Tận dụng cơ hội điều tiết giá tiêu đang trên đà giảm

Giá tiêu Việt Nam hiện nay, cùng với xu hướng chung của thị trường hồ tiêu thế giới, đang giảm mạnh và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px} p.p3 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545}

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 3/2018, Việt Nam xuất khẩu 11.892 tấn hạt tiêu, đạt kim ngạch 43,8 triệu USD, giảm so với con số ấn tượng 82,2 triệu USD của cùng kỳ năm 2017 47,7% nhưng tăng so với cùng kỳ tháng trước 23,4%.

Giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân trong kỳ ở mức 3.655 USD/tấn, giảm 39,3% so với mức giá xuất khẩu bình quân cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu 2 tháng đầu năm Việt Nam đạt 30.097 tấn tiêu các loại, tăng 36,5% về lượng nhưng lại giảm 23,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong kỳ đạt 3.661 USD/tấn, giảm 8,6% so với giá xuất khẩu bình quân của tháng trước.

Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay 20/3/2018 vẫn đang ở mức thấp kỷ lục. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), giá tiêu đang dao động ở mức 52.000 - 56.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu thấp nhất được ghi nhận là 53.000 đồng/kg ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Trong khi đó, tại Bình Phước và Đồng Nai giá tiêu đạt 55.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk và Đắk Nông, tiêu đang có giá bán cao hơn cả là 56.000 đồng/kg.

Việc giá tiêu giảm đã xảy ra từ năm ngoái khi mà nguồn cung hạt tiêu toàn cầu tăng lên mạnh mẽ, trong đó có cả Việt Nam. Khi thấy tiêu bán được giá cao liên tiếp nhiều năm gần đây, đặc biệt trong thời điểm giá chạm đỉnh năm 2015 đạt trên dưới 220.000 đồng/kg, gấp tới 4 lần giá tiêu hiện nay, nhiều người nông dân đã chuyển sang canh tác hồ tiêu hoặc đầu tư mạnh hơn cho vườn tiêu để tăng năng suất, nhưng sau đó khi giá thấp dần lại lưỡng lự, không muốn bán ra để chờ đợi thời cơ.

Thế nhưng, từ cuối năm 2016 tới đầu năm nay, dịch bệnh hoành hành và thời tiết bất lợi kéo dài dẫn đến việc chết một loạt các diện tích lớn trồng tiêu ở các tỉnh chủ lực về mặt hàng này như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,… khiến cho tiêu không chỉ đi xuống về giá, mà còn sụt giảm lớn về lượng. Bước vào vụ thu hoạch, người nông dân trồng tiêu đã thu hoạch trên 70% diện tích nhưng đang phải đối mặt với rớt giá và mất mùa.

Bước vào vụ thu hoạch, người nông dân trồng tiêu đã thu hoạch trên 70% diện tích nhưng đang phải đối mặt với rớt giá và mất mùa

Thực trạng này của tiêu Việt Nam cũng ở trong xu thế chung của thế giới. Theo trang The Hindu BusinessLine, trong mùa vụ 2017 - 2018, sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ dự kiến chỉ đạt 55.000 tấn, giảm 10.000 - 15.000 so với dự kiến được đưa ra trước đó. Lý do chủ yếu được Hiệp hội của Tổ chức những người trồng tiêu Ấn Độ đưa ra cũng như Việt Nam chính là thời tiết khô hạn kéo dài từ năm ngoái.

Giá hạt tiêu trên sàn Kochi - Ấn Độ hôm nay 20/3 tiếp tục giảm so với phiên giao dịch trước. Kỳ hạn giao ngay tháng 3/2018 ở mức 40.035 Rupee/tạ; giao ngay tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2018 lần lượt ở mức 40.275; 40.495 và 40.755 Rupee/tạ. (Tỷ giá: 1 USD = 65,1684 Rupee)

Đại diện VPA nhận định, giá tiêu vẫn chưa có dấu hiệu dừng giảm, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại chỉ có Việt Nam và Campuchia đang ở vụ thu hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3/2018. Còn các nước khác tháng 6/2018 mới đến vụ thu hoạch. Như vậy nhu cầu tiêu thụ của các nhà nhập khẩu hồ tiêu từ nay đến tháng 6/2018 sẽ tập trung chủ yếu ở thị trường Việt Nam và Campuchia.

Đây là cơ hội mà người dân trồng tiêu và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải nắm bắt và tận dụng để điều tiết giá bán trên thị trường, cải thiện tình trạng mất giá quá nhiều trong 2 năm gần đây. VPA khuyến nghị, trong thời điểm giá thấp người nông dân không nên bán tiêu ra ồ ạt và các doanh nghiệp cũng không nên ký hợp đồng vội vàng khi chưa mua được hàng.

Thy Thảo