Sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng trưởng cao

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ nhận định tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu nă

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tiếp tục tăng cao và đạt 9,05%. Tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 4,95 tỷ USD, tăng 7,6%; vốn ODA giải ngân đạt 749 triệu USD, tăng 11,8%.

Trong thời gian qua nổi lên những vấn đề đáng quan ngại, đó là sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây Nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...

Chính phủ đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến, thống nhất nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể liên quan đến một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực phát triển du lịch, thủy sản, tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước…

Trong lĩnh vực ngành Công Thương, vấn đề được quan tâm nhất là xuất khẩu nông sản giảm cả về kim ngạch và sản lượng, các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian tới; đặc biệt là đối với mặt hàng vải thiều đang bước vào vụ thu hoạch, kế hoạch của Bộ Công Thương để việc tiêu thụ vải thiều sẽ không còn ùn ứ như là tiêu thụ dưa hấu hay thanh long trong thời gian qua.

Người phát ngôn của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, 5 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản có sự giảm sút. Nguyên do là những thị trường lớn, thị trường chính của VN như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sụt giảm, nhưng một số thị trường tiềm năng chưa phát huy được. Bộ Công Thương được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có những biện pháp để tăng kim ngạch xuất khẩu và chúng tôi đã tiến hành từ lâu rồi. Các biện pháp đó là:

Một là, mở rộng các thị trường thông qua việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do. Vừa qua, chúng ta đã ký hiệp định với thị trường Hàn Quốc, sắp tới sẽ ký hiệp định với Liên minh Thuế quan, khoảng trong tháng 6 có thể ký với EU và rất hy vọng trong thời gian gần nhất chúng ta ký được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều đó mang lại lợi ích hết sức lớn cho các mặt hàng của Việt Nam, trong đó có hàng nông sản, vì khi các hiệp định đã được ký kết thì thuế suất nhiều mặt hàng đưa vào những thị trường này sẽ bằng 0%.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Chính phủ cũng hết sức quan tâm. Trong nước, chúng ta cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nội địa và kể cả thị trường miền núi, biên giới, hải đảo.

Ba là, cung cấp thông tin thị trường, thông tin về từng sản phẩm để các doanh nghiệp chủ động quyết định các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Nhà nước, Chính phủ sẽ hỗ trợ bằng nhiều biện pháp.

Bốn là, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản xuất khẩu. Nhiều sản phẩm của chúng ta ra nước ngoài có chất lượng không tốt làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác có những sản phẩm, mặt hàng tương tự nhưng không ký hợp đồng được nữa. Việc này không những Bộ Công Thương mà các đơn vị, địa phương, bộ, ngành đều có trách nhiệm nâng cao sản lượng của những sản phẩm xuất khẩu.

Về mặt hàng vải thiều, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cần có quy hoạch tổng thể, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, phải tập trung được đất để có thể đưa công nghệ vào sản xuất với năng suất cao để tạo ra giá thành mang tính chất cạnh tranh. Năm ngoái vải vừa được mùa, vừa được giá nhờ rất nhiều biện pháp, như: Đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, không tập trung vào thị trường Trung Quốc. Trước năm 2014, chúng ta thường xuất khẩu khoảng 60-70% sang thị trường Trung Quốc nhưng năm 2014 chúng ta chỉ xuất khoảng 40-45% còn chúng ta tập trung vào những thị trường khác. Đặc biệt là thúc đẩy thị trường nội địa và đưa vào nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, nơi người dân chưa có điều kiện thưởng thức vải thiều, với giá hết sức hợp lý. Ngay từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã bàn bạc với các tỉnh có liên quan đến mặt hàng vải thiều như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, tổ chức hội nghị kết nối các địa phương; khoảng 1 tuần nữa, sẽ tiếp tục kết nối giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam cho tất cả các đơn vị và các DN lớn có nhu cầu. Vụ vải thiều thời gian rất ngắn nên cần phải rất nhanh chóng đưa vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Còn ở nước ngoài, chúng tôi đã có hẳn chương trình do tổ chức xúc tiến nhập khẩu của Chính phủ Hà Lan tài trợ nhằm đưa vải thiều vào các nước EU, đặc biệt là Hà Lan, Đức…