Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: “Toàn dân làm kinh tế sẽ thắng lợi”

Có thể nói, đường đi và từng chặng hành trình đã được “chốt”, những vướng mắc vẫn còn nhưng chưa đến mức định hình thành rào cản và đã được tháo gỡ ngay tại Hội nghị giao ban đánh giá tái cơ cấu doanh

Khuyến khích nhân dân làm kinh tế

Cách đây hơn một năm, những ai dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tổ chức vào ngày 18/2/2014 đều cảm thấy không khí hơi “chùng” đối với một hội nghị mang tính toàn quốc; có Thủ tướng, Phó thủ tướng đồng chủ trì hội nghị, có lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tham dự.

Nói “chùng” bởi trên bàn chủ trì, Thủ tướng Chính phủ gợi mở rất nhiều, nhưng con số đại biểu đăng đàn không nhiều lắm. Hơn thế nữa, những cam kết ở cuối mỗi bài phát biểu mang định tính nhiều hơn định lượng. Chẳng mấy người khi chốt được con số cụ thể ngành mình, tập đoàn mình sẽ cổ phần hóa, sẽ thoái vốn xong ở bao nhiêu đơn vị.

Sự “chùng” ấy được đánh giá là chân thực và có lòng tự trọng: vì làm chưa được nhiều nên chưa mạnh miệng; đã qua rồi cái thời làm ít mà cả gan hứa suông nhiều. Quả thực, đây là thời kỳ khó khăn trong thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp do thị trường chứng khoán lao dốc từ năm 2008. Liền trong 3 năm, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước chỉ sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp.

Ấy vậy mà tại Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp cuối tháng 3 năm 2015 này, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh “năm nay dứt khoát phải cổ phần hóa xong 289 doanh nghiệp nhà nước” thì đại biểu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty ào ào đăng đàn phát biểu.

Và, ngược lại với hội nghị năm trước, những phát biểu định tính dường như vắng bóng, nhường chỗ cho định lượng. Chủ tịch Tập đoàn Than - Khoáng sán Việt Nam (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn cho biết, hiện đã có 5 đơn vị của Tập đoàn này đã được phê duyệt giá chào IPO trong đó có Tổng công ty Điện, Tổng công ty Khoáng sản... dự kiến cuối tháng 4/2015 sẽ IPO và cả năm sẽ cổ phần hóa xong 8 đơn vị. Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, Tập đoàn này chỉ phải thoái vốn tại 7 đơn vị và dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành. EVN đã lập ban chỉ đạo cổ phần hóa một tổng công ty phát điện, hiện nay đang xác định giá trị doanh nghiệp, đến tháng 12 sẽ trình phương án cổ phần hóa tổng công ty này... Cụ thể đến từng đơn vị, từng con số, từng mốc thời gian.

Không khí hồ hởi của hội nghị năm nay là do con đường tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã sáng rõ, được minh chứng qua thực tiễn. Chỉ trong quý I năm nay đã cổ phần hóa được 29 doanh nghiệp, bằng 1/3 của cả 3 năm 2011 - 2013! Cùng với đó, số doanh nghiệp đã và đang xác định giá trị được lên tiến độ để đến quý IV hoàn thành cổ phần hóa toàn bộ 289 doanh nghiệp.

Trái ngọt đầu mùa của năm 2015 được tiếp sức bởi tinh thần “khuyến khích người dân làm kinh tế” của người đứng đầu Chính phủ. Từ năm 2014, hàng loạt các rào cản khiến người dân khó tiếp cận cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước đã được tháo gỡ. Đầu tiên là Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 cho phép chào bán ra công chúng số cổ phần mà doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ đã đầu tư ra các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp chưa niêm yết, đăng ký giao dịch, khi đấu giá cổ phần mà “ế”, được phép chuyển sang bán thỏa thuận.

Tiếp đến, Quyết định 51/2014/QĐ-TTg lần đầu tiên tạo ra khung khổ pháp lý cho phép doanh nghiệp nhà nước thoái vốn dưới mệnh giá (Điều 4) và thoái vốn dưới giá trị sổ sách (Điều 5). Đối với trường hợp đấu giá không thành công được phép giảm giá bán 10% và, đối với trường hợp không bán hết số cổ phần chào bán qua đấu giá được phép giảm giá bán 10% so với giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá. Đây được coi là ngòi nổ khai thông bế tắc đã tồn tại nhiều năm trước khiến tiến độ cổ phần hóa dậm chân tại chỗ. Chúng thể hiện tinh thần linh hoạt và quyết tâm chia sẻ cơ hội đầu tư cho mọi người dân.


Nhiều vướng mắc được tháo gỡ ngay tại Hội nghị

Hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm nay cũng xác lập một kỷ lục có đến trên 20 lượt lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đăng đàn. Phát biểu của các đại biểu cho thấy, khác với nhiều hội nghị có cùng nội dung của những năm trước, những khó khăn vướng mắc không nhiều, và không quá nan giải. Phần lớn đã được “quyết” ngay tại Hội nghị, như vấn đề sửa đổi bổ xung Nghị định 51 về chế độ tiền lương, thưởng cho cán bộ quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa, được Bộ trưởng Bộ Lao đông - Thương binh - Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết sẽ trình Chính phủ trong tháng 9. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ hoàn thành 2 nghị định và 2 thông tư hướng dẫn Nghị định 118 vào tháng 4.

Kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, về cơ bản cơ chế là phù hợp. Cũng còn những vướng mắc nhưng không lớn. Theo Thủ tướng, chính sách đã thuận, vấn đề là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện.

Một thuận lợi nữa là các đầu công việc và tiến độ hoàn thành đã được Hội nghị vạch ra hết sức chi tiết. Cụ thể:

- Trong tháng 4/2015: Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 118 về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp.

- Đối với 82 doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp trong quý II/2015, phấn đấu trong quý III/2015 tất cả được công bố giá trị doanh nghiệp và quý IV hoàn thành cổ phần hóa.

- Đối với 126 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, quý II công bố giá trị doanh nghiệp và quý III hoàn thành cổ phần hóa.

- Đối với 52 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, quý II hoàn thành cổ phần hóa.

- Hàng tháng các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tiến độ thực hiện.

Có thể nói, đường đi và từng chặng hành trình đã được “chốt”, những vướng mắc vẫn còn nhưng chưa đến mức định hình thành rào cản và đã được tháo gỡ ngay tại Hội nghị.

Và, cũng cần lắm sự “quyền biến” sao cho sát với thực tế thị trường. Như khi Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, đã lập ban chỉ đạo cổ phần hóa một tổng công ty phát điện, hiện nay vẫn đang xác định giá trị doanh nghiệp, nhưng một tổng công ty phát điện có qui mô vốn chủ sở hữu lên tới 20.000 tỉ đồng, chỉ có thể nhà đầu tư nước ngoài mới mua được, thì Thủ tướng gợi ý ngay, nếu cổ phần hóa từng nhà máy trước, sau đó mới cổ phần hóa toàn tổng công ty thì dễ hơn.

Hoặc như kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng đã phân tích: Những lĩnh vực, doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm chi phối thì ta còn giữ nhiều quá. Nếu anh giữ chi phối, anh quyết hết, mà lợi nhuận anh thấp, lại chỉ bán 10 - 20% thì làm sao hấp dẫn người mua? Với những doanh nghiệp đó, cần bán từ 51% để người mua có quyền tham gia điều hành.


Bắc Văn