Trước hết tôi phải nói về mặt kinh nghiệm, hệ thống PGS đã được chấp nhận ở nhiều nước phương Tây và các nước châu Á, châu Đại dương, châu Mỹ La-tinh... Năm 2004, Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ (IFOAM) chấp nhận PGS là một hệ thống đảm bảo có giá trị cho các sản phẩm hữu cơ. IFOAM sau đó đã lập ra một ban chuyên trách để phát triển phương pháp PGS cụ thể hơn. Với sự hỗ trợ của các thành viên trong ban chuyên trách này, Dự án ADDA tại Việt Nam đã cùng đối tác tại địa phương chấp nhận thực hiện hệ thống PGS làm hệ thống đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ vào tháng 10/2008.

TCCT: Nghĩa là người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận sự đảm bảo của PGS từ kinh nghiệm quốc tế?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Một phần thôi! Về mặt lý thuyết, hệ thống PGS được tin cậy bởi 2 lý do chính:

Thứ nhất, hệ thống thiết lập những tiêu chuẩn cho sản xuất hữu cơ để làm công cụ đánh giá sự tuân thủ. Đây là những tiêu chuẩn tin cậy được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn Quốc gia (TC10-2006) do Bộ NN&PTNT ban hành năm 2006, và tiêu chuẩn của IFOAM áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, được “địa phương hóa” để phù hợp với điều kiện Việt Nam như tình hình đất đai, khí hậu, văn hóa và con người tại địa phương đó, mà vẫn phải đảm bảo tính tương đương về giá trị với tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ hai, tham gia hệ thống này không chỉ có người sản xuất mà còn có các bên liên quan bao gồm: khách hàng, công ty phân phối, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ thường xuyên được giám sát, kiểm tra đảm bảo phát hiện, khắc phục xử lý ngay lập tức những sai phạm nhỏ, thậm chí khai trừ các nhóm sản xuất lặp lại nhiều lần các sai phạm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, để được thị trường chấp nhận và sẵn sàng trả giá cao hơn bình quân khoảng 30% so với giá bán thông thường thì lại là câu chuyện không đơn giản.

Việc đầu tiên, để thuyết phục thị trường, chúng tôi phải xây dựng PGS thành một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, khép kín; như thế, người tiêu dùng yên tâm hơn bởi mỗi chặng đường đi của thực phẩm đều được PGS kiểm soát từ lập kế hoạch, sản xuất, kiểm tra giám sát, chứng nhận, đến phân phối, tiêu dùng.

Việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín còn nhằm đáp ứng yêu cầu chính đáng của người sản xuất; nếu nông dân không bán được sản phẩm hữu cơ đủ để trang trải cho công sức bỏ ra, họ sẽ không còn hứng thú canh tác nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn hữu cơ, khi ấy hệ thống PGS sẽ sụp đổ.

TCCT: Việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín như vậy đòi hỏi nhiều thời gian?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Tốn rất nhiều thời gian và công sức. Quan trọng nhất là phải tìm đối tác địa phương cùng đồng lòng tham gia để hình thành nên chuỗi, đồng thời chuỗi phải đáp ứng được kỳ vọng tối thiểu của từng đối tác tham gia. Đối tác đầu tiên là chính quyền, đoàn thể địa phương. Tùy điều kiện từng nơi mà chúng tôi lựa chọn đối tác để hợp tác. Ở Lương Sơn (Hòa Bình) chúng tôi hợp tác với Hội Nông dân huyện; ở Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) đối tác trực tiếp là Hội Nông dân xã có sự ủng hộ đắc lực của Hội Nông dân và UBND Huyện; ở Trác Văn (Hà Nam) là Hội Phụ nữ huyện; rồi ở Bến Tre là Trung tâm Khuyến nông thành phố; ở Hội An (Quảng Nam) là Phòng kinh tế thành phố...

Kinh phí cho hoạt động cũng hết sức đa dạng. Có nơi dùng kinh phí từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, có nơi dùng từ nguồn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, và nhiều nơi sử dụng nguồn từ các dự án của tổ chức phi chính phủ như ADDA (Đan Mạch), Seed to Table (Nhật Bản)...

Đối tác thứ hai là nhóm sản xuất, gồm tối thiểu 5 nông dân. Họ phải dồn điền đổi thửa để thành một khu tập trung, biệt lập, diện tích ít nhất 2.000 m2. Sau đó quy vùng lại để tạo sự cách ly với những vùng còn lại. Nông dân phải được đi học một lớp về canh tác hữu cơ và mỗi nhóm cử 3 thanh tra viên đi đào tạo.

Đối tác thứ ba là các công ty phân phối. Những công ty nào chỉ quan tâm đến việc khai thác sản phẩm thì chúng tôi không chấp nhận. Đã là một chuỗi thì ngoài việc khai thác sản phẩm, “anh” phải có trách nhiệm vận hành hệ thống này, phải cùng hệ thống giám sát chất lượng, phải hỗ trợ chia sẻ cùng nông dân những lúc khó khăn, phải đảm bảo quyền lợi cho khách hàng...

Đối tác thứ tư là khách hàng. Đối tác này không hiện diện thường xuyên trong chuỗi, nhưng mỗi khi họ thắc mắc hay khiếu nại về sản phẩm thì cả hệ thống phải vận hành: truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu đi xét nghiệm và trả lời khách hàng.

Đúng với nghĩa PGS - Hệ thống Đảm bảo Cùng tham gia - việc các bên cùng vận hành hệ thống PGS được xây dựng trên cơ sở tin cậy, các liên kết xã hội và trao đổi tri thức đã giúp tạo ra một “kênh” thị trường riêng cho những nông sản thực phẩm hữu cơ, với dấu hiệu nhận biết riêng; có một chỗ đứng riêng và hình thành một thói quen tiêu dùng mới trên thị trường nước ta.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban điều phối PGS tại một Hội nghị của PGS

Sức lan tỏa mạnh mẽ

TCCT: Sau 10 năm nhìn lại, dự án nông nghiệp hữa cơ của ADDA tại Việt Nam được ghi nhận như thế nào?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Bắt đầu thực hiện năm 2005, dự án nông nghiệp hữu cơ triển khai tại 6 tỉnh, bao gồm: Vĩnh Phúc, Lào Cai (gạo), Bắc Ninh (rau), Tuyên Quang (cam), Bắc Giang (vải), Hải Phòng (cá); tiếp đó mở thêm 3 tỉnh mới là Hà Nội (rau), Hòa Bình (rau quả) và Hà Tĩnh (bưởi), vùng nào thức đấy. Đây là một dự án rất lớn về nông nghiệp hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam, nhưng được đánh giá là không thành công, vì kế hoạch đặt ra là phải thành lập 100 nhóm nông dân canh tác nông nghiệp hữu cơ, nhưng khi dự án kết thúc vào tháng 9/2012, chỉ có 22 nhóm nông dân.

Lúc đó, chúng tôi đã rất buồn, nhưng bây giờ bình tâm nhìn lại, tôi cho rằng kết quả 22 nhóm ấy là phù hợp với tình hình thực tế nước ta. Số nhóm chưa nhiều, nhưng đã mang đến cho thị trường dòng sản phẩm riêng, gây dựng được lòng tin thị trường với nông sản hữu cơ.

Các bạn thử hình dung xem, nếu lúc đó chúng tôi cố chạy đua bằng được theo “kế hoạch 100 nhóm”, có thể chúng tôi đã linh hoạt “du di” những tiêu chuẩn canh tác, kiểm tra, giám sát, phân phối sản phẩm hữu cơ nghiêm ngặt, thì hậu quả sẽ ra sao? Có 100 nhóm đấy, nhưng sự “du di” tiêu chuẩn trước sau rồi cũng bị thị trường nghi ngờ, người tiêu dùng sẽ ngoảnh mặt.

TCCT: Đến nay ta có thể liệt kê những cái “được” nhất của dự án?

Bà Từ Thị Tuyết Nhung: Nhìn trên tổng thể, dự án canh tác nông nghiệp hữu cơ có sức lan tỏa mạnh mẽ, thể hiện ở 5 điểm sau:

Trước hết, mặc dù về mặt chính thức, Nhà nước chưa có một chính sách nào về canh tác nông nghiệp hữu cơ, nhưng ở nhiều nơi chính quyền địa phương rất ủng hộ. Họ đã thấy được lợi ích của hệ thống PGS đối với cộng đồng địa phương. Năng lực và nhận thức của nông dân tham gia PGS được nâng cao rõ rệt. Nông dân xác định được trách nhiệm hành vi sản xuất của bản thân với xã hội và chỉ phải sản xuất tuân thủ tốt các quy định, có công ty đến thu mua ngay tại ruộng, giá cả ổn định hàng năm trời thay vì để nông dân phải chạy lung tung, mỗi người một kiểu rồi đưa ra thị trường những sản phẩm không lành mạnh.

Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước là Bộ NN & PTNT đã ghi nhận hệ thống PGS này và yêu cầu các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc để kiểm tra theo chức năng. Cho đến nay các khu vực canh tác nông nghiệp hữu cơ đều được chi cục bảo vệ thực vật sở tại vào kiểm tra.

Thứ ba, khi dự án ADDA kết thúc, nguồn kinh phí hỗ trợ không còn, nhưng hệ thống PGS tiếp tục tự vận hành; nông dân tự đóng phí, công ty phân phối tự đóng phí, chứng tỏ sự tiếp nhận của thị trường. Không những vậy, số nhóm nông dân tự nguyện tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ tăng lên nhanh chóng. Điển hình là xã Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) khi kết thúc dự án có 9 nhóm nông dân nay đã tăng lên 18 nhóm, diện tích mở rộng thêm hơn 15 ha nữa. Hàng năm cung cấp cho thị trường Hà Nội 200 tấn rau hữu cơ. Thu nhập bình quân của nông dân đạt 3 đến 4 triệu đồng/sào/tháng. Hàng năm có khoảng 200 đoàn đến Thanh Xuân tham quan học tập canh tác nông nghiệp hữu cơ.

Thứ tư, PGS đã tạo ra một hệ thống sản xuất và phân phối. Đó là 6 vùng sản xuất ở Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình), Trác Văn (Hà Nam), Bình Đại (Bến Tre), Hội An (Quảng Nam). Về phân phối, hệ thống PGS ở Hà Nội đang có 9 công ty thành viên, như Công ty TNHH Green Life Việt Nam, Công ty Cổ phần Obis - Nông sản ngon, Công ty TNHH VinaGap, Công ty Hanoi Organic Roots, Công ty Cổ phần Đầu tư Tâm Đạt... với 45 điểm bán nông sản hữu cơ xung quanh thị trường Hà Nội.

Thứ năm, PGS là một hệ thống có thực quyền, và sử dụng “thực quyền” một cách công minh chính trực. Điều này thể hiện qua việc hệ thống đã xử lý rốt ráo những khiếu nại của người tiêu dùng thông qua việc truy xuất nguồn gốc, lấy mẫu gửi cơ quan chức năng xét nghiệm và trả lời mọi thắc mắc của người tiêu dùng.

Sự công minh chính trực của PGS đã được người tiêu dùng ghi nhận, nhất là sau khi xử lý kiên quyết “vụ Mr Sạch” vào tháng 7/2013. Mr Sạch là tên của hệ thống các cửa hàng bán lẻ thuộc Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Quốc tế Victory Asian - thành viên của PGS đã có những vi phạm về ghi nhãn “Thực phẩm hữu cơ” tràn lan cho tất cả các sản phẩm không phải là hữu cơ, đã bị Ban điều phối PGS nhắc nhở, lập biên bản, và sau 6 tháng không sửa đổi nên đã bị đình chỉ tư cách thành viên.

Gia nhập thị trường bằng một hướng đi mới (canh tác nông nghiệp không sử dụng hoá chất), gây dựng lòng tin thị trường bằng một hệ thống đảm bảo của các bên cùng tham gia, có thực quyền và sử dụng thực quyền của mình một cách công minh chính trực, PGS đang ngày càng được người tiêu dùng ghi nhận bởi tính liêm chính của nó và đã tạo dựng được một lối đi riêng trên thị trường nông sản Việt Nam.

TCCT: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Thế nào là rau hữu cơ?

+ Rau hữu cơ là rau được sản xuất dựa theo nguyên tắc: Tạo môi trường cân bằng sinh thái cho đất, bổ sung thường xuyên vi sinh có lợi cho đất và cây trồng, ủ phân bằng vi sinh và nấm đối kháng tiêu diệt mầm bệnh.

+ Sản xuất rau hữu cơ phải tuân thủ nghiêm ngặt “6 không”:

+ Không phân bón hóa học

+ Không thuốc trừ sâu hóa học

+ Không kích thích sinh trưởng

+ Không thuốc diệt cỏ

+ Không giống biến đổi gien

+ Không chất bảo quản