Thích thì lên rừng mà ở

Có lần, một người bạn của tôi than thở: 'Ước gì được ở ẩn trong rừng như tao nhân mặc khách thời xưa, tha hồ thơ ca chim muông không vướng bận sự đời. Thế thì thích biết mấy!' Tôi bèn đáp ngay: 'Ôi ch
Chuyện đấy không có gì lạ. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ em lạc vào rừng và được thú hoang nuôi dưỡng. Những người đang thuộc thế giới văn minh lại bỏ vào rừng sống hoang dã lại càng nhiều. Dọc theo các dãy núi ở Châu Âu như Carpathians, từ lâu đã hình thành những người "sống dựa vào đất". Họ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội văn minh nhưng có chung mong muốn là thoát khỏi cuộc sống nơi phố xá, thoát khỏi tất cả những phương tiện hiện đại của thế kỷ 21. Họ sống cheo leo trên núi, tự trồng trọt chăn nuôi, xây nhà, sửa chữa, tóm lại là tự làm mọi thứ mọi thứ.  
Ở Việt Nam, chuyện "người rừng" cũng chẳng phải xa lạ gì. Thậm chí, có cả "người rừng" ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội. Họ cũng đều là những người sống biệt lập, muốn lánh xa xã hội. Hoặc chẳng đâu xa, ngay trong gia đình người chị dâu tôi cũng có một "người rừng". Bác này vì vợ con gặp tai nạn qua đời, đau khổ quá nên bỏ lên rừng hoang sống một mình, vài tháng mới xuống núi một lần để đổi gạo.
Còn nếu muốn sống tách biệt mà vẫn hưởng thụ nền văn minh thì lại càng dễ. Rất nhiều nhà văn, nhà soạn nhạc vĩ đại của nhân loại đã tự nhốt mình trong một căn phòng, không tiếp xúc với ai, chỉ để sáng tác.  
Tôi đưa ra một loạt các trường hợp như thế cho người bạn nhưng anh ta tỏ vẻ trầm ngâm và không bao giờ nhắc tới chủ đề đó nữa. Không riêng gì anh bạn này, tôi đã gặp vô số người than vãn về nhân tình thế thái, muốn được thoát ly. Không làm ẩn sĩ thì làm anh hùng kiếm hiệp rong ruổi như truyện Kim Dung. Những người này tôi chia thành hai kiểu. Một là người chẳng có mục đích sống gì cả nên cứ bám bừa vào một thứ mộng mơ tưởng là không thể làm (để tự an ủi mình sinh nhầm thời?). Hai là người có mong muốn thoát ly thật, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ mong muốn chứ không động chân động tay gì. Tất cả họ đều giống nhau là chưa thấy ai chịu rời xã hội này cả.
Tôi chợt nhớ tới một đoạn văn của đại văn hào Nhật Soseki: "Tạo ra thế giới của con người chẳng phải thần linh cũng chẳng là ma quỷ, mà đơn giản chỉ là những con người yếu ớt kề cận với mình đây. Một khi thế giới do chính con người tạo ra đã là khó sống thì cũng chẳng có nơi nào khá hơn để mình tìm đến. Họa chăng là phải đến những nơi không có con người. Nhưng mà nơi không có con người thì có lẽ còn khó sống hơn thế giới của con người nữa. Nếu thế giới mà mình không thể thoát khỏi là khó sống, thì ta hãy cố gắng thích nghi và thư giãn hết mình, và phải làm cho thế giới khó sống này trở thành một nơi dễ chịu hơn để gửi gắm cuộc đời phù du dù chỉ trong phút chốc."   Nói thế không có nghĩa phê phán việc lên rừng sống. Hồi lâu có một tranh luận rằng: "Người rừng không chịu theo người Kinh về xuôi thì ai là người có lợi?" Người Kinh có lợi vì không phải tốn công sức "xã hội hóa" người rừng hay người rừng có lợi vì chính họ được sống trong môi trường mà họ thật sự yêu thích? Nói thế để cho thấy rằng: Lên rừng ở ẩn không có gì sai trái cả, lại càng không có gì bất khả thi.
Điều tôi muốn nói ở đây là những giấc mơ. Hãy tìm ra giấc mơ của đời mình và thực hiện nó. Đừng mơ màng trong một mong muốn nửa vời hoặc bỏ lửng những giấc mơ của mình. Thế giới chưa bao giờ là hoàn hảo. Tất cả đều có những khiếm khuyết, cần những đánh đổi. Nếu thích lên rừng thì cứ lên rừng mà ở. Ở đấy sẽ không có internet, game, hòa nhạc, tụ tập trà đá… nhưng nếu đó là điều bạn thật sự thích, thì ngại gì đánh đổi? Nếu bạn nghĩ bạn có thể, thì đúng là bạn có thể. Hay nói như Pablo Picasso thì "Tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng đều là có thật."
Mann (Depplus.vn/MASK)