Thách thức kinh tế từ khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa Qatar với các quốc gia trong khu vực xảy ra từ đầu tháng 6/2017 vẫn tiếp tục leo thang trong bối cảnh Doha đã từ chối thực hiện “tối hậu thư” gồm 13 yêu sách

Đáp lại, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã ra tuyên bố cho biết họ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Doha. “Cây gậy” trừng phạt mà các nước vùng Vịnh giáng vào Qatar đang tạo ra thách thức kinh tế không nhỏ với Doha, các nước trong khu vực cũng như thị trường năng lượng quốc tế.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã bùng phát với việc 4 nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập ngày 5/6 tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố. “Ngòi nổ” của sự kiện nêu trên là việc Hãng thông tấn nhà nước Iran hôm 24/5 công bố bài phát biểu của quốc vương nước này, trong đó ca ngợi Iran là “cường quốc khu vực” và cho rằng “đối đầu với Iran là không sáng suốt”. hãng thông tấn của Qatar đã lập tức phủ nhận các thông tin nêu trên và cho biết trang mạng của họa đã bị tin tặc tấn công, đưa ra các thông tin bịa đặt để mưu hại Qatar và chia rẽ các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, các nước láng giềng của Qatar vẫn “mũ ni che tai”, hoàn toàn phớt lờ sự giải thích của Qatar. Các nước nói trên sau đó đưa ra một tối hậu thư gồm 13 yêu sách, đồng thời đặt ra hạn chót cho Doha đáp ứng các yêu cầu này trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 2/7. Ngoại trưởng Qatar Abdulrahman Al-Thani đã lên tiếng khẳng định danh sách yêu cầu mà Saudi Arabia cùng các nước đồng minh gửi tới Qatar là “phi thực tế và không thể thực hiện được”, đồng thời cho rằng yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera là động thái nhằm “dập tắt sự tự do ngôn luận”. Ngày 7/7, 4 quốc gia Arab dẫn đầu cuộc tẩy chay chống lại Qatar tiếp tục “chụp mũ” nước này với tuyên bố việc Doha từ chối thực hiện các yêu cầu của họ là bằng chứng cho thấy nước này “có mối liên hệ với các nhóm khủng bố”, đồng thời cho biết họ sẽ đưa ra những biện pháp mới chống Qatar.

Các biện pháp trừng phạt của các nước Arab đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Qatar, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hàng không, du lịch và xuất nhập khẩu. Việc các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và một vài quốc gia khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế đang gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Qatar. Doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Qatar tăng lên 7,8% GDP. Các biện pháp trừng phạt nói trên cũng khiến nhiều ngân hàng nước ngoài giảm quy mô kinh doanh với Qatar và ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không của nước này. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways đã phải hủy một loạt chuyến bay hàng ngày và máy bay của hãng này phải bay đường vòng, chủ yếu là vòng quanh Bahrain và không phận khổng lồ của Saudi Arabia, qua đó làm gia tăng thời gian cũng như chi phí bay. Nhà phân tích hàng không Kyle Bailey cho rằng việc mất đi hai thị trường lớn nhất của Qatar Airways là Saudi Arabia và UAE sẽ là một tổn thất tài chính to lớn đối với hãng hàng không này khi doanh thu của hãng mất khoảng 30%.

Qatar là nước đăng cai Vòng chung kết Cúp Bóng đá Thế giới (World Cup) 2022, vì vậy việc gần 10 nước đã cắt đứt hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar, dẫn đến nguy cơ giải bóng đã lớn nhất hành tinh vào năm 2022 có thể vắng nhiều đội bóng ở châu Á. Qatar dự tính phải chi tới 200 tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup 2022 và khủng hoảng ngoại giao sẽ khiến nước này rất khó khăn trong thu hút tài trợ để bù cho khoản chi khổng lồ nêu trên… Ngoài ra, Doha cũng phụ thuộc khá nhiều vào lực lượng lao động từ bên ngoài và nếu lực lượng này bị cắt giảm do khủng hoảng ngoại giao, công việc xây dựng hạ tầng chuẩn bị cho Vòng chung kết World Cup 2022 ở Qatar sẽ bị ảnh hưởng vô cùng lớn.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Quatar bị thiệt hại vì các lệnh trừng phạt, các nước ra lệnh trừng phạt cũng đang chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông” với các thách thức không nhỏ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa đã khiến các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau. Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi vừa khẳng định rằng các nước áp đặt trừng phạt Qatar cũng sẽ bị tổn hại về tài chính do tác động từ lệnh trừng phạt đối với thương mại trong khu vực.Trong khi đó, Tổng giám đốc của Trung tâm Tài chính Qatar Youssef Mohamed Al-Jaida vừa cho biết, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang khiến các hợp đồng trị giá 2 tỷ USD được ký kết giữa các đối tác hai bên đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh cũng có nguy cơ tạo cảnh “cháy thành vạ lây” với thị trường năng lượng quốc tế. Mặc dù sản lượng dầu của Qatar chỉ khoảng 600.000 thùng dầu/ngày, chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng dầu thô toàn thế giới, song nước này lại là một quốc gia quan trọng trong thị trường khí hóa lỏng tự nhiên (LNG), chiếm 1/3 nguồn cung khí hóa lỏng toàn cầu. Khách hàng chủ yếu của Qatar là các nước châu Á và châu Âu. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đếnxuất khẩu dầu và khí đốt của Qatar bởi các tuyến đường biển chính của nước này đi qua vùng biển Oman và Iran không bị phong tỏa. Tuy nhiên, trong trường hợp căng thẳng tiếp tục kéo dài, tiền bảo hiểm cho các chuyến tàu sẽ gia tăng nhanh chóng và Qatar sẽ là bên phải chi trả cho sự gia tăng đó.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh vẫn “căng như dây đàn” hiện nay, các nhà phân tích cũng đã bắt đầu lo ngại về một kịch bản tồi tệ có thể xảy ra, đó là xung đột quân sự. Theo đó, giá năng lượng sẽ tăng vọt. Jean-Francois Seznec, chuyên gia thuộc Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Mỹ dự báo: “Nếu những căng thẳng này phát triển thành một cuộc đối đầu quân sự, tôi dự đoán sẽ có một sự tăng giá mạnh đột ngột, lên tới 150 USD/thùng dầu từ mức dưới 50 USD hiện nay”. Ngoài ra, giá khí đốt cũng có thể “gia tăng theo cấp số nhân”.

Bất chấp các thách thức kinh tế lớn đặt ra cho các bên liên quan, cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trước các thách thức kinh tế lớn nêu trên, Ngân hàng Trung ương Qatar ngày 10/7 khẳng định khoản dự trữ 340 tỷ USD có thể giúp nước đủ tiền mặt để đương đầu với "bất kỳ cú sốc nào". Hãng tin MENA ngày 10/7 cho biết, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani, trong đó nêu ra các điều kiện của Qatar yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh để dỡ bỏ phong tỏa, nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi GCC.Trước đó, Qatar thông báo nước này đang lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường có thể lên tới hàng tỷ USD về những thiệt hại xuất phát từ sự “bế quan tỏa cảng” của các nước láng giềng đối với nước này.

Xem ra, trong “cuộc chiến” ngoại giao này, cả Qatar và các nước láng giềng đều chưa chịu “xuống thang” và nếu như “ngòi nổ” của cuộc xung đột không được sớm tháo gỡ, những thách thức kinh tế sẽ gia tăng và tất cả các bên sẽ đều là “bên thua cuộc”.

Quốc Trường