Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương

Ngày 10/6/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2344/QĐ-BCT Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Xin trân trọng giới thi

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung và phương thức phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan tới công tác quan lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp (gọi chung là các cơ quan).

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

2.1. Thực hiện phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp theo từng thời kỳ.

2.2. Tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, gây phiền hà hoặc sách nhiễu, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện những điều pháp luật không quy định.

2.3. Từng cơ quan có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với cơ quan khác để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành và hiệu quả điều hành.

2.4. Việc tổ chức, phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm được tiến hành trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan. Nghiêm cấm các cán bộ dưới quyền tự ý tổ chức, phối hợp các cơ quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp.

Điều 3. Nội dung phối hợp

3.1. Xây dựng để ban hành hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

3.2. Theo chức năng, thực hiện và hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm cả quy định liên quan tới bán hàng đa cấp của pháp luật chuyên ngành.

3.3. Tham mưu Lãnh đạo Bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước hoạt động bán hàng đa cấp.

3.4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

3.5. Chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường ở địa phương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

3.6. Xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu về hoạt động bán hàng đa cấp; cung cấp, công bố thông tin về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; trao đổi thông tin giữa các cơ quan trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

3.7. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp tới người dân, các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp.

Điều 4. Phương thức phối hợp

4.1. Từng cơ quan có trách nhiệm phân công đầu mối (lãnh đạo và chuyên viên) theo dõi, giải quyết các công việc liên quan đến quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để phục vụ công tác phối hợp.

4.2. Nhân sự đầu mối của các cơ quan có trách nhiệm thường xuyên và kịp thời trao đổi mọi thông tin và đề xuất có liên quan tới các nội dung phối hợp, thí dụ như thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, báo cáo kết quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của cơ quan mình theo chức năng nhiệm vụ, các đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp v.v… Để bảo đảm tốc độ xử lý, khuyến khích việc sử dụng email để trao đổi thông tin giữa các cơ quan và chủ động gặp gỡ để bàn biện pháp xử lý các nội dung phối hợp.

4.3. Các tờ trình, Báo cáo Lãnh đạo Bộ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm cả các báo cáo kiểm tra, cần được sao gửi các cơ quan liên quan để cùng nắm thông tin, phục vụ công tác phối hợp.

 

CHƯƠNG II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG ĐA CẤP

Điều 5. Trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh tranh

5.1. Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

5.2. Chủ trì công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

5.3. Chủ trì công tác giám sát hoạt động bán hàng đa cấp; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp theo kế hoạch hoặc đột xuất theo vụ việc; áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

5.4. Chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các Sở Công Thương trong việc thực hiện công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

5.5. Chủ trì công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bán hàng đa cấp.

5.6. Chủ trì giải quyết các đơn thư khiếu nại, phản ánh liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

5.7. Hàng năm, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm cả việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

5.8. Tổ chức giao ban định kỳ (ít nhất là 3 tháng 1 lần) giữa các cơ quan về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

5.9. Thường xuyên rà soát các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để phát hiện những điểm không còn phù hợp và kiến nghị bổ sung, điều chỉnh kịp thời.

5.10. Chỉ đạo, phối hợp với Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp, tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp để hoàn thiện khung khổ pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

Điều 6. Trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường

6.1. Phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh trong công tác kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo yêu cầu của Cục Quản lý cạnh tranh.

6.2. Chỉ đạo, hướng dẫn các Chi cục Quản lý thị trường chủ động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp theo thẩm quyền.

6.3. Chủ trì kiểm tra, xử lý hoặc chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng quản lý thị trường ở địa phương kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đơn vị sản xuất, cung cấp hàng hóa cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp; đặc biệt lưu ý việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nhất là hàng hóa được sản xuất, gia công trong nước.

6.4. Tiếp nhận, tổng hợp thông tin về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp từ các Chi cục Quản lý thị trường, sao gửi Cục Quản lý cạnh tranh để cùng phối hợp quản lý.

Điều 7. Trách nhiệm của Cục Xúc tiến thương mại

7.1. Giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến mại hoặc các chương trình mang tính chất xúc tiến thương mại khác do doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức;

7.2. Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát áp dụng riêng cho các chương trình xúc tiến thương mại do doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin

8.1. Phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp nếu được yêu cầu.

8.2. Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường đưa ra cảnh báo về các hành vi (i) bán hàng đa cấp bất chính trên mạng internet; (ii) sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh các sản phẩm ảo, kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính trái phép trên mạng internet.

8.2. Phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động bán hàng đa cấp.

Điều 9. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế

9.1. Phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh trong việc rà soát các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và kiến nghị bổ sung, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp.

9.2. Tổ chức nghiên cứu quy định của các nước về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để đề xuất hoàn thiện các quy định quản lý của Việt Nam.

9.3. Bảo đảm các quy định của Việt Nam về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, nếu có.

Điều 10. Trách nhiệm của Vụ Khoa học công nghệ

Cung cấp, trao đổi thông tin với Cục Quản lý cạnh tranh về điều kiện sản xuất, kinh doanh, hoặc về hồ sơ xin xác nhận quảng cáo đối với sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong trường hợp sản phẩm đó thuộc trách nhiệm cấp phép quảng cáo của Bộ Công Thương.

Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị báo chí, truyền thông thuộc Bộ Công Thương.

11.1. Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường trong công tác tuyên truyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm cả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

11.2. Phòng Báo chí (Văn phòng Bộ) tư vấn, hỗ trợ Lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường trong các hoạt động tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình về các vấn đề có liên quan tới quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

12.1. Các cơ quan nêu tại Chương II của Quy chế có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

12.2. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu phát hiện các nội dung của Quy chế không còn phù hợp với thực tiễn, hoặc nhận thấy cần bổ sung, điều chỉnh nội dung của Quy chế, các cơ quan thông báo đến Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời kiến nghị phương án xử lý, để Cục Quản lý cạnh tranh tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, điều chỉnh kịp thời.