Thị trường các-bon quốc tế giúp giảm 32% lượng khí phát thải

Kết quả phân tích mô hình trong Báo cáo Hiện trạng và xu thế định giá các-bon 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện cho biết, tăng cường hợp tác thông qua mua bán các-bon sẽ giú

Tất yếu phải định giá các-bon

Ý kiến rộng rãi cho rằng một mức giá các-bon dài hạn, dễ đoán là yếu tố quan trọng giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện quá trình dịch chuyển dần sang một nền kinh tế phát thải các-bon thấp.

Theo phân tích của WB, định giá các-bon thường là phương pháp tiết kiệm nhất giúp đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính nếu được phối hợp đúng cách với các chính sách giảm nhẹ biến đổi khí hậu, các chính sách thuế, quản lý nhà nước và các chính sách ưu đãi khác. Hơn nữa, định giá các-bon mang lại sự ổn định, giúp các chính phủ và doanh nghiệp ra các quyết định dài hạn; khuyến khích đầu tư vào công nghệ phát thải các-bon thấp; và cải thiện môi trường và sức khỏe con người nhờ giảm các chất ô nhiễm liên quan đến việc đốt cháy nguyên liệu hóa thạch.

Kết quả phân tích mô hình trong báo cáo cho thấy, tăng cường mua bán các-bon sẽ giúp giảm phát thải trên quy mô lớn với chi phí thấp hơn nhiều so với hiện nay. Kết quả phân tích này được đưa ra dựa trên mục tiêu giảm thiểu các-bon nêu trong các kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris hay còn gọi là Đóng góp quốc gia (NDC), trong đó có Việt Nam.

Báo cáo của WB được công bố tại Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Nhóm đối tác chuẩn bị công cụ thị trường cho biết, mục tiêu cắt giảm phát thải để đạt mục đích nhiệt độ chỉ tăng 2°C hay thấp hơn sẽ khó có thể đạt được với chi phí thấp nếu không tăng cường buôn bán các bon.

Tại phiên đối thoại, ông John Roome, Giám đốc cao cấp về biến đổi khí hậu, WB cho rằng: Càng tăng cường hợp tác thông qua buôn bán các-bon, càng tiết kiệm được nhiều và càng có thể nâng cao kỳ vọng của các nước trong thời gian ngắn. “Muốn hiệu quả, các chính sách định giá các-bon phải được phối hợp tốt với các chính sách năng lượng và môi trường khác. Điều đó đòi hỏi phải hợp tác trong nội bộ từng nước và giữa các nước” - ông John Roome khẳng định.

Trong năm 2016 đã có 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và hơn 20 thành phố, tiểu bang và vùng, trong đó có 7 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có kế hoạch hoặc đang trong quá trình xem xét sử dụng cơ chế thị trường trong lĩnh vực cắt giảm phát thải.

Phạm vi điều chỉnh phát thải toàn cầu của các sáng kiến định giá các-bon đã tăng 3 lần trong thập kỷ vừa qua, tương đương 7 tỉ tấn dioxide carbon, hay nói cách khác, 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng thu được 26 tỉ USD từ các sáng kiến định giá các-bon trong năm 2015, tăng 60% so với năm 2014.

Trong năm nay đã có 2 sáng kiến định giá các-bon mới được khởi động: British Columbia áp giá lên phát thải từ các nhà máy khí hóa lỏng tự nhiên trong khuôn khổ thuế các-bon và Úc đã thực hiện cơ chế phòng vệ đối với Quỹ giảm phát thải, theo đó nhà chức trách yêu cầu các đơn vị, tổ chức có mức phát thải vượt mức cho phép phải mua tín chỉ để bù trừ vào khoản vượt mức của họ.

Trước đó, vào tháng 4/2016, Hội đồng định giá các bon cao cấp đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng gấp đôi tỷ lệ lượng khí phát thải được điều chỉnh lên 25% vào năm 2020 và tiếp tục tăng gấp đôi mức đó lên 50% sau 1 thập kỷ nữa. Nguyên thủ các nước Canada, Chi-lê, Ethiopia, Pháp, Đức và cũng tham gia kêu gọi tăng mức cam kết này.

Dự kiến, năm 2017 có lẽ sẽ là năm có số lượng tăng trưởng các sáng kiến định giá các-bon để đối phó với tình trạng phát thải toàn cầu lớn nhất. Nếu hệ thống buôn bán phát thải quốc gia Trung Quốc (ETS) được thực hiện trong năm 2017 như dự định thì đây sẽ là sáng kiến định giá các-bon lớn nhất thế giới, lớn hơn cả hệ thống ETS của EU. Ước tính ban đầu cho thấy khối lượng phát thải thuộc phạm vi điều chỉnh của các sáng kiến định giá các-bon sẽ tăng từ 13% lên 20 -15% tổng lượng phát thải khí nhà kình toàn cầu.

Định giá các-bon và Thỏa thuận Paris

- Hầu hết các chính phủ trên thế giới - 189 nước đại diện cho 98% dân số toàn thế giới - đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris đạt được tại Hội nghị COP21 tháng 12/2015.

- 101 nước đang xem xét đưa sáng kiến định giá các-bon vào chương trình hành động về biến đổi khí hậu hoặc cam kết Đóng góp quốc gia của mình. Trên 90 nước trong số này đã thể hiện mong muốn tham gia vào cơ chế thị trường quốc tế sẽ được xây dựng trong thời gian tới trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Thị trường các-bon thế giới

Thỏa thuận Paris đạt được tại Hội nghị COP21 cuối năm 2015 đã đặt nền móng cho một sự hợp tác toàn cầu thông qua thị trường các-bon. Trên 100 nước đang nghiên cứu đưa sáng kiến định giá các-bon vào trong cam kết NDC của mình, thông qua buôn bán các-bon trong nội bộ mỗi nước và giữa các nước, cấp tín chỉ quốc tế, đánh thuế các-bon và các biện pháp khác.

Theo khuôn khổ hợp tác mới này, một nước sẽ được hưởng lợi từ hoạt động giảm thiểu khi các hoạt động đó giúp một nước khác hoàn thành nghĩa vụ NDC của mình. Các nước có chi phí giảm nhẹ thấp có thể thu được một khoản từ 2 - 5% GDP và dùng khoản tiền đó đầu tư nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải vào năm 2050.

Báo cáo Hiện trạng và xu thế nêu tầm quan trọng của thị trường các-bon quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Kết quả phân tích mô hình căn cứ vào kế hoạch NDC của các nước cho thấy càng sớm hợp tác thông qua thị trường các-bon thì càng tiết kiệm được nhiều và càng có nhiều cơ hội để nhân rộng tham vọng này.

Buôn bán các-bon trên quy mô toàn cầu sẽ giúp giảm chi phí trong quá trình thực hiện các mục tiêu NCD và giúp cắt giảm tới 32% phát thải vào năm 2030 nếu thị trường bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2020.

Kết quả tính toán trên mô hình cũng cho thấy, vào giữa thế kỷ này, thị trường buôn bán các-bon quốc tế sẽ giúp cắt giảm 50% chi phí giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu.

Với tầm nhìn sau năm 2030 và tùy thuộc vào mức độ tham vọng của các nước -mức độ tuyệt đối và tương đối so với nhau - hoàn toàn có khả năng cắt giảm 50% chi phí vào năm 2050. Sau năm 2050 sẽ khó có thể cắt giảm lượng phát thải cần thiết để giảm nhiệt độ 2°C hoặc hơn nữa nếu thiếu vắng sự linh hoạt mà thị trường các-bon mang lại.

Kết quả phân tích cũng cho thấy một số khu vực nghèo trên thế giới có thể thu được một khoản 2 - 5% GDP tư thị trường các-bon quốc tế.

Minh Anh