Thép giá rẻ: Trung Quốc khó tự thu hẹp

Nỗi e ngại từ thép giá rẻ Trung Quốc không phải của riêng quốc gia nào. Nó đã trở thành một vấn đề lớn của các cường quốc sản xuất thép và thậm chí, cả đối với chính Trung Quốc.

Mới đây nhất, Anh đã bày tỏ quan ngại ở cấp ngoại giao về cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và đề nghị Trung Quốc giảm sản lượng xuất khẩu sang nước này. Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn Thép lớn thứ 6 thế giới TATA (Ấn Độ) muốn rút lui khỏi Anh do không thể cạnh tranh với thép Trung Quốc. Và vì vậy, sẽ có hàng chục nghìn lao động nước này mất việc cũng như vị thế của ngành công nghiệp thép nước Anh chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tương tự như vậy, ở Đức, vào ngày 11/4 vừa qua, hơn 45.000 công nhân làm việc trong ngành thép đã xuống đường biểu tình nhằm yêu cầu giới chức có thêm các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn thép giá rẻ Trung Quốc đang ùn ùn đổ vào nước này. Hiện tại, số phận của 3,5 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực và dịch vụ liên quan tới ngành thép ở Đức đang bị đe dọa nghiêm trọng nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục kéo dài.

Vấn nạn thép Trung Quốc còn lan tới cả Liên minh châu Âu (EU) khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Jean-Claude Junker cho biết EU đang điều tra khả năng các nhà sản xuất thép Trung Quốc bán phá giá tại thị trường châu Âu và sẽ có những biện pháp trừng phạt trong trường hợp cần thiết.

Mới đây, ngày 18/4, các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nguồn cung thép dư thừa hiện nay mà Trung Quốc là tác nhân chính. Tham gia cuộc họp và đồng chủ trì với Bỉ có giới chức Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Thép thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là lần đầu tiên các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới ngồi lại với nhau để thảo luận về thực trạng dư cung trên thị trường. Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Sajid Javid cho biết: Trung Quốc rõ ràng nhận ra rằng đã có thực trạng cung quá mức tại cường quốc châu Á này. Nhưng Trung Quốc đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này trợ giá cho ngành thép bị thua lỗ và cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Dù vậy, trong nhiều diễn biến khác đã cho thấy Trung Quốc buộc phải thừa nhận rằng họ cũng đang đối mặt với ngày càng nhiều sức ép từ quốc tế kêu gọi nước này chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang gây "lụt" thị trường và đẩy các nhà sản xuất nước ngoài vào "đường cùng".

Nhưng để khống chế tình trạng này là việc không dễ và Trung Quốc cũng đang tỏ ra lúng túng trong việc thu hẹp nguồn xuất khẩu sản phẩm này. Hiện tại, năng lực sản xuất thép của Trung Quốc đạt khoảng hơn 1 tỷ tấn, trong khi đó nhu cầu nội địa lại đang ở mức dư thừa, chính vì vậy nước này không còn cách nào khác là bắt buộc phải tăng lượng xuất khẩu. Năm 2015, Trung Quốc đã xuất khẩu 110 triệu tấn thép, cao gấp 10 lần so với sản lượng thép của nước Anh và dự kiến trong những năm tiếp theo con số này sẽ tiếp tục tăng.

Riêng đối với Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2016, đã nhập khẩu hơn 4,7 triệu tấn thép, tăng tới 64,5% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng nguồn nhập từ Trung Quốc đã chiếm 2,9 triệu tấn và tăng tới 70,5% so với cùng thời điểm này năm 2015. Nhìn rộng ra, chỉ trong quý 1/2016, số thép được đưa về từ quốc gia này đã bằng 1/5 tổng lượng nhập khẩu của cả năm 2015 (khoảng 15 triệu tấn).

Nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước thép giá rẻ Trung Quốc, hồi đầu tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Ngay sau đó, thị trường đã có nhiều phản ứng tích cực, phôi thép đang có giá chào bán 8,1 - 8,3 triệu đồng/tấn, còn thép thành phẩm là 9,3 - 10,2 triệu đồng/tấn. Các con số này đều tăng mạnh so với trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, biện pháp tự vệ tạm thời này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 7/10/2016, sau thời điểm đó tương lai của ngành Thép Việt Nam sẽ thế nào vẫn đang là câu hỏi chưa thể trả lời. Thế giới trong đó có Việt Nam sẽ phải đối xử với thép Trung Quốc như thế nào khi đây không chỉ là quốc gia xuất khẩu phôi lớn nhất thế giới và cũng đứng thứ hai về nhập khẩu thép thành phẩm chỉ sau Mỹ?

Theo một số chuyên gia trong ngành thép, không chỉ là hiện tại mà kể cả sau thời điểm 7/10 tới, nếu tiếp tục áp thuế tự vệ lên phôi thép, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp trong nước có cả hai mô hình luyện phôi thép cán nóng và sản xuất. Ngược lại, rất nhiều công ty chỉ sản xuất và phân phối thép sẽ phải chịu ảnh hưởng do giá tăng. Mặc dù vậy, ngay cả khi áp dụng phòng vệ cho phôi thép Việt Nam thì sản phẩm này cũng rất khó để địch lại với đối thủ đến từ Trung Quốc. Riêng về lĩnh vực này, phía Trung Quốc đang vượt trội toàn diện về cả chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cho ngành thép cũng như công nghệ sản xuất đều hiện đại và có quy mô lớn hơn Việt Nam gấp nhiều lần. Hiện tại, giá thành phôi thép Trung Quốc đang thấp hơn của Việt Nam khoảng 20 - 40%.

Và với mức giá như vậy, dù Việt Nam có áp mức thuế tự vệ cỡ nào đi chăng nữa thì doanh nghiệp trong nước vẫn sẽ lựa chọn phôi thép có giá thấp hơn mà không cần quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ. Đó là còn chưa kể việc không dễ dàng gì nếu muốn mua phôi của doanh nghiệp trong nước bởi năng lực sản xuất sản phẩm này của hầu hết các doanh nghiệp chỉ đáp ứng được đủ nhu cầu của chính họ.

Theo một thống kê mới đây của Công ty Chứng khoán Thiên Việt, những doanh nghiệp thép có lợi nhuận và doanh thu bền vững đều thuộc về các tên tuổi chủ yếu chỉ thực hiện khâu sản xuất thành phẩm như Tôn Hoa Sen, Nam Kim, Hòa Phát... Trong khi đó những doanh nghiệp phụ thuộc vào sản xuất phôi như Việt Ý, Ponima... đều hứng chịu những giai đoạn làm ăn thua lỗ. Chính bởi vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tăng cường sản xuất để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như gia công để xuất khẩu là hướng đi thích hợp nhất để tối ưu hóa lợi nhuận.

Và trong khi Việt Nam vẫn đang loanh quanh câu chuyện định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất thép của mình, thế giới vẫn chưa có cách nào khống chế thép giá rẻ của Trung Quốc, thì Trung Quốc cứ yên tâm với sự “bất lực” của chính mình.
Minh Quân