Than Núi Hồng: Bài toán giải quyết khó khăn

Năm 2014 Công Ty than Núi Hồng (Than Núi Hồng) gặp nhiều khó khăn, khai thác than ngày càng xuống sâu xuất hiện nhiều mạch nước ngầm dẫn đến chi phí điện năng lớn để phục vụ bơm thoát nước moong.

 Vận chuyển than qua tuyến đường sắt Quan Triều – Núi Hồng phải tạm dừng do di dời 04 km đường sắt đoạn qua mỏ khoáng sản Núi Pháo, chi phí vận chuyển đường bộ tăng cao do việc cấm xe quá tải của ngành giao thông vận tải, tiêu thụ sản phẩm chậm đã ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình hoạt động SXKD của Công ty…

Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Công ty than Núi Hồng đã đưa ra nhiều giải pháp như tiết kiệm chi phí; sắp xếp lại lao động, thiết bị hợp lý; khoán chi phí... nhằm từng bước khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2014.

Nhằm tiết kiệm chi phí trong sản xuất, Than Núi Hồng đã tiến hành sắp xếp, bố trí và sử dụng hiệu quả thiết bị. Đối với những thiết bị cũ sản lượng kém, hỏng hóc nhiều, tốn kém nhiều chi phí sửa chữa, Công ty đã thay thế bằng thiết bị mới như thay thế 05 xe ô tô Howo cho các xe Kpaz và xe Bellaz cũ... Giải pháp cứng hơn đối với việc sử dụng thiết bị không hợp lý như việc máy xúc lớn di chuyển bất hợp lý sẽ không được nghiệm thu, không quyết toán. Tiếp theo là rà soát lại toàn bộ các hệ thống định mức để giao khoán lại và hàng ngày ở các đầu thiết bị phải triệt để, nếu thấy chưa hợp lý thì phải rà soát điều chỉnh lại ngay. Đặc biệt, trong công tác khoan nổ mìn, Công ty yêu cầu đối với hộ chiếu khoan nổ, hai bên phải kiểm tra cùng trao đổi thống nhất với nhau trước khi nổ để tăng được quy mô nổ. Bởi nếu tăng được quy mô nổ thì sẽ giảm được các mô chân tầng, giảm tỷ lệ đá quá cỡ dẫn đến tăng năng xuất bốc xúc, tiết kiệm chi phí. Riêng về việc thực hiện khoan nổ hiệu quả đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho công ty.

Sử dụng thiết bị hợp lý và hiệu quả

Giám đốc Trần Hải Bình cho biết, việc giao khoán thiết bị được Than Núi Hồng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đã góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ của Công ty. Tuy nhiên, đối với Than Núi Hồng bài toán khó là sắp xếp lại lực lượng lao động sao cho phù hợp, sao cho hiệu quả. Dẫu biết là khó nhưng Than Núi Hồng đã và hiện đang làm tốt điều này. Giám đốc Bình cho biết thêm: Các chức danh từ đốc công cho đến các phó phòng đều phải sắp xếp lại, có những phòng ban, phân xưởng trước đây có 2 người là phó phòng, ban thì bây giờ chỉ có một phó phòng, ban. Điều này đã giảm được lực lượng cán bộ quản lý mà không ảnh hưởng tới công việc được Giám đốc giao.

Đặc biệt, Than Núi hồng áp dụng cơ chế khoán lương theo sản phẩm kết hợp với chế độ thưởng phạt nghiêm minh, dân chủ, công khai đã làm năng suất lao động tăng lên đáng kể, chất lượng được cải thiện, thu nhập của người lao động được giữ ổn định (năm 2014 đạt bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng).

Với những giải pháp thiết thực và hiệu quả ấy, tin rằng, Than Núi Hồng sẽ sớm về đích với những kết quả đáng ghi nhận.

Lê Hằng