Sẽ đặt đúng tên cho sữa dạng lỏng

“Sẽ có 6 khái niệm sữa dạng lỏng: sữa tươi nguyên chất, sữa tươi bổ sung, sữa hoàn nguyên, sữa tươi tách béo, sữa pha lại, sữa hỗn hợp” - đó là điểm nổi bật nhất trong dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thu

Cùng chung quan điểm

Ngày 13/4/2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT. Với sự tham gia của đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, các Hiệp hội, và nhiều doanh nghiệp trong ngành sữa, lần đầu tiên đã có tiếng nói đồng nhất giữa các cơ quan, ban ngành liên quan về một vấn đề gây “nhức nhối” cả năm qua.

Trong cuộc Hội thảo, Đại diện cục ATTP và phần lớn đại biểu đều thừa nhận tên gọi “Sữa tiệt trùng” của QCVN 5-1:2010/BYT là gây nhầm lẫn; “cứ sữa dạng lỏng là người tiêu dùng hiểu đó là sữa tươi” trong khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại. Thị trường sữa dạng lỏng đang phát triển mạnh mẽ cùng nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng thì đây là thời điểm cần thiết phải sửa đổi quy chuẩn”- ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm: Đã đến lúc trả cho người tiêu dùng quyền lựa chọn đúng nhu cầu và chi phí họ bỏ ra

Tiếp thu những kiến nghị tại rất nhiều hội thảo về vấn đề khái niệm sữa dạng lỏng trong năm 2015 và đầu năm 2016 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường Quốc hội, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng… với dự thảo mới Cục ATTP cho biết các khái niệm sẽ giải thích rõ ràng hơn nguyên liệu sản xuất sữa dạng lỏng để người tiêu dùng lựa chọn. Tất cả phải trên tinh thần: Minh bạch (bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng); phù hợp với điều kiện sản xuất, chế biến sữa trong nước và đảm bảo hội nhập quốc tế.

Hầu hết chuyên gia, nhà quản lý và các hãng sữa đồng tình với dự thảo, “vỗ tay” cho các khái niệm mới về sữa dạng lỏng. “Sữa tiệt trùng” sẽ được chia thành 3 khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” (làm từ sữa bột; thành phẩm gần như sữa tươi), sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) và sữa hỗn hợp (gồm sữa bột và sữa tươi). Sữa tươi chia thành: “Sữa tươi nguyên chất” (không bổ sung vi chất), “sữa tươi” (có thể bổ sung đường, hương vị hoa quả...) và “sữa tươi tách béo” (cho người ăn kiêng).

Đại diện đến từ Vinamilk cho rằng “Bộ Y tế cần ban hành thông tư hoặc quy định hướng dẫn với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có thời gian để các doanh nghiệp thích nghi và thay đổi các nhãn mác hiện hành”.

Minh bạch cho người tiêu dùng

Vấn đề minh bạch thông tin sữa dạng lỏng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đã được thảo luận rất nhiều trong các cuộc họp của các cơ quan ban ngành trong năm 2015. Tại Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và Quyền được thông tin của người tiêu dùng” vào ngày 23/4, Cục An toàn thực phẩm đã nêu ra câu chuyện “đặt tên đúng chỗ” cho các sản phẩm khi trên thị trường việc ghi nhãn hàng hóa thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chứng từ, cảnh báo về sản phẩm… chưa đáp ứng được về chất lượng nguồn tin, thông tin cung cấp không rõ ràng, gây hiểu nhầm.

Bà Nguyễn Thị Việt Hằng- Chuyên viên Cục An toàn thực phẩm giới thiệu các tên gọi sữa dạng lỏng

Tại Phiên họp giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội (Ủy ban KHCN&MT) có chủ đề: “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sản phẩm sữa dạng lỏng” ngày 17/8 với câu hỏi lớn được đặt ra là liệu “Người tiêu dùng khó phân biệt “sữa tiệt trùng” với sữa tươi?”. Ông Phùng Đức Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT đề nghị Bộ Y tế “sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010; đặc biệt là khái niệm sữa tiệt trùng; minh bạch nguồn sữa nguyên liệu, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, phù hợp tiêu chuẩn Codex”.

Sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng… là những khái niệm sữa “na ná nhau”, nhưng thực chất lại khác xa nhau ở thành phần, nguồn gốc xuất xứ. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, trong cuộc họp bàn về quy chuẩn sữa Việt Nam diễn ra giữa đại diện 3 bộ quản lý sữa là: Công Thương, NN & PTNT và Y tế vào tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi nguyên liệu và đề xuất Bộ Y tế bắt buộc phải ghi rõ thành phần nguyên liệu trên bao bì. “Hiện giá sữa trên thế giới đang xuống, các doanh nghiệp sử dụng sữa nguyên liệu sẽ đi nhập khẩu, từ đó đẩy giá sữa trong nước giảm xuống. Nếu có quy chuẩn cũng là biện pháp để bảo hộ, bảo vệ nông dân sản xuất trong nước” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Phát triển ngành chế biến sữa tươi cũng là định hướng được chỉ ra trong Quyết định 3399/QĐ-BCT của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển ngành sữa Việt Nam là “Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ sữa bột nhập ngoại”. Nếu không sửa đổi khái niệm sữa tiệt trùng thì không thể đảm bảo được quy hoạch phát triển này vì các doanh nghiệp mua sữa bột về chế biến, nông dân và các trang trại không thể bán được sữa tươi, không phát triển sản xuất. Thực tế đầu năm 2015, nhiều nông dân đã phải đổ bỏ sữa tươi vì DN không thu mua mà sản xuất sữa nước bằng sữa bột.

Lắng nghe ý kiến của các Bộ, ban ngành cùng đại diện người tiêu dùng trong  Hội thảo lấy ý kiến về Quy chuẩn sữa dạng lỏng lần này, Bộ Y tế đã sửa đổi tích cực, đặc biệt là “đặt đúng tên gọi” cho các khái niệm sữa để đảm bảo minh bạch và công bằng cho nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến sữa. Như ý kiến của ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Việc sửa đổi này là phù hợp, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Việc sửa đổi QCVN cũng sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nước đem lại những thuận lợi cho người nông dân”.

Động thái của Bộ Y tế đang tạo hy vọng về một thị trường sữa rõ ràng, lành mạnh cho người tiêu dùng. Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với dự thảo sửa đổi QCVN 1-5:2010/BYT và mong muốn dự thảo sớm được thông qua.

Tại hội thảo về “Dinh dưỡng lành mạnh và quyền được thông tin của người tiêu dùng” do Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chủ trì vào ngày 23/4/2015, ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã nhấn mạnh: “Người tiêu dùng đang bị nhầm lẫn giữa sữa tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Vậy tại sao người tiêu dùng phải móc hầu bao mà không được biết là mình mua bao nhiêu % sữa tươi. Thực tế, giá những hộp sữa này ngang nhau, nhưng chi phí sản xuất rất khác nhau”..