Thị trường thép 2017: Nỗi lo dư cung từ Trung Quốc

Tồn kho nguyên liệu sản xuất thép tại các cảng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2014 trở lại đây.

Vì vậy, dư cung sẽ là nỗi ám ảnh của các nhà sản xuất thép châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2017, cũng như các năm tới. Đây cũng là chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị thép lớn nhất châu Á tổ chức tại TP.HCM vào tháng 3/2017.

Trong phiên giao dịch đầu tuần này, quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc vẫn trong xu hướng giảm mạnh, khi tiếp tục giảm hơn 7% so với tuần trước đó, do tồn kho nguyên liệu sản xuất thép chưa ngừng tăng.

Tồn kho quặng sắt tại các cảng chính ở Trung Quốc đạt 111,55 triệu tấn, theo số liệu công bố bởi nhà tư vấn Steel Home, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua.

Giới phân tích cho rằng, nguồn cung cấp quặng sắt vẫn còn rất lớn và việc Trung Quốc đang cố giảm giá mạnh đồng nhân dân tệ trước khi nhiệm kỳ mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bắt đầu (ngày 20/1/2017), sẽ khiến thép và nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc hiện diện mạnh mẽ hơn ở các thị trường nước ngoài.

Dự báo mới nhất của Fitch về lượng tiêu thụ thép Trung Quốc năm 2017 vào khoảng 700-705 triệu tấn. Mặc dù Bắc Kinh tiến hành cắt giảm công suất thép, song áp lực dư cung sẽ buộc các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm mọi cách để xuất khẩu và Đông Nam Á đang trở thành một địa bàn quan trọng hấp thụ lượng thép dư thừa này.

Việc các sản phẩm thép của Trung Quốc đang phải chịu thuế chống bán phá giá tại Mỹ và Mexico, châu Âu cũng đang có xu hướng bảo hộ các ngành sản xuất tại lục địa này... là những động thái mà ngành thép Việt Nam cần chú ý. Không loại trừ các thị trường nhập khẩu trên sẽ xem xét áp thuế chống bán phá giá với thép Việt Nam, do lo ngại thép Trung Quốc chọn Việt Nam là điểm trung chuyển để xuất ra các thị trường nước ngoài.

Trong khi đó, số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, có sự lệnh pha rất lớn trong xuất-nhập khẩu mặt hàng này năm 2016. Cụ thể, tổng lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam 10 tháng đầu năm đạt hơn 15,8 triệu tấn, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 6,62 tỷ USD. Trong khi lượng thép xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt hơn 3,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,99 tỷ USD.

Đối với thị trường trong nước, VSA cho rằng, việc tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017. Với mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã được Quốc hội thông qua, ngành thép được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 10-12% trong năm 2017.

Cụ thể, tổng sản lượng thép sản xuất trong nước ước tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn, chỉ chiếm một nửa so với tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước, còn lại là thép nhập khẩu. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có 10 dự án thép được đưa vào hoạt động.

Điều này sẽ khiến thị trường cạnh tranh quyết liệt hơn, đặc biệt khi những “ông lớn” như Hòa Phát tuyên bố sẽ giữ và tăng thị phần bằng mọi giá. Kế hoạch sản xuất 2017 chưa được Hòa Phát công bố, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp này từng cho biết, năm 2017, họ đặt mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ 2,5 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với năm 2016.

Mặc dù thị trường cạnh tranh quyết liệt, nhưng với mục tiêu đầu tư mạnh cho hạ tầng của Chính phủ và sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, ngành thép Việt Nam đã tạo ấn tượng với quốc tế nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Những chuyển động này đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đây chính là lý do mà hãng tư vấn Kallanish Commodities quyết định chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Hội thảo thường niên “Thị trường thép châu Á 2017” trong tháng 3/2017 và là lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Theo đó, những dữ liệu để cụ thể hóa mối lo dư cung, khả năng các nước áp dụng rào cản kỹ thuật để ngăn thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào, cũng như xu hướng nguyên liệu quặng sắt trên thế giới… sẽ là những chủ đề được thảo luận tại hội thảo này.


Xuân Thuận - TCT Thép