Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu

Thực tế cho thấy, việc nộp thuế, làm thủ tục hải quan đang chiếm nhiều thời gian nhất của doanh nghiệp. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều thủ tục hành chính tron

Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đạt được những kết quả: Quốc hội ban hành Luật Hải quan năm 2014 để bãi bỏ 14 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 41 thủ tục hành chính khác; 98% số tờ khai đã thông quan điện tử, đồng thời giảm 370 giờ kê khai, nộp thuế cho doanh nghiệp…

Nhưng theo nhiều doanh nghiệp, thời gian thông quan hàng hóa hiện vẫn còn dài bởi lẽ nhiều mặt hàng trước khi được phép xuất nhập khẩu phải có các giấy phép chuyên ngành. Hơn nữa, hiện vẫn còn tình trạng, cùng một mặt hàng nhưng được điều chỉnh bởi nhiều chính sách, khiến cho doanh nghiệp phải làm việc với rất nhiều cơ quan, của những bộ ngành khác nhau, dù cùng một nội dung công việc... làm chậm trễ thời gian thông quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nếu chỉ cải cách mỗi thủ tục hành chính về hải quan thì vẫn chưa tạo thuận lợi hoàn toàn cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, do vậy cần phải giảm thêm các thủ tục về quản lý chuyên ngành. Và ngành Hải quan đang làm đề án về cơ chế phối hợp kiểm tra chuyên ngành. Theo dự kiến một ban chỉ đạo quốc gia về vấn đề này sẽ được thành lập, khi đó mới giải quyết được vấn đề tận gốc về kiểm tra chuyên ngành, để cùng chung sức giảm chỉ tiêu thời gian giải phóng hàng.

Theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, thuế và hải quan phải cắt giảm thủ tục, thời gian hoàn thuế, giải quyết đúng hạn các vướng mắc của doanh nghiệp và hạn chế công tác kiểm tra doanh nghiệp thông qua việc chỉ tập trung những doanh nghiệp có rủi ro cao và có dấu hiệu bất thường trong việc thực hiện chính sách của Nhà nước. Qua đó, tránh gây phiền hà cho các doanh nghiệp làm ăn tốt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn nữa cũng như sự tham gia của nhiều phía.

Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục rà soát để cắt giảm thời gian nộp thuế xuống còn 171 giờ, đồng thời đến cuối năm 2016, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu xuống còn dưới 10 ngày và thời gian nhập khẩu xuống còn dưới 12 ngày. Đây là chỉ số ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN-4.Điều này đã được thể hiện một cách quyết liệt bằng những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ từ đầu năm đến nay, như: Đẩy nhanh kết nối chính thức giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với hệ thống thông tin của các bộ, ngành; thực hiện Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu doanh nghiệp xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thực hiện chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); bổ sung quy định về phạm vi và số lượng các thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia…

Ông Goyal Aseem, Giám đốc khối tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền, ANZ Việt Nam cho biết: “Với những cải cách quyết liệt thời gian qua, Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt và đúng hướng. Điều này thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động”.

Triển khai mạnh phương pháp quản lý hiện đại

Luật Hải quan năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đã có nhiều đột phá trong cải cách thủ tục hải quan. Nếu như trước đây mỗi lần xuất khẩu, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ, khai báo định mức tiêu hao nguyên liệu chuyển đến cơ quan hải quan và chờ duyệt, thì nay, doanh nghiệp không những không phải khai báo định mức tiêu hao nhiên liệu mà nhiều loại hồ sơ giấy tờ khác cũng được bãi bỏ.

Sau những cố gắng tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đơn giản thủ tục hành chính trong năm 2014, thì năm 2015, ngành Hải quan tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa của hệ thống; triển khai mạnh mẽ các phương pháp quản lý hải quan hiện đại; hoàn thiện quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan; thiết lập trung tâm chỉ huy trực tuyến; hoàn thiện bộ chỉ số, trong đó có bộ chỉ số công bố ra bên ngoài (chỉ số về thời gian giải phóng hàng) để doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30/6 phải kết nối được cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã có văn bản gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và các bên liên quan (các công ty kinh doanh cảng, kho bãi cảng và các công ty logistics và chính các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa) để phối hợp thực hiện giảm thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xây dựng trình Thủ tướng đề án nâng cao hiệu quả và chất lượng hàng hóa của công tác kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch hàng hóa khu vực biên giới phù hợp thông lệ quốc tế với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cơ sở đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nguồn nhân lực tại 5 cửa khẩu và cảng biển lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Lào Cai để kiểm dịch được hàng hóa, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, bảo vệ an ninh an toàn cho nền kinh tế tại cửa khẩu có hiệu quả, chất lượng.

Một trong những mục tiêu của cải cách thuế, hải quan là hạn chế tối đa sự tiếp xúc của cán bộ thuế, hải quan đối với doanh nghiệp, để giảm bớt những tiêu cực, nhũng nhiễu. Tuy nhiên, cái khó để hoàn thành mục tiêu này hiện không phải ở thể chế, luật pháp hay quy định, quy trình mà lại nằm ở quyết tâm ở mỗi cán bộ công chức thuế, hải quan. Do vậy phải truyền cảm hứng đến sự thay đổi ở mỗi cán bộ công chức để thay đổi tư duy, cách làm cũ và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý mới thực sự đảm bảo cho mục tiêu đạt hiệu quả và bền vững. Đây được coi là cuộc cách mạng trong hành chính bởi tự thay đổi mình là khó nhất. Chỉ có như vậy mới nâng cao được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường từ đó tăng cường lòng tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh và bộ máy công quyền của đất nước.

Ông Costantino Sambuy - Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam nhận xét: “Hoạt động tại Việt Nam chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục thuế và hải quan. Điều này tạo sự thuận lợi, khiến doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền bạc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp không chỉ khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh mà còn thể hiện mong muốn của Chính phủ trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp trong nước.

Minh Anh