Siết chặt mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón

Câu chuyện sản xuất và kinh doanh phân bón, hóa chất không nhãn mác, không có nguồn gốc đã được nhắc đến nhiều lần.
Song mới đây, vụ nổ xưởng sản xuất tại Công ty Đặng Huỳnh - quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, làm 3 người chết và 5 người bị thương... lại một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của các cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón tự phát trong thành phố.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đây được xem như những quả bom đặt giữa các khu dân cư.

Kết quả điều tra ban đầu và kết luận sơ bộ về vụ nổ trên của cơ quan chức năng cho thấy, để sản xuất ra phân bón, Công ty Đặng Huỳnh dùng các chất Kali Nitrat (KNO3), Kali clorat (KClO3), Amoniac (NH3) và một số đơn chất hóa học như lưu huỳnh, kẽm, canxi… là các tiền chất để tạo thuốc nổ.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, phân bón nói chung và nhất là phân bón urê được sản xuất từ nhiều hóa chất dễ gây cháy nổ. Ở nhiều nước như Mỹ, Afganistan, Pakistan... các phần tử khủng bố dùng Urê làm bom tự chế và 70% thương vong trong các vụ đánh bom theo thống kê là do bom tự chế từ phân urê. Việc xảy ra vụ nổ tại Thành phố Hồ Chí Minh như vừa qua là điều dễ giải thích: khi phân urê gặp các điều kiện thuận lợi sẽ nổ, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nguy hiểm là vậy, song qua khảo sát tại các chợ và tuyến phố Lý Nam Đế, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), dễ dàng nhận thấy, việc mua bán phân bón và các hóa chất cho cây trồng diễn ra khá đơn giản. Theo cô Hồng Phương, kinh doanh phân bón và cây cảnh tại phố Hoàng Hoa Thám, chỉ cần khách hàng có nhu cầu thì sẽ có hàng chuyển đến tận nơi.

Hầu hết các đại lý phân bón hóa chất đều nhập hàng với số lượng lớn và tự chia nhỏ ra các bình nhựa, túi nilon để bán cho người sử dụng, trong khi thiếu hiểu biết về nguồn gốc và bản chất hóa học của các loại phân bón.

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc sản xuất kinh doanh phân bón đang diễn ra khá dễ dàng.

Từ trước đến nay, các tổ chức, kinh doanh sản xuất phân bón trong khu dân cư chưa được đưa vào luật, nên nhiều địa phương vẫn còn hiện tượng tổ chức sản xuất, mua bán, kinh doanh phân bón nằm sát với nhà dân và lẫn lộn rất nhiều trong các khu dân cư. Điều này gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân, vì bản chất phân bón là các hóa chất độc hại. Nhưng cho đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa có các giải pháp triệt để, quản lý vẫn rất lỏng lẻo.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón trước đây đã được các cơ quan chức năng thực hiện, song mới chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng, an toàn trong sản xuất phân bón.

Tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón, có hiệu lực từ tháng 2/2014. Theo Nghị định này, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phân bón; đồng thời Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh và chất lượng phân bón; thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón... Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật và quản lý chất lượng phân bón, quản lý sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phân bón.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách về sản xuất kinh doanh phân bón, đồng thời kiểm tra và xử lý vi phạm hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh phân bón. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình, kế hoạch và cơ chế về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón...

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các cấp ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng phân bón cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thì cũng có trách nhiệm trong việc phối hợp với các bộ, ngành thanh kiểm tra và xử lý các vi phạm hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh phân bón thuộc địa bàn quản lý...

Mới đây, Bộ Công Thương đã ra Thông tư hướng dẫn số 29 và có hiệu lực từ cuối tháng 11 tới sẽ tập trung kiểm soát cả 3 khâu: sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu phân bón.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cùng với việc ra đời của các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt việc áp dụng các quy chuẩn, quy định từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; đồng thời có thể di dời các cơ sở, khu vực sản xuất phân bón xa các vùng dân cư tối thiểu 700m, để tránh những thiệt hại và nguy cơ mất an toàn trong sản xuất như vụ nổ vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất thuộc Bộ Công Thương cho biết, hiện tại các cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất về cơ bản là khá hoàn chỉnh.

Các Nghị định, Thông tư cùng nhiều văn bản pháp luật đều đã được ban hành rất rõ ràng và cụ thể, cũng như các chế tài xử phạt vi phạm cũng tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì thu hồi giấy phép hoạt động nên doanh nghiệp không thể coi thường. Tuy rằng có quy định nhưng trách nhiệm thực thi pháp luật của các doanh nghiệp tới đâu mới là vấn đề đáng quan tâm vì đâu đó tình trạng lách luật là vẫn tồn tại.

Theo ông Thanh, giải pháp lâu dài cho vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ đối với hoạt động hóa chất là cần phải điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy hoạch, nhất thiết phải di dời những cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp hoạt động liên quan tới hóa chất vào các khu cụm công nghiệp và không để tồn tại trong khu vực dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm và rủi ro cháy nổ...

Các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất gây mất an toàn dẫn tới cháy nổ hóa chất của các doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý./.