“Phẳng” để tiết kiệm hơn

Một cánh đồng chênh nhau 160 mm sẽ đòi hỏi lượng nước mất thêm là 100mm, tức gấp đôi nhu cầu nước cho cây lúa. San laser chính là biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.

Trong bối cảnh nước biển dâng, hạn hán diễn ra nghiêm trọng, nguồn nước ngọt bị giảm đáng kể, vấn đề tiết kiệm nước vô cùng có ý nghĩa về mặt chống biến đổi khí hậu. San phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser (gọi tắt là san phẳng laser) là một kỹ thuật giúp giảm chi phí và tăng năng suất cây trồng nhờ kiểm soát được mức nước tối ưu cần có. San laser là điều kiện cần thiết để đồng ruộng bằng phẳng và đảm bảo mực nước đồng đều trên khắp mặt ruộng.

San laser đã được áp dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp tại Mỹ, Nhật, Úc cũng như ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và gần đây là Campuchia. Tại Việt Nam, kỹ thuật san laser được Viện Lúa quốc tế IRRI chuyển giao từ năm 2004. Đến năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận san laser là tiến bộ kỹ thuật được phép ứng dụng vào sản xuất trong cả nước, và năm 2013, được xếp vào danh mục các thiết bị được Nhà nước hỗ trợ tín dụng khi đầu tư. Tính đến nay, cả nước đã san được hơn 2.000 ha ở Bạc Liêu, An Giang, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng… trong đó, hơn 1.000 ha san laser là ở Long An.

Hệ thống máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser gọn nhẹ, chỉ gồm cụm gàu san, bộ phận phát tia laser, bộ phận thu tín hiệu và hệ thống điều khiển thủy lực gắn trên máy kéo. Khi vận hành hệ thống này, tia laser được phát bởi bộ phát tín hiệu laser tạo thành mặt chuẩn laser cố định song song với mặt phẳng nằm ngang. Bộ nhận tín hiệu laser lắp cố định trên cụm gàu san. Hệ thống thủy lực gồm hộp xử lý tín hiệu nhận được và

xilanh thủy lực giúp điều khiển nâng hạ gàu san. Khi vận hành, gàu san sẽ tự động nâng lên hoặc hạ xuống so với mặt chuẩn khi hệ thống làm việc trên điểm tương ứng là điểm cao hoặc điểm thấp của mặt ruộng.

Mục tiêu của kỹ thuật này nhằm tạo ra một thửa ruộng bằng phẳng như mong muốn, kiểm soát được lượng nước cho cây trồng phát triển. So với việc sử dụng máy cày, bừa truyền thống thường có độ chênh 10 - 30 cm, sử dụng công nghệ này mặt ruộng chỉ còn độ chênh dưới 3cm. Đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước.

Mặt ruộng có diện tích lớn và bằng phẳng sẽ giúp giảm các chi phí sản xuất cũng như mang lại nhiều lợi ích khác như: tăng năng suất lúa khoảng 0,5 - 1,0 tấn/ha/vụ; dễ kiểm soát cỏ dại do khống chế mức nước nên cỏ dại mọc ở kích thước nhỏ và đều; vận hành các loại máy canh tác hiệu quả hơn, do giảm được 10 - 15% thời gian quay vòng… đặc biệt là tiết kiệm nước và nhiên liệu.

Qua ghi chép thực tế cho thấy, lượng dầu diesel cho canh tác 70ha, kết quả: mỗi vụ lúa trung bình phải bơm 7 lần. Trước kia trên ruộng chưa san laser, mỗi lần dùng 4 lít/ha dầu cho máy bơm. Sau khi san laser, chỉ cần 1,5 lít/ha. Vậy, với 7 lần bơm, tiết kiệm được 17,5 lít/ha. Nếu ước lượng 1 lít diesel bơm được 150m3 nước, thì số dầu tiết kiệm trên tương ứng với giảm được 2.600m3 nước tưới, bằng khoảng 25% nhu cầu nước của cây lúa. Nói cách khác, san laser cho 1 triệu ha đất lúa sẽ có đủ nước thêm cho 250.000 ha đất lúa thiếu nước.

Ngoài ưu điểm tiết kiệm nước, tiết kiệm nhiên liệu, san laser còn tiết kiệm được một lượng thuốc diệt cỏ, phân bón, giảm khấu hao máy móc, giảm hao hụt trong quá trình thu hoạch và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu san được 1 triệu ha (trong tổng số khoảng 4 triệu ha cây lương thực), thì san laser giúp giảm phát thải 0,5 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm. Nhân với thời gian 10 năm thì san laser giúp giảm phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2 - Một con số không hề nhỏ so với 8 triệu tấn CO2 mà Việt Nam cam kết cắt giảm khí nhà kính đến năm 2030 tại Hội nghị Paris COP21 vừa qua.

Có thể nói, san laser đáp ứng được các yêu cầu sản xuất nông nghiệp, giảm nước, phân, cần, giống, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, dùng cơ giới để làm được nhiều và nhanh hơn, kịp thời vụ, tăng năng suất và sản lượng cây trồng. Ở Việt Nam, tiến độ áp dụng kỹ thuật san laser tuy hơi chậm, chỉ với hơn 2.000 ha lũy kế tới nay, nhưng kỹ thuật tiên tiến này với nhiều ưu điểm thiết thực sẽ còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Hà An