Sức vươn của doanh nghiệp Việt trên thị trường bán lẻ

Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại đang từng bước xâm nhập thị trường và khẳng định được thương hiệu của mình, nâng cao tỉ lệ hàng Việt, hạ giá thành sản phẩm cũng như tăng tính

Việt Nam là thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng với số lượng người tiêu dùng hơn 90 triệu dân và dân số thành thị chiếm 33%. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm 2014đạt khoảng 2,14 triệu tỷ đồng, mức tăng trưởng sau khi loại trừ yếu tố tăng giá là 6,22%. Dự kiến cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 2,97 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2013.

Chiếm lĩnh thị phần trong nước

Số liệu thống kê cũng cho thấy, hiện còn khoảng 80% người dân mua bán tại chợ truyền thống, chỉ có 20% mua sắm trong siêu thị, có thể nói đây là cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt cũng có nhiều lợi thế: Có bề dày văn hoá, phong tục, am hiểu luật pháp, được đa số người dân ủng hộ, nhất là hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến cạnh tranh với các đại gia bán lẻ nước ngoài, vẫn có không ít doanh nghiệp Việt vươn lên, chiếm lĩnh thị phần trong nước và đầu tư ra nước ngoài.

Điển hình là hệ thống Saigon Co.op với tổng số 72 siêu thị, cùng với gần 100 cửa hàng tiện ích Co.op Food trên toàn quốc, bày bán 30.000 mặt hàng các loại. Trong năm 2013, tỉ lệ hàng Việt của toàn hệ thống đạt mức hơn 90%, riêng ngành hàng thực phẩm đạt 95%. Mô hình kinh doanh thành công với doanh thu đạt 1 tỷ USD/năm đã đưa Saigon Co.op lên vị trí bán lẻ số 1 Việt Nam, nằm trong top 500 doanh nghiệp bán lẻ châu Á – Thái Bình Dương.

Thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng là điểm sáng về nắm bắt xu thế kinh doanh trên thị trường cà phê để trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều “đại gia” cà phê ngoại, như Starbursk, Nestle, The Cofee Bean, High Land.

Hệ thống siêu thị online Golmart, cùng với việc phát triển phương thức bán hàng online đã phát triển được 500 đại lý bán hàng offline là các tiểu thương chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa và hệ thống bán hàng online 24/24. Tìm đến phân khúc thị trường là các tiểu thương, Golmart mở rộng kênh phân phối hiện đại nhắm vào đối tượng truyền thống với hơn 10.000 mặt hàng từ thực phẩm đến đồ điện tử gia dụng.

Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống Công ty Cổ phần Thế giới Di động Trần Nhật Linh cũng chia sẻ: Việc nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội để mình thay đổi và thành công. Công ty đang có 250 cửa hàng bán lẻ và dự kiến tới 2015 sẽ có thêm 500 cửa hàng trên toàn quốc.

Ngoài ra, còn rất nhiều thương hiệu Việt đang dần tìm được chỗ đứng và phát triển tại thị trường bán lẻ hiện đại như hệ thống Ocean Mart của Tập đoàn Đại Dương với 8 siêu thị và đại siêu thị; Maximark có 5 siêu thị trên toàn quốc với hơn 30.000 mặt hàng khác nhau...

Đặc biệt, có những phân khúc trong thị trường tiêu dùng được các doanh nghiệp Việt chiếm lĩnh hoàn toàn, như lĩnh vực điện máy ngày càng gia tăng về số lượng siêu thị và chất lượng phục vụ, gồm: Nguyễn Kim (22 cơ sở), Pico (6 cơ sở), Trần Anh (11 cơ sở)…

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2015 là một năm đầy cơ hội và thách thức với ngành bán lẻ Việt Nam. Kể từ ngày 01/11/2015, Việt Nam sẽ cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết khi gia nhập WTO. Khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong nội khối. Cùng với đó, hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ thuế quan hoàn toàn.

Vì vậy, sức ép cạnh tranh bán lẻ đang ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối trong nước. Do đó, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh, các nhà bán lẻ trong nước sẽ còn phải làm nhiều việc để chiếm lĩnh “sân nhà” rộng và sâu hơn nữa.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nên còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại phát triển.

Ông Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các nhà bán lẻ nên tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế...

Ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) chia sẻ:Chiến lược của Ocean Group trong thời gian tới là xây dựng, tìm kiếm nhữngnguồn hàng tin cậy, đặc biệt là thực phẩm; triển khai xây dựng hoặc mua lại các thương hiệu, như kem, bánh ngọt, dầu ăn...

Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, để nâng cao tỉ lệ hàng Việt, cũng như tăng tính chuyên nghiệp, chủ động của nhà phân phối hiện đại, Saigon Co.op đã tự sản xuất được một số mặt hàng tiêu dùng mang nhãn hiệu Saigon Co.op hoặc liên kết với những doanh nghiệp sản xuất trong nước, hay phối hợp với các địa phương. Saigon Co.op cũng đa dạng hóa, phát triển thành công nhiều loại hình bán lẻ phục vụ hầu hết các phân khúc khách hàng như hệ thống Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, Trung tâm thương mại Sense City, kênh mua sắm truyền hình HTV Co.op… Ngoài ra, Saigon Co.op đã xây dựng chiến lược xâm nhập vào những thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa bằng các mặt hàng nhu yếu phẩm tiêu dùng cần thiết với giá cả bình ổn phù hợp với thu nhập của người dân.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp; cần có các biện pháp, chế tài nghiêm ngặt và mạnh mẽ với các hành vi gian lận thương mại nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. “Một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, nếu không được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước” - bà Loan nhấn mạnh.

B. Nga