Tăng trưởng nhờ những “ngoại lệ”

Trong giai đoạn 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của quý IV thường cao hơn 20%-25% so với bình quân của quý I và quý II, và quý IV thường được gọi là quý “bứt tốc” giúp cho hoàn thành mục tiêu tăng t

Tăng trưởng ngoạn mục

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,34% của cùng kỳ năm 2014.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Biểu đồ 1. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2011-2015

Đồ họa; Phú Quang

Nhìn trên Biểu đồ, ta thấy từ năm 2012, GDP 6 tháng đầu năm có xu hướng đi lên, nhưng mức tăng qua mỗi năm không vượt quá 0,6%, riêng 6 tháng đầu năm 2015 có mức tăng vượt trên 1%.

Mặt khác, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2011-2014 thường là 2 quý chạy đà, chưa bao giờ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm, mà phải dựa vào mức tăng tốc của quý IV để hoàn thành mục tiêu cả năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay GDP đã đạt 6,28%, cao hơn mục tiêu tăng trưởng cả năm đã được Quốc hội thông qua là 6,2%.

Bảng 1. Tốc độ tăng trưởng GDP từng quý 2011-2015

Quý I

Quý II

Quý III

Quý IV

Mức tăng của quý IV so với bình quân quý I và quý II (lần)

2011

5,57

5,68

5,7

6,3

1,12

2012

4,75

5,01

5,08

5,9

1,2

2013

4,76

5,0

5,5

6,1

1,25

2014

5,06

5,34

6,0

6,2

1,2

2015

6,08

6,44

Bảng 1 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của quý IV thường cao hơn 20%-25% so với bình quân của quý I và quý II, và quý IV thường gọi là quý “bứt tốc” giúp cho hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm. Song 2 quý đầu năm 2015 là một ngoại lệ khi tăng trưởng vượt cả mục tiêu của cả năm.

Sức kéo của đầu tàu công nghiệp

Mức tăng GDP của 6 tháng đầu năm tuy không bất ngờ nhưng gây sự ngạc nhiên lớn cho giới quan sát, bởi khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng âm (có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014) và khu vực dịch vụ tăng 5,9%, mức tăng không đáng kể so với 5,82% của cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh đó, khu vực công nghiệp, xây dựng là điểm sáng, đã lấy lại vai trò động lực tăng trưởng kinh tế, tăng 9,09% gần gấp đôi cùng kỳ. Tính từ năm 2000 đến nay, động lực tăng trưởng chủ yếu nhờ vào khu vực dịch vụ, nhưng từ 2014, vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế chuyển sang khu vực công nghiệp-xây dựng.

Biểu đồ 2. Sự đổi ngôi trong dẫn dắt động lực tăng trưởng


Đồ họa: Phú Quang

Nhìn trên Biểu đồ, sự đổi ngôi bắt đầu từ năm 2014 khi đóng góp vào tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp - xây dựng gấp 1,04 lần khu vực dịch vụ và chiếm 45,9% trong GDP. 6 tháng đầu năm nay, xu hướng này càng sâu sắc hơn với 1,32 lần và 51,5%.

Trong khu vực công nghiệp-xây dựng, công nghiệp lại được coi là “đầu kéo” với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,6%, cao hơn nhiều so với 7,6% của năm 2014 và đạt mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Nếu tính từ năm 2010 đến nay, chưa có năm nào chỉ số sản xuất công nghiệp quý II cao hơn quý IV của năm trước liền kề, nhưng năm nay cũng là một ngoại lệ khi IIP quý II tăng 10,2%, cao hơn mức tăng 10,1% của quý IV/2014.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế tạo, chế biến tăng rất mạnh với 11% so với cùng kỳ năm trước là một dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy hàm lượng công nghệ trong sản xuất ngày càng gia tăng. Một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất xe có động cơ tăng 28,7%; dệt tăng 23,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,3%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 21,1%, sản xuất bê tông tăng 31,7%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 119,9%, sản xuất thiết bị điện tăng 30,7%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao, cùng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.572.100 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%, đạt mức cao nhất so với mức tăng cùng kỳ từ năm 2012 trở lại đây.

Trong tiêu dùng, tiêu thụ công nghiệp cũng mang tính dẫn dắt động lực. Trong ngành chế biến, chế tạo, chỉ số tiêu thụ trong tháng 5/2015 tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 9,3% so với cùng kỳ của tháng 4).

Tính chung 5 tháng, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao là sản xuất sợi tăng 27,8%, sản xuất bê tông tăng 28,7%, sản xuất sản phẩm điện tử và máy vi tính tăng 30,6%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 42,9%, sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tăng 31,6%, sản xuất xe có động cơ tăng 35,5%.

Đây là những yếu tố quyết định kéo GDP đi lên trong bối cảnh tăng trưởng của khu vực dịch vụ và nông nghiệp chững lại.


Lê Văn