“Thay máu” NAFTA không dễ

NAFTA là Hiệp định thương mại tự do giữa ba nước Mỹ, Canada và Mexico với tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ba nước đạt hơn 1.300 tỷ USD năm 2016. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump từng lên án N

Thực tế cho thấy việc “làm mới” NAFTA là không đơn giản khi ba nước chuẩn bị tiến hành vòng 3 đàm phán NAFTA vào cuối tháng 9 này, song trước mắt vẫn ngổn ngang những thách thức, bất đồng.

Việc đàm phán lại NAFTA là theo yêu cầu của Mỹ, nhằm giảm thâm hụt thương mại của nước này với các đối tác láng giềng. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên án NAFTA và de dọa rút khỏi hiệp định mà ông cho là làm mất công ăn việc làm của nước Mỹ. Tuy nhiên, sau đó đã nhượng bộ và chấp nhận đàm phán lại NAFTA.

Tại vòng tái đàm phán đầu tiên về NAFTA cuối tháng 8 tại Washington, ba nước nói trên "cam kết tiến hành một tiến trình đàm phán nhanh chóng và toàn diện nhằm điều chỉnh thỏa thuận trước đây”. Theo đó, các bên liên quan sẽ tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và cố gắng hoàn tất hiện đại hóa hiệp định vào đầu năm 2018.Ở vòng đàm phán đầu tiên, do chưa bàn sâu đến việc thay đổi nội dung, tiêu chuẩn của NAFTA, nên mâu thuẫn chưa nhiều và các bên đã đạt được sự đồng thuận bước đầu.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết cả Mỹ, Canada và Mexico đều nhất trí rằng cần hiện đại hóa NAFTA do các nền kinh tế hiện rất khác so với những năm 90 của thế kỷ trước, thời điểm NAFTA bắt đầu có hiệu lực. Do vậy, 3 quốc gia Bắc Mỹ cần xây dựng các điều khoản bảo vệ thương mại số, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, cũng như cập nhật thủ tục hải quan, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện các quy định trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường các quy tắc minh bạch và thúc đẩy thương mại nông nghiệp dựa trên khoa học.

Tại vòng 2 về tái đàm phán NAFTA diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng điều phối doanh nghiệp Mexico (CCE), ông Juan Pablo Castañón, cho biết ngoài các nội dung đàm phán đạt được nhiều tiến bộ như năng lượng, viễn thông, đầu tư, và đơn giản hóa thủ tục hải quan, lĩnh vực sản xuất ôtô vẫn đạt ít tiến triển nhất. Ngành sản xuất ôtô là một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình tái đàm phán NAFTA, vì đây là ngành chiếm phần lớn trong thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico.Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ “quay lưng” lại với NAFTA nếu không thể thu hẹp khoản thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 64 tỷ USD với Mexico và 11 tỷ USD với Canada.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các nhà vận động hành lang trong ngành ôtô nhận định yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm ôtô đang nổi lên như một trở ngại lớn đối với hiệp định NAFTA.Dù Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không công bố con số cụ thể về tỷ lệ linh kiện tối thiểu phải được sản xuất tại Mỹ trong sản phẩm ôtô Bắc Mỹ, song nhiều nguồn tin tiết lộ tỷ lệ này phải đạt ít nhất là 35%. Yêu cầu trên là một trở ngại lớn hơn cả việc Chính phủ Mỹ muốn nâng tỷ lệ “Bắc Mỹ hóa” trong sản phẩm ôtô của khu vực này từ mức 62,5% ở hiện tại lên cao hơn nữa mới cho phép mặt hàng này được vận chuyển miễn thuế giữa ba nước. Bên cạnh bất đồng về việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lĩnh vực ôtô, đại diện ba nước tham gia tái đàm phán NAFTA còn bất đồng về tiền lương lao động. Phía Mỹ và Canada đều muốn Mexico cải thiện mức lương của người lao động vì hai quốc gia này đều cho rằng chi phí nhân công rẻ đã giúp Mexico có lợi thế hơn về thu hút đầu tư. Đại diện công đoàn trong lĩnh vực tư nhân của Canada nói rằng trong trường hợp Mexico không nhất trí cải thiện mức lương của người lao động thì cần loại bỏ NAFTA. Trong khi đó chính phủ Mexico tuyên bố vấn đề tiền lương của người lao động không thuộc phạm vi đàm phán và quyền lợi của người lao động là vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia. Theo báo cáo của Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody's, trong giai đoạn 2001-2015, mức lương tính theo giờ của Mexico chỉ tăng 9%, tăng ít hơn nhiều so với ở Mỹ và đặc biệt là Brazil, với mức tăng 120%.

Với những bất đồng khó vượt qua như trên, giới phân tích cho rằng, việc tái đàm phán NAFTA sẽ không thể kết thúc chóng vánh và đối mặt nhiều khó khăn ở vòng 3 vào cuối tháng 9 này cũng như các vòng đàm phán tiếp theo. Mâu thuẫn được dự báo sẽ nổ ra giữa Mỹ với Canada và Mexico khi Washington kiên quyết đòi thay đổi các điều khoản để giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng, mục tiêu tái đàm phán NAFTA của Mỹ là giảm thâm hụt thương mại, song Canada và Mexico cần cảnh giác với việc Mỹ có thể lợi dụng lá bài “thâm hụt thương mại” để “bỏ thuốc độc” bảo hộ vào NAFTA mới. Dự kiến những mâu thuẫn lớn cũng sẽ xảy ra trong các vòng đàm phán tới, khi Mỹ sẽ yêu cầu thay đổi cơ chế giải quyết các tranh chấp thương mại thuộc NAFTA. Theo đó, sẽ nâng mức tiền phạt chống bán phá giá nhằm vào Mexico và Canada. Theo đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, thì phía Mỹ không muốn “chỉ thay đổi vài điều khoản, bổ sung vài chương”, mà điều Mỹ muốn là “sự cải tiến đáng kể” với NAFTA. Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ NAFTA bị xóa sổ vẫn luôn hiện hữu khi các bên đều tỏ ra bất cần. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây không ít lần dọa dừng đàm phán NAFTA. Trong khi đó, phía Mexico cũng khẳng định sẵn sàng rời khỏi bàn đàm phán trong trường hợp ông Trump khởi động quá trình rút khỏi hiệp định này. Chủ tịch OCE Juan Pablo Castañón cảnh báo "phương án B" sẽ được khởi động ngay nếu NAFTA đổ vỡ, nhằm giúp Mexico đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm các đối tác mới và triển khai cơ chế bảo vệ đầu tư.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất luận tiến trình đàm phán NAFTA có gập ghềnh như thế nào, các bên cũng không bỏ NAFTA bởi hiệp định này vẫn rất quan trọng với cả ba nước thành viên. Theo các nhà nghiên cứu, nền kinh tế Canada cũng tăng trưởng 2,5% mỗi năm nhờ NAFTA. Hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings đánh giá, nếu NAFTA đổ vỡ, Mexico không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng, mà cả hai nước còn lại là Canada và Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại nặng. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal mới đây đã cam kết rằng Mexico sẽ hợp tác với tất cả các nước đối tác để đảm bảo không có bất cứ “thua thiệt” nào. Theo ông, một thỏa thuận thành công phải mang lại lợi ích cho cả ba bên. Hy vọng rằng, NAFTA sẽ “về đích” đúng hạn và thỏa thuận thương mại mới này sẽ khiến cả Mỹ, Canada và Mexico cùng thắng.