Thái Nguyên đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong chế biến khoáng sản

Trong những năm gần đây, Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản, mặt khác cải thiện môi trường đầu tư thu hút các dự án về chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, cùng với sự phát t

Thái Nguyên không những nhiều tiềm năng về khoáng sản mà còn phong phú về chủng loại, đó là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Trong những năm gần đây, Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản, mặt khác cải thiện môi trường đầu tư thu hút các dự án về chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh về khai khoáng, Thái Nguyên đã và đang đối mặt với không ít hệ lụy trong quá trính khai thác, chế biến khoáng sản.

Hệ thống chế biến xỉ ti tan của Công ty CP Đầu tư và phát triển khoáng sản

Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến hết năm 2013, Thái Nguyên có 250 điểm mỏ, điểm khoáng sản (có 176 mỏ, điểm khoáng sản đã được công bố) với 24 loại khoáng sản trong đó có một số khoáng sản lớn như: Wolfram, than, sắt, titan, chì, kẽm... Tuy nhiên, ngoài dây chuyền luyện kim của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Dự án đa kim Núi Pháo thì hầu hết các nhà máy tuyển khoáng được sử dụng công nghệ tuyển nhỏ, thủ công hoặc bán cơ giới nên hệ số thu hồi thấp, giá thành cao và chưa thu hồi được khoáng sản có ích đi kèm... Như vậy, bài toán đặt ra cho Thái Nguyên lúc này sẽ là thay đổi công nghệ khai thác, chế biến sâu khoáng sản để vừa đáp ứng nhu cầu thị trườngvà đảm bảo môi trường sản xuất sạch trong công nghiệp.

Được biết, đối với Thái Nguyên, thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020", thì từ năm 2006 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các dự án nằm trong chiến lược này, trong đó lĩnh vực chế biến khoáng sản gồm có: Cải tạo công đoạn sấy nguyên liệu của Nhà máy Xi măng Lưu Xá; cải tạo lò quay số 2 sản xuất bột ZnO 60% Zn công suất 4.000 tấn/năm của Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên; Thay thế 2 cặp lò nấu tại Công ty Cổ phần công nghệ cao Sao Xanh... Trong ngành luyện kim, đầu tư 10,3 tỷ đồng cho các giải pháp đầu tư lớn, đem lại lợi ích 3,4 tỷ đồng/năm, đã giảm phát thải 3810 tấn CO2/ năm; 3,68 tấn PbO/ năm; giảm 31 tấn bụi; 2552 m3 nước thải/ năm. Các dự án đi vào hoạt động đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhờ tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm nước thải, giảm lượng tiêu thụ điện, giảm nồng độ bụi trong khí thải, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Sau khi triển khai thực hiện Hợp phần sản xuất sạch hơn (CPI), Thái Nguyên đã đạt được kết quả khả quan, đây chính là nền tảng vững chắc để tiếp tục đưa các chương trình mục tiêu quốc gia hoạt động ngày càng hiệu quả. Cụ thể, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu giảm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu, năng lượng và nước) 3 - 5%, giảm 5 - 10% tổng lượng phát thải tính trên đơn vị sản phẩm, giảm chất thải trên 5% trong một số công nghiệp nói chung và cụ thể trong một số ngành như ngành luyện kim, khai thác, chế biến khoáng sản và 25% - 30% Doanh nghiệp được áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH), góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 12-14%/năm, trong đó công nghiệp chiếm 45% về cơ cấu kinh tế.

Dự án Núi Pháo

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Khắc Hiển – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong việc áp dụng SXSH trong lĩnh vực chế biến khoáng sản như về: Kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành và nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, có một số doanh nghiệp mặc dù nhận thức được lợi ích của các giải pháp SXSH nhưng chưa mạnh dạn tự thực hiện; Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện SXSH còn hạn chế (đặc biệt là sau khi sự hỗ trợ của Hợp phần CPI kết thúc); Sự duy trì áp dụng các giải pháp SXSH của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức... Nhưng trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp mà cụ thể là đánh giá lại trình độ công nghệ để có phương án đầu tư, cải tạo nâng cao hiệu quả sản xuất; Đối với các loại quặng nhỏ, quặng bùn sử dụng công nghệ thiêu kết đóng bánh, vê viên… để tận dụng tối đa giá trị tài nguyên; Đối với các cơ sở chế biến sâu đầu tư mới: Phải lựa chọn công nghệ kỹ thuật tiên tiến hiện đại trên thế giới, trang bị đầy đủ thiết bị phân tích, kiểm tra, thiết bị bảo vệ và xử lý triệt để các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Cùng với việc hiện đại hóa công nghệ trong khai thác, Thái Nguyên tiếp tục Xây dựng Quy trình đánh giá kết quả áp dụng SXSH nội bộ doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; Xây dựng sổ tay hướng dẫn kiểm toán kết hợp SXSH/An toàn/Sức khoẻ và quy trình đánh giá về kết quả áp dụng SXSH nội bộ cho các Doanh nghiệp.. Đặc biệt, xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay cho các doanh nghiệp khi đầu tư các dự án chế biến khoáng sản áp dụng SXSH. Đây là điều kiện cần thiết và là nguồn động lực để các doanh nghiệp cùng chung tay đồng hành bảo vệ môi trường.