Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý bảo vệ môi trường trong các khu, cụm công nghiệp ở Đồng Nai

Trong những năm qua, Đồng Nai được biết đến như một trong những tỉnh thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, hình thành nên các khu công nghiệp, góp phần quan trọng vào việc phát triển ki

        Những hạn chế vướng mắc trong quản lý bảo vệ môi trường các khu công nghiệp ở Đồng Nai        

      Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, trong đó có 29 khu công nghiệp đều đã thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường và về cơ bản đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung; 18/29 Khu công nghiệp đã lắp đặt trạm quan trắc tự động bao gồm 22 trạm tại 17 Khu công nghiệp do các chủ đầu tư Khu công nghiệp tự lắp đặt và 13 trạm tại 13 Khu công nghiệp do Nhà nước lắp đặt. Các Khu công nghiệp chưa đầu tư trạm quan trắc tự động nước thải theo quy định do lượng nước tiếp nhận chưa đủ để vận hành hệ thống xử lý nước thải. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc chấp thuận chủ trương triển khai văn bản số 1343/TCMT-KSON của Tổng cục Môi trường về việc quản lý, vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục tại các Khu công nghiệp. Đối với công tác kiểm tra phân loại cơ sở gây ô nhiễm môi trường Đồng Nai đã tiếp nhận và xử lý 09 hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm môi trường. Theo Quyết định số 2265/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, đã chấp thuận đưa 05 cơ sở ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Số cơ sở được chứng nhận hoàn thành khắc phục ô nhiễm năm 2015 là 10 cơ sở, nâng tổng số cơ sở đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường và có Quyết định chứng nhận đến nay là 142/157 cơ sở, đạt 90,4%.


                                     Khu công nghiệp AMATA Đồng Nai

       Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp còn nhiều hạn chế, vướng mắc, do cơ sở hạ tầng khu công nghiệp như: mạng lưới thu gom, thoát nước, trạm xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời, chưa đầy đủ theo yêu cầu quy định về bảo vệ môi trường. Trên thực tế, trạm xử lý nước thải tập trung của các Khu công nghiệp thường được bắt đầu triển khai xây dựng, vận hành khi diện tích đất cho thuê đã có hoạt động đầu tư lấp đầy khoảng 70%. Ngoài ra, các phương tiện và nhân sự cũng chưa sẵn sàng hay chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc ứng cứu các sự cố môi trường đối với Khu công nghiệp. Đáng chú ý là nhiều dự án/nhà máy đi vào hoạt động, nhưng chưa xây dựng hoàn chỉnh và vận hành sử dụng đạt yêu cầu đối với các hạng mục công trình xử lý về môi trường theo Quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được cấp. Việc phối hợp về đấu nối thoát nước và thu gom xử lý nước thải giữa doanh nghiệp phát triển hạ tầng Khu công nghiệp và các doanh nghiệp bên trong Khu công nghiệp cũng chưa được phân định trách nhiệm rõ ràng.

      Đối với công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại trong Khu công nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp ở Đồng Nai tự tổ chức phân loại chất thải; ký hợp đồng kinh tế với các tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh về thu gom và vận chuyển chất thải để đưa chất thải ra khỏi nhà máy ở các Khu công nghiệp. Tuy nhiên qua thực tế, hoạt động này cho thấy nhiều trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển chất thải như: Các doanh nghiệp chưa phân loại ngay tại nguồn đối với các dạng chất thải (chất thải nguy hại lẫn với chất thải không nguy hại); chưa thực hiện đầy đủ biện pháp bảo vệ môi trường trong tồn trữ, chứa chất thải nguy hại; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm đăng ký về chủ nguồn thải đối với chất thải nguy hại theo quy định. Các doanh nghiệp có ký hợp đồng kinh tế về thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại nhưng lại giao dịch với các đơn vị dịch vụ không có chức năng đúng quy định bảo vệ môi trường.

        Về thu gom và xử lý nước thải và tiêu thoát nước: hiện tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh, phát triển hạ tầng Khu công nghiệp chưa thực hiện đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung cho Khu công nghiệp một cách đồng bộ, kịp thời. Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp chưa tự giác đầu tư công trình xử lý nước thải cục bộ hay ký hợp đồng phối hợp các đơn vị chức năng về xử lý nước thải để thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đã cam kết thông qua thủ tục đánh giá tác động môi trường ban đầu.

         Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ

       Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại các khu cộng nghiệp, từ đầu năm 2015 đến nay Đồng Nai tập trung hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu là 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường, tiếp tục thẩm định tờ khai và thông báo nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và chất thải rắn năm 2015. Song song đó, tiếp tục triển khai các đoàn kiểm tra theo Quyết định đã duyệt đối với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường các doanh nghiệp năm 2015; kiểm tra, theo dõi các “điểm nóng” về môi trường; theo dõi tình hình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các Khu công nghiệp.

        Các ý kiến cho rằng, thời gian tới Đồng Nai cần thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp cần được chú trọng nhiều hơn nữa sự phù hợp với các quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Nai; phù hơp với quy hoạch chuyên ngành (trong đó, có sử dụng các công cụ giúp lồng ghép các yếu tố bảo vệ môi trường trong quy hoạch sử dụng đất). Bên cạnh đó, việc thu hút dự án đầu tư vào Khu công nghiệp, cần phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt; các ngành nghề được phép thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần được quy hoạch chi tiết, hệ thống. Trong đó, cần phân định các nhóm doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp nên ưu tiên chọn lựa thực hiện các giải pháp trọng tâm như: hoặc, (nhóm A) cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất; hoặc (Nhóm B) xử lý chất thải cuối đường ống; hoặc (nhóm C) kiểm soát mức phát thải, thu hồi và tái chế chất thải,… hoặc cần áp dụng đồng thời tất cả các giải pháp nêu trên một cách tổng hợp (nhóm D). Cần có một mạng lưới quan trắc hiệu quả đối với các Khu công nghiệp, trong đó, các cơ quan chức năng ở địa phương và trung ương thống nhất tổ chức thực hiện, khai thác và chia sẻ sử dụng kết quả quan trắc về môi trường.